Julie Marburger – một cô giáo ở Texas (Mỹ) đã đăng trên Facebook cá nhân bài viết mô tả cuộc sống của cô với tư cách một giáo viên: lớp học nghèo nàn trang thiết bị, học sinh hỗn láo, mức lương thấp… đã khiến cô quyết định từ bỏ nghề giáo.
Chia sẻ này đăng trong tháng 3/2018 đã ngay lập tức nhận được hàng vạn lượt thích, 380.000 lượt chia sẻ trong bối cảnh cuộc biểu tình đòi tăng lương của giáo viên nhiều bang ở Mỹ. Rất nhiều giáo viên Mỹ cũng kể về những góc khuất trong nghề và lý do họ quyết định từ bỏ nghề giáo.
Ngày nay, người Mỹ có trình độ đại học ngày càng ít quan tâm đến công việc lương thấp như nghề giáo. Nhiều giáo viên, do gặp quá nhiều khó khăn khi muốn chen chân vào tầng lớp trung lưu, đã quyết định đổi nghề.
Không giống như các nước khác, người Mỹ không xem xét việc bạn có phải là một giáo viên chuyên nghiệp hay không. “Those who can, do, those who can’t, teach” - có nghĩa là những ai có thể làm việc thì hãy đi làm, những ai không thể làm việc thì đi... dạy học.
Rất ít sinh viên đại học Mỹ muốn trở thành giáo viên. Nhu cầu tuyển giáo viên Toán, Khoa học và Giáo dục trở nên bức thiết ở các khu vực nghèo trên toàn quốc.
Linda nhấn mạnh thêm rằng lương giáo viên Mỹ đã tụt xa so với người lao động có trình độ đại học đang làm ngành nghề khác.
Năm 1994, trung bình lương giáo viên thấp hơn các ngành nghề khác (có bằng cấp tương đương) là 1,8%. Đến năm 2017, mức chênh lệch lên tới 18%. So với bậc tiểu học và trung học, giáo viên mầm non ở Mỹ có mức lương thấp hơn. Một ngày làm việc của giáo viên mầm non bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, kết thúc vào lúc 18 giờ 30 phút. Trong khi đó, trung bình lương của giáo viên mầm non tại Mỹ dao động từ 11-12 USD/giờ, tương đương 33.869USD/năm. Một số bang thậm chí trả lương thấp hơn như South Carolina (9,05 USD/giờ), Mississippi (9,05USD/giờ), Arkansas (9,53 USD/giờ) và Alabama (9,5USD/giờ)… Năm 2014, CareerBuilder đã đưa giáo viên mầm non vào danh sách 10 công việc đáng sợ nhất ở Mỹ, bên cạnh nghề điều tra tội phạm hay nhân viên dịch vụ tang lễ.
Nền giáo dục nước Mỹ trải qua giai đoạn khủng hoảng khi hàng loạt cuộc bãi công tập thể diễn ra liên tiếp ở bang West Virginia, Oklahoma và Kentucky hồi đầu năm nay do mức lương “đóng băng” và ngân sách bị siết chặt.
Giáo viên bang Arizona biểu tình trên diện rộng nếu chính quyền không tìm cách thay đổi. Theo thống kê, lương trung bình của giáo viên trung học ở bang Arizona năm 2016 giảm 10% so với năm 2001. Các giáo viên của tiểu bang này liên tục đưa lên mạng xã hội những hình ảnh cơ sở vật chất tồi tàn ở các trường học: những lớp học bong tróc, những cuốn sách giáo khoa rách nát, điều hoà hỏng, những quả địa cầu vẫn còn đề tên Liên Xô và nước Đức vẫn còn bị chia hai… Nhiều giáo viên dù đam mê công việc nhưng không thể chờ đợi lâu hơn nữa cho một đợt tăng lương, nhiều người phải bỏ việc.
Mới đây, Trung tâm Chính sách Giáo dục Quốc gia đã có những chia sẻ tóm tắt các nghiên cứu về đánh giá giáo viên và đưa ra các khuyến nghị để nâng cao chất lượng giáo dục. Họ đưa ra rất nhiều biện pháp như quan sát giáo viên (bởi các đồng nghiệp và hiệu trưởng), các báo cáo của giáo viên sau mỗi giờ học, khảo sát học sinh sinh viên... Bảng xếp hạng PISA (bảng đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi) đánh giá, Mỹ vẫn đứng ở tầm trung trong bảng xếp hạng quốc tế về thành tích 15 năm về đọc, khoa học và môn Toán.
Phân tích mới của Cục Thống kê Dân số Mỹ hồi tháng 6/2018 cho thấy số giáo viên chuyển sang làm các công việc khác ngày càng tăng.
Từ năm 2015, hơn một triệu giáo viên đã từ bỏ công việc hiện tại để chuyển sang một công việc khác trong hoặc ngoài ngành giáo dục, 1,8 triệu giáo viên “thất nghiệp kéo dài” do không tìm được việc mới. Khoảng 8% giáo viên bỏ nghề mỗi năm, 8% chuyển sang vị trí khác trong ngành giáo dục, chưa kể 1/3 số lượng giáo viên suy giảm là do nghỉ hưu.
Trước tình trạng giáo viên bỏ sang bang khác có mức lương cao hơn, các nhà lập pháp đã đồng ý tăng trung bình 6.100 USD mỗi năm cho giáo viên, 1.250 USD cho nhân viên hỗ trợ và 50 triệu cho quỹ giáo dục, được thống đốc bang Mary Fallin ký duyệt cuối tháng 3. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng số tiền đó không đủ, số lượng giáo viên bỏ nghề vẫn tăng cao.
Nhiều trường học ở Mỹ phải tìm giáo viên thay thế. Họ buộc phải thuê những giáo viên thiếu kinh nghiệm, thậm chí không có chứng chỉ giảng dạy. Điều đó không chỉ gây bất lợi cho học sinh mà còn cho cả nước.
Một số bang tại Mỹ đã phải áp dụng cách đào tạo giáo viên mới, không đi theo lối truyền thống với hy vọng tạo ra một đội ngũ giảng dạy phù hợp trong tình cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. Đơn cử, hệ thống giáo dục tại New York sẽ đi theo một lộ trình hoàn toàn mới trong việc đào tạo giáo viên của bang, giáo viên không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành và trải qua các kỳ thi xét tuyển sư phạm như hầu hết các bang tại Mỹ. Các trường sẽ không còn các quy định liên quan đến bằng cấp khi xét tuyển giáo viên, thay vào đó sẽ tự xây dựng một chương trình cấp chứng chỉ thay thế. Chính sách này giúp các giáo viên không quá chú trọng vào bằng cấp, giúp cho nhà trường dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm giáo viên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục Mỹ cho rằng cách thức đào tạo mới này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.