Theo Trung tâm Hành tinh nhỏ của Liên minh Thiên văn Quốc tế, tiểu hành tinh mới có tên gọi 2023 MU2 vừa được phát hiện cách đây một tuần. Giới chuyên gia ước tính tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 3,9 đến 8,8 mét, gần bằng kích thước của một tòa nhà ba tầng.
2023 MU2 sẽ phóng qua Trái Đất ở khoảng cách 215.000 km. Khoảng cách nay bằng khoảng 60% khoảng cách trung bình từ hành tinh của chúng ta đến Mặt Trăng. Về mặt thiên văn, khoảng cách này khá gần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không có lý do gì đáng báo động.
2023 MU2 là một trong số nhiều tiểu hành tinh cũng đi theo lộ trình gần Trái Đất trong vài ngày tới. Tiểu hành tinh 2023 MW2 - có kích thước bằng một chiếc ô tô - đã bay qua Trái Đất ở khoảng cách chỉ 124.000 km hôm 23/6.
Cho đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) của NASA đã lập danh mục hơn 32.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất. Theo NASA, trung tâm này được giao nhiệm vụ tính toán các quỹ đạo các vật thể có độ chính xác cao, đánh giá khả năng tiếp cận gần Trái Đất. CNEOS tuyên bố rằng chưa có vật thể nào gây ra mối đe dọa cho Trái Đất trong thế kỷ tới.
Tiểu hành tinh Dimorphos, có kích thước gần bằng một sân vận động, cũng đi qua Trái đất vào cuối tuần này, mặc dù ở khoảng cách xa hơn.
Vào năm ngoái, tàu vũ trụ thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos cách Trái Đất 11 triệu km. NASA mô tả đây là thử nghiệm hệ thống phòng thủ hành tinh đầu tiên trên thế giới. Dù Dimorphos không gây ra mối đe dọa cho hành tinh của chúng ta, nhưng thử nghiệm này được ca ngợi là bước ngoặt để bảo vệ Trái Đất khỏi các mối đe doạ va chạm với thiên thạch trong tương lai.