Hai đồng tác giả Kiều Trường Lâm (ở Hà Nội) và Trần Tư Bình (hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc) vừa nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho công trình nghiên cứu chữ viết của mình.
Tác giả Kiều Trường Lâm (34 tuổi, Hà Nội) có đam mê nghiên cứu ngôn ngữ từ khi còn học Tiểu học. Tác giả này bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu từ năm lớp 2 - lớp 10. Năm 2012, ông phát hiện đề tài "Chữ Việt nhanh" - một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình.
Tác giả Kiều Trường Lâm sau đó thử kết hợp nghiên cứu của mình và tác giả Trần Tư Bình thì cho ra kiểu chữ viết mới. Kiểu chữ này được đặt tên "Chữ Việt Nam song song 4.0". Sau nhiều năm nghiên cứu, "Chữ Việt Nam song song 4.0" (CVNSS 4.0) của Kiều Trường Lâm chính thức được sáng tạo thành công vào tháng 10-2019 khi phối hợp với "Chữ Việt nhanh" của tác giả Trần Tư Bình.
Ngày 25-3, tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT-DL cho công trình nghiên cứu chữ viết của mình. Bộ chữ này chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.
Hiện tại chữ viết cải tiến của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình tạm thời được gọi là "Chữ VN song song 4.0". Ông Kiều Trường Lâm cho biết chữ "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên. Ông Lâm bày tỏ hy vọng, công trình sẽ có ứng dụng trong tương lai và một ngày nào đó sẽ được gọi đúng với cái tên "Chữ Việt Nam Song Song 4.0".
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm Chữ Việt Nam song song 4.0 |
Thông tin này đã khiến nhiều người bức xúc. Độc giả Thành Lợi cho rằng, 2 tác giả tạo ra một thứ "què quặt", thiếu nhất quán trong giao tiếp giữa người dân cùng một nước và đi ngược với văn hóa, văn minh của dân tộc.
"Tôi thấy việc có ý tưởng đổi mới sáng tạo là điều rất tốt và cần cho nhà nghiên cứu. Sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển. Nhưng nó sẽ trở nên vô ích nếu không khả thi và gây rắc rối.
Chúng ta có thể thấy, hiện tỷ lệ mù chữ của nước ta rất nhỏ, đồng nghĩa với việc gần như toàn dân đều đã học và viết theo chữ Quốc ngữ. Vậy mà những kẻ này muốn tẩy não toàn bộ những gì mọi người đã học bao năm qua để đưa thứ què quặt này vào dạy cho học sinh với mục đích gì?", Thành Luân bức xúc.
Theo anh Lương Khải, kể cả tác giả cho rằng bộ chữ này không thay thế chữ Quốc ngữ mà chỉ dùng trên internet thì liệu nó có thực sự cần thiết hay sẽ gây rối loạn, khó hiểu và chia rẽ trên môi trường chung là cộng đồng mạng?
"Đất nước tố bao nhiêu công sức để có ngôn ngữ chuẩn, phổ cập toàn dân, gắn kết dân tộc vậy mà họ lại đẻ ra một thứ lồi lõm như vậy. Tôi không bao giờ chấp nhận loại chữ này dù chỉ là trên internet"
Đồng quan điểm, chị Thúy Quỳnh nhận xét bộ chữ trên nhìn rất rối mắt và nhiều chữ khiến người đọc liên tưởng đến những từ nhạy cảm. Do không có dấu nên chữ nào cũng giống chữ nào, rất phức tạp và khó để phân biệt các từ với nhau.
"Tại sao chúng ta lại phải học thêm một loại ngôn ngữ mới để rắc rối thêm. Đặc biệt, tác giả dùng các chữ Latinh để thay thế cho dấu thanh và dấu phụ khiến kiểu chữ mới này trông nửa tây nửa ta, không giống tiếng Anh mà cũng chẳng giống tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt", chị Thúy Quỳnh nói.
Anh Huy Bình cho rằng, tác giả đang ảo tưởng khi muốn đưa loại chữ này vào giảng dạy cho học sinh. Anh Bình chắc chắn sẽ không bao giờ cho con của mình học bộ chữ này vì nó quá rắc rối và không có tính khoa học.
"Tôi thấy cho các con học tiếng Anh, tiếng nước ngoài để hội nhập và phát triển cho tương lai còn hơn phí thời gian vào học những chữ này. Tác giả của bộ chữ nên dành thời gian để nghiên cứu những thứ khác thiết thực và hỗ trợ cuộc sống tốt hơn việc nghiên cứu thay đổi chữ viết", anh Bình chia sẻ.
Theo chị Minh Nguyệt, nếu tác giả của bộ chữ này nói nghiên cứu để giải trí cho vui thì sẽ không ai phản đối vì đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, nếu để đưa vào ứng dụng thực tế thì không thể vì quá rắc rối và khó hiểu
"Việc nghiên cứu bộ chữ này chỉ làm cho đất nước lùi dần chứ sao mà phát triển nổi. Thời đại công nghệ, muốn nhanh thì có thể gửi tin nhắn thoại thay vì gõ chữ. Những thành phần nghiên cứu ra bộ chữ này thực sự thiếu hiểu biết khi làm những chuyện vô bổ trong khi có quá nhiều vấn đề quan trọng hơn cần phải làm.
Tôi vẫn thấy số ít người đang giải thích thay cho tác giả này về bộ chữ nhưng tôi khuyên họ đừng nên cổ xúy nữa", chị Nguyệt nói.
Hầu hết mọi người đều cho rằng việc nghiên cứu thay đổi chữ viết như này là thừa thãi, không cần thiết.
Bài thơ 'Vội vàng' được chuyển sang chữ Việt Nam song song 4.0 |
Chia sẻ về công trình của mình, tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng một sản phẩm mới ra đời thì bao giờ cũng có những ý kiến phản biện trái chiều. Tất cả những ý kiến phản biện ấy đều đáng được trân trọng và ghi nhận.
Tác giả cũng cho rằng cần rất nhiều thời gian để mình chứng minh cho độc giả thấy rằng sản phẩm rất hấp dẫn nếu họ sẵn sàng học nó và thử áp dụng. Ông Lâm cũng tin rằng những ai từng phản biện gay gắt với công trình của mình sẽ nhận ra nó có ứng dụng thực tiễn nếu thử áp dụng. Theo ông Lâm, hiện có một vài độc giả đã liên hệ với ông và đang thử học, sau khi hiểu được giá trị của bộ chữ này thì bắt đầu cảm thấy hay.
Bên cạnh đó, chữ Việt Nam song song 4.0 là chữ không dấu có thể sử dụng ở bất kỳ điện thoại hay máy tính nào mà không cần bộ gõ tiếng Việt nên sử dụng trên Internet sẽ rất hiệu quả, được giới trẻ tin dùng trong tương lai.
Trong khi đó, theo đánh giá của một số chuyên gia ngôn ngữ, Cục Bản quyền cấp bản quyền cho công trình này là bình thường trong xã hội tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Điều này để khẳng định sáng tạo ấy là của tác giả sáng tạo ra nó. Còn chuyện sáng tạo mới ấy có đưa ra thực tế cuộc sống được không thì lại là chuyện khác.