Trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng Năm nhập siêu 1,0 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,37 tỷ USD, tăng 13,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,44 tỷ USD, tăng 17,0%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tháng 5/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023: Gạo tăng 56,5%; sơ, xợi dệt các loại tăng 52,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 50,7%; điện thoại và linh kiện tăng 50,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 16,1%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao nhưng nhập khẩu tăng mạnh hơn, dẫn tới cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu trong tháng 5/2024. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng mạnh tới 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm giai đoạn 2020 – 2024 |
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,81 tỷ USD, tăng 38,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,0 tỷ USD, tăng 25,3%. Một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất đạt giá trị tăng cao: Điện thoại và linh kiện tăng 55,1%; sắt thép tăng 50,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,3%; xăng dầu tăng 34,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày, dép tăng 33,7%; chất dẻo tăng 31,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm tăng mạnh trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong nước. Trong tháng 5/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,4%; sản xuất trang phục tăng 9,4%.
Không chỉ sản xuất tăng khá, tình hình tiêu thụ trong nước cũng có nhiều dấu hiệu khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%. Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp cũng có những phát triển đáng khích lệ.
Trong tháng 5, cả nước có hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,4%. Cũng trong tháng 5/2024, du lịch tăng cao, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập siêu quay trở lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng, nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng Năm nhập siêu, nhưng tính chung năm tháng đầu năm 2024 thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu. Tuy nhiên, mức tăng của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn lớn hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại.
Trong năm tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức xuất siêu 10,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm giai đoạn 2020 – 2024 |
Trong năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.
Về nhập khẩu năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,0 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD. Trong năm tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 38,1 tỷ USD tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 18,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 290 triệu USD, giảm 61,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, tăng 55,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 11,1 tỷ USD, tăng 1,3%; nhập siêu từ ASEAN 4,2 tỷ USD, tăng 39,1%.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, dẫn tới sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột quân sự giữa Nga – U-crai-na kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá.
Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA. Khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, chúng ta cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.