Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (6 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
Trong ngày 5/1 có 22.662 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.436.046 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.257 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 4/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 5/1 ghi nhận 230 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.475 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 4/1, có 752.474 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, đã tiêm tổng số 155.199.486 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.987.940 liều, tiêm mũi 2 là 69.803.846 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 7.407.700 liều.
Hà Nội hiện là địa phương tiêm mũi 3 nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh (với khoảng hơn 1,1 triệu mũi nhắc lại; hơn 320.000 mũi bổ sung).
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Sở đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi tăng cường cho người già, người nhiều bệnh nền, nguy cơ cao bằng cách đưa vaccine đến tận nhà người dân. Hiện lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho thành phố đủ để triển khai tiêm vaccine mũi 3 diện rộng, nhưng chưa thể tiêm hết ngay do phải chờ để đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mũi 2.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị người dân tích cực phối hợp với chính quyền, cơ quan y tế, tham gia tiêm đầy đủ mũi vaccine tăng cường để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình. Mũi vaccine tăng cường sẽ đặc biệt phát huy hiệu quả chống diễn biến nặng, nhất là với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Ngày 5/1, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội triển khai chương trình ATM oxy miễn phí và các hoạt động điều phối oxy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.
Chương trình “Hà Nội nghĩa tình - ATM oxy miễn phí” bước đầu sẽ vận hành với 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình oxy loại 40 lít, 800 đồng hồ đo, 30 máy oxy loạt 7 lít, 20 máy oxy loại 10 lít và 500 bộ chia oxy. Công tác vận chuyển bình oxy và các thiết bị y tế từ “Trạm ATM oxy miễn phí” sẽ do Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội) đảm nhận, với đội hình phản ứng nhanh lên tới 100 xe.
Ngày 5/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong tuần qua trên địa bàn tỉnh phát hiện 159 ca F0 trong cộng đồng, trung bình 23 ca/ngày; so với tuần trước giảm 8,6%. Trong 7 ngày gần nhất, toàn tỉnh ghi nhận 825 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR (giảm 16,9% so với tuần trước); trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca mắc; trong khi đó số ca mắc bệnh được chữa trị khỏi, ra viện ngày càng nhiều, góp phần giảm tải cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện biến chủng mới Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn và chuẩn bị bước vào Tết Nguyên đán, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 với tiến độ 100.000 mũi/ngày, hoàn thành mục tiêu 100% đối tượng được tiêm mũi 3 trong tháng 2 năm 2022.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đánh giá, đến nay, việc thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 tại “điểm nóng” Bình Dương được cho là thắng lợi nhờ chiến lược đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng ngừa cho toàn người dân. Mặt khác, việc tạo điều kiện để F0 điều trị tại nhà là một bước đột phá trong phòng, chống dịch, góp phần giảm áp lực cho các hệ thống cơ sở y tế; qua đó tập trung vào chuyên môn điều trị, giảm được tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, việc mở ra mô hình Trạm Y tế lưu động, đưa y tế đến gần với dân, nhằm giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm nhanh số ca bệnh chuyển nặng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, vaccine là một trong những “chìa khóa” quan trọng nhất giúp Bình Dương trở lại “bình thường mới”, góp phần giúp tỉnh phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2021; qua đó tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong năm 2022.
Nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/1, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu Công an Thành phố kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý nghiêm, răn đe các trường hợp vi phạm, phòng ngừa yếu tố tiềm ẩn phát sinh tội phạm kinh tế và chức vụ...