Dòng sông hết cá
Ông Tấn đi đến cuối làng. Ở đó, sau những rặng tre, có một lối đi dốc xuống bờ sông. Một bến đò. Đó là nơi ông và người làng từng bơi những con thuyền ra dòng sông mênh mông đánh cá. Đã 11 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng ông còn đi đánh cá.
Ông Tấn vẫn nhớ nghề. Ông bước lên một con thuyền nhỏ không biết của ai neo bên bờ sông, thành thạo chèo con thuyền tách ra khỏi bờ, rồi bơi một vòng nhẹ nhàng trên dòng sông xanh, như để nhớ lại một thời. Dòng sông ấy thời ông còn đánh cá không xanh biếc như bây giờ, nó là sông Hồng, đỏ nặng phù sa. Nhưng sông đã xanh dần qua năm tháng – những đập thuỷ điện được dựng lên từ Trung Quốc xuống đến hạ nguồn khiến cho dòng phù sa không lưu thông nữa. Và sông cũng không còn nuôi được những người đánh cá nhỏ như ông qua bữa nữa.
Ông Tấn tha thẩn trên con thuyền.
Bạn có thể bắt gặp ông Tấn ở Bệnh viện Hữu Nghị (Việt Xô). Ông đã xuống Hà Nội được 11 năm, làm cửu vạn ở cảng sông Hồng, rồi bây giờ trông bệnh nhân thuê trong Việt Xô. Ông sống yên bình với cái nghề ấy. Ông giúp các bệnh nhân nằm viện lâu ngày chuyện ăn uống, vệ sinh khi không có người nhà bên cạnh. Mỗi ngày công được ba trăm nghìn, đủ để sống và nuôi hai đứa con ăn học. Ông Tấn cũng không cần thuê nhà: cái nghề của ông tạo ra những người sống ở Hà Nội mười mấy năm không cần một mái nhà. Họ kê giường xếp ngủ bên cạnh bệnh nhân và những ngày không có khách, ngủ vạ vật đâu đó trong các hành lang bệnh viện.
Ngày xưa, nhà ông làm đồng mỗi năm một vụ. Những cánh đồng trũng của xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ chìm trong biển nước mỗi năm 6 tháng. Mùa ấy, ông Tấn đi bắt tôm, bắt cá.
Cá sông Hồng ít dần. Những ngón tay chỉ về hướng nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất: những người đánh cá bằng kích điện. Những cây sào cuốn dây mang theo dòng điện 500V rê trên mặt sông như những lưới hái tử thần. Đi đến đâu cá giẫy dụa, nổi lên đến đấy, không phân biệt cá lớn cá nhỏ. “Đến trứng cá còn nổ đôm đốp” – một người dân kể. Đó tất nhiên là một trong những nguyên nhân khiến cá sông Hồng ít đi. Nhưng người ta có quyền tự hỏi rằng còn những nguyên nhân nào khác đang khiến môi trường dòng sông này nguy ngập?
Cách chỗ ông Tấn đang ngồi vài cây số, là ông Quang. Đó cũng từng là một người đánh cá trên sông Hồng. Nhưng ông không may mắn như ông Tấn: Người đàn ông ngoài 50 tuổi hoàn toàn không biết phải làm gì khi cá hết.
Ông Quang đã gắn bó cả cuộc đời với dòng sông Hồng. Hơn 20 năm trước, gia đình ông bắt đầu khởi nghiệp bán gốm rong dọc dòng sông. Những con thuyền được chất đầy gốm, và bắt đầu xuôi xuống hạ lưu nhiều ngày để bán dạo cho những ngôi làng ven sông. Đi đến đâu neo lại đến đó, đem gốm lên bờ bán. Lúc thì bán được tiền, lúc thì chỉ đổi được gạo củi để sống qua ngày. Họ sống ngay trên con thuyền. Làng ông cũng có một cánh đồng trũng, cũng chỉ cấy được một vụ. Nhiều người trong làng lấy thuyền làm nhà, rồi lênh đênh đi bán gốm như thế.
Nhưng thị trường cho hình thức kinh doanh ấy giờ không còn nữa. Những ngôi làng ven sông giờ không sinh hoạt bám vào dòng sông, bến thuyền, chờ những thuyền buôn đi qua trao đổi hàng hoá như trước nữa. Gần chục năm trước, ông Quang neo thuyền lại ở một vũng cạn gần khu trồng quất Quảng Bá. Bà Tú nhà ông đẩy xe thồ vào phố, bắt đầu một “cuộc marathon” với những người dân phòng và cảnh sát khu vực để bán gốm rong. Còn ông Quang, mượn một con thuyền đi giăng lưới đánh cá nhỏ ven sông.
Ông Quang bắt đầu bơi thuyền từ tối hôm trước, ngâm mình trong dòng nước sẫm màu của sông Hồng để giăng lưới. Đến tờ mờ sáng, ông ra thu lưới về. Những ngày này, hầu như là lưới không. Thỉnh thoảng lắm thì có con cá, dùng để phụ thêm vào bữa ăn cùng bà Tú, vì việc bán gốm rong trên phố bây giờ cũng chẳng ra bao nhiêu tiền. Chứ cá để bán thì không lấy đâu ra. Loanh quanh, ai trong xóm nhờ việc gì ông cũng làm.
Dòng sông “không ô nhiễm”
Mấy tháng cuối năm 2010, đầu nguồn sông Hồng chuyển màu. Dòng sông vốn mang màu đỏ, nhưng khi ấy, nó mang một sắc đỏ đầy hoài nghi: sông nhuốm đỏ cả bờ cát ở quãng qua địa phận tỉnh Lào Cai. Ở những đoạn khác, “nước sông trắng đục như nước vo gạo, mùi hôi nồng nặc”.
Ở phía bên kia biên giới, người ta biết đến sự tồn tại của nhiều nhà máy công nghiệp có chất thải độc hại. Những nhà máy tinh bột sắn, nhà máy tuyển quặng đồng… và cơ quan chức năng Việt Nam nhận định rằng tình trạng nước sông Hồng bị ô nhiễm là do chất thải từ các nhà máy, khu dân cư ở thượng nguồn xả ra.
Tất nhiên chuyện đến đó dừng lại, bởi nghĩ cách làm sao để giải quyết vấn đề này thì… quá khó. Một cuộc lấy mẫu phân tích nước sông Hồng được Tổng cục Môi trường tiến hành. Tuy nhiên kết quả thu được là nước sông không ô nhiễm, các chỉ số đều dưới ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam. “Nước sông luôn chảy, cộng thêm với quá trình trao đổi chất nên nếu lấy vào thời điểm khác nhau thì nồng độ cũng khác nhau” - Một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.
Tất nhiên, nhắc đến sông Hồng và những vấn đề ở thượng lưu Trung Quốc thì không thể quên được vấn đề nguồn nước. Những đập thuỷ điện có trữ lượng hàng chục tỷ mét khối nước được xây ở thượng nguồn, cộng với biến đổi khí hậu, khiến dòng sông dần cạn. Nhà văn Tô Hoài kể chuyện thời ông còn bé, đứng trên cầu Long Biên nhìn “Bãi Giữa lặn cả vào làn nước cuộn đỏ”. Trước năm 1945, người Pháp không cho làm nhà dưới bãi. Mực nước sông mùa lũ khi ấy hẳn cao lắm. Nhưng bây giờ thì Bãi Giữa đã sừng sững hiên ngang ở đấy, thỉnh thoảng có sụt lở, chứ luôn nổi trên mặt sông. Người ta tụ tập làm nhà, lập xóm, định cư ở dưới ấy.
Ở một khía cạnh nào đó, sông Hồng không được bảo vệ bằng sông Mekong. Không có một cơ chế quốc tế nào kiểm soát nguồn nước của dòng sông. Có Uỷ hội sông Mekong, với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; nhưng không có một thứ tương tự dành cho sông Hồng.
Thượng nguồn là một vấn đề. Nhưng ngay cả dưới hạ nguồn, trong lãnh thổ Việt Nam, dòng sông vẫn hứng chịu các tác nhân gây ô nhiễm. Và chưa từng có một cuộc điều tra quy mô nào để giải quyết vấn đề của “dòng sông Mẹ”.
Một xóm bên sông chuẩn bị cho mùa lũ.
Từ thập kỷ trước, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã sống chung với một dòng nước nhuốm màu đen, sặc mùi và ngầu những đám bọt nâu. Lũ trẻ làng chài nơi này chơi đùa bên cạnh những đám bọt to cả chục mét vuông vun lại bên bờ sông.
Người dân kêu than. Họ kể rằng nhà máy bia Sài Gòn-Phú Thọ ở gần đó xả ra dòng sông những dòng nước đen kịt, kết tủa thành bọt chảy ra kênh, chui vào cánh đồng. Nước bốc mùi hôi thối. Nhưng đến tận năm 2015, non nửa thập niên sau khi tình trạng ô nhiễm này diễn ra, thì vấn đề trách nhiệm vẫn chỉ là thứ để tranh cãi. Điều tra chưa được tiến hành, và lãnh đạo địa phương trả lời rằng nước thải đạt chất lượng căn cứ vào… báo cáo của chính nhà máy.
Và cũng không ai quên những lần mà dòng sông Hồng bất ngờ đổi dòng “nuốt” xuống mình cả một khu dân cư. Chuyện đã diễn ra nhiều năm, và chưa bao giờ dừng lại. Từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đến Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, chỗ nào cũng thấy những ngôi làng bị ngoạm mất một miếng có khi sâu đến cả cây số. Người ta nói: nguyên nhân là tình trạng khai thác cát vô tội vạ ở dòng sông này.
Đó chỉ là một lát cắt trên dòng sông lớn, dòng sông đã tạo nên cả một nền văn minh và nuôi sống nhiều thế hệ. Dòng sông ấy, chiếm hơn 1/7 tổng trữ lượng mặt nước của cả quốc gia. Vấn đề môi trường của sông Hồng từ lâu đã được biết đến, nhưng đều chỉ dưới dạng những “lát cắt” như thế, được phản ánh qua báo chí hoặc sự bức xúc đơn lẻ của người dân địa phương.
Những người đàn ông bỏ con thuyền lại bên bờ nước, bắt đầu vào phố loay hoay tìm kiếm một cơ hội làm mướn nuôi thân. Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng rời bỏ dòng sông này. Bao nhiêu người vẫn đang thấp thỏm bên bờ sông chờ ngày ruộng vườn nhà cửa của mình sạt xuống dòng nước. Lúc đó, họ có thể sẽ đưa cả nhà lên một con thuyền, xuôi theo dòng nước xuống hạ lưu và tìm một chỗ để neo thuyền lại, trở thành những người vô gia cư.
Chuyện ấy đã diễn ra nhiều trong thập kỷ trước, và nhiều con thuyền trong số ấy giờ vẫn lay lắt quanh khu vực sông Hồng gần Hà Nội. Bị sông nuốt mất nhà nhưng họ vẫn không thể rời dòng sông. Họ sẽ sống trên sông, ăn uống tắm giặt bằng nguồn nước ở đó. Đầu này con thuyền, những đứa trẻ chổng mông đi ị, đầu kia, người lớn đang giặt giũ múc nước ăn.
Sông Hồng, trong hai thập kỷ qua, đối mặt với vô số vấn đề. Không thể kể hết chúng trong một bài viết. Và sông Hồng, trong bốn nghìn năm qua, đã nuôi dưỡng dân tộc Việt và giúp họ hình thành một nền văn minh. Cũng không thể kể hết ý nghĩa của dòng sông này trong một bài viết.
“Siêu dự án sông Hồng” của công ty Xuân Tiến đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là “chưa xem xét”. Nhưng siêu dự án ấy, với 6 đập thuỷ điện dự kiến xây dọc dòng sông, gợi ra rất nhiều vấn đề về môi trường. Và dù dự án ấy có thể không bao giờ đi vào hiện thực, thì nó cũng là cơ hội để mỗi người trong chúng ta “giật mình” về sông Hồng. Không phải chờ đến 6 đập thuỷ điện đáng ngờ kia, dòng sông Cái mới phải oằn mình hứng chịu sự huỷ hoại của con người, và rồi đến lượt chính nó lại trút cơn thịnh nộ của thiên nhiên lên con người.
Đi dọc bờ sông Hồng, bạn sẽ nhìn thấy bao nhiêu gương mặt. Đó là những gương mặt của cả một nền văn minh. Ông Quang, ông Tấn, đã bỏ thuyền cá ngồi ngơ ngẩn trong phố. Rồi những con bé Trâu, con bé Chuột, đang tắm dưới nước sông đục ngầu. Cả những người đánh cá bằng điện, những xà lan hút cát. Bạn gặp ông Thành ngoài 80 tuổi đang vớt rác trên sông để kiếm sống. Bất kỳ ai bạn gặp ở vùng châu thổ này cũng có thể gắn cuộc đời mình với sông Hồng.
Nhưng hình như chưa từng có ai định nhìn kỹ những khuôn mặt ấy, những khuôn mặt của sông Hồng và hỏi rằng có điều gì đang thực sự diễn ra với nó?
Đức Hoàng