Ông Benjamin Petlock, Tuỳ viên nông nghiệp cấp cao, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của mối quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam là thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia, vốn đã tăng trưởng một cách đáng kể trong suốt 25 năm qua.
Năm 2020, người tiêu dùng Việt có thể mua hoa quả tươi nhập khẩu từ Mỹ như cam Sunkist, táo, nho, cherries, lê và việt quất. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng là thị trường lớn thứ hai của trái cây Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trước khi cam Navel của thương hiệu Sunkist được cấp phép bán tại thị trường trong nước, kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi của nước này vào Việt Nam đạt 97 triệu USD trong 10 tháng của năm 2019, tính đến ngày 30/10, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng này giúp Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ.
Việc trái cây nói riêng cũng như nhiều nông sản khác nói chung ngày càng hiện diện phổ biến ở Việt Nam là kết quả tất yếu của việc mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Với Hiệp định thành lập Khu vực tự do thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), hầu hết các sản phẩm trái cây như táo, nho, mận, kiwi, lê, việt quất,... có thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam là 0%.
Đây cũng là khối thị trường có nhiều sản phẩm trái cây như táo, lê, nho đen, nho xanh, cherry, kiwi... mà các nước láng giềng Việt Nam không có hoặc khác loại nên cũng dễ dàng chinh phục thị trường trong nước.
Không chỉ đa dạng sản phẩm, giá các loại trái cây nhập khẩu cũng khá rẻ so với những năm trước. Tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội, điển hình như sản phẩm táo từ New Zealand, Mỹ, Pháp... có giá từ 40.000 - trên 200.000 đồng/kg tùy loại; lê Nam Phi từ 60.000 đồng/kg, kiwi từ 140.000 đồng/kg, cam từ 60.000 đồng/kg, cherry khoảng 300.000 đồng/kg, việt quất khoảng 600.000 đồng/kg.