Những ngày tháng đó!

Những ngày tháng đó!

TP HCM, những con đường thân thuộc, dòng người vội vã lao đi trong tiết se lạnh của những ngày cuối năm không làm vơi đi nỗi buồn man mát đang bao trùm sau ngần ấy thời gian có dịch. Những khoảnh khắc đau thương đã tạm qua đi. Tôi không mong nó quay trở lại thêm một lần nào nữa nhưng sự thật đã để lại một vết rạn đậm sâu trong trái tim.

_______________

1. Trời TP HCM tháng 12 lành lạnh, nắng dịu dàng, gió hiu hiu, đường phố bỗng thênh thang hơn làm cho cái nhộn nhịp thường ngày bỗng trở lên sâu lắng. Tôi nép mình trong một góc quán quen ở Quận 2 (cũ), tạm xa những ồn ào, náo nhiệt, chầm chậm nhâm nhi ly cà phê đen đá không đường mà lòng buồn rười rượi khi những giai điệu dạt dào xúc cảm của Phạm Hồng Phước ngân lên.

“Thành phố bé thế thôi mà tìm hoài chẳng được/ Tìm hoài sao chẳng thấy nhau giữa chốn đông người/ Thành phố bé đến thế thôi mà tìm hoài không thấy.../”.

Thấy gì? Tôi thấy My, 23 tuổi, quê Đồng Tháp, mới hôm qua còn má phấn môi son, lụa là gấm vóc, uyển chuyển nhẹ nhàng dưới ánh đèn màu trong nền nhạc lớn ở trung tâm TP HCM mà nay đã loay hoay dọn dẹp đồ đạc trong cửa tiệm và tủ quần áo chuẩn bị rời đi.

“Em đi đâu”, tôi hỏi?

“Dạ, em về quê. Dịch dữ quá tiệm nail của em với mấy đứa bạn ở Quận 6 cầm cự nhiều tháng nay nhưng không có khách nên đóng cửa, trả mặt bằng rồi anh ạ. Giờ tụi em tranh thủ thanh lý đồ đạc, quần áo nào còn mới thì đăng bán lại xong sẽ về, tất cả cùng về...”, My bỏ lửng câu chuyện.

Những ngày tháng đó! ảnh 1

Chỉ mới đây thôi, khi phố xá lên đèn, My và nhiều bạn bè đồng trang lứa cũng lên đồ xúng xính, nô nức như đi trẩy hội. Cứ nghĩ lên thành phố sẽ có được cuộc sống tốt hơn, sung sướng hơn nhưng sự thật lại khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Phận phấn son để có được cuộc sống thoải mái phải đánh đổi không ít!

Bẵng đi một thời gian, lúc dịch cao trào nhất, My nhắn tin tâm sự về cuộc sống ở quê với giọng buồn buồn: “Anh dạo này khoẻ không?... Ở nhà thì em cũng ổn, em sẽ lấy chồng, chắc không quay trở lại TP HCM nữa. Thật sự tụi em không cầm cự nổi, em thấy trên mạng có nhiều bạn vay tiền mà phải quay clip thế chấp, tụi em may mắn hơn một chút khi còn có tiệm, nhưng bây giờ cũng phải bỏ thôi...”.

Tôi cũng không biết phải nói gì hơn vào lúc ấy, chỉ chúc em may mắn và hạnh phúc với lựa chọn của cuộc đời!

2. Trong ký ức của một cậu bé quê như tôi, TP HCM xinh đẹp, rực rỡ, lộng lẫy và hào nhoáng lắm…! Qua những hình ảnh trên lịch treo tường, những thước phim của đài truyền hình HTV, giọng đọc trong trẻo của các chị phát thanh viên radio hay trong những lời “chém gió” của các bậc tiền bối xóm nghèo…, thành phố không bao giờ ngủ, thật nhộn nhịp và phồn vinh!

Đầu tháng Năm, tôi trở lại TP HCM sau kỳ nghĩ Lễ với tâm trạng miên man khi cả nước liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ Tư. Trên truyền hình và khắp các mặt báo, con số cứ tăng dần đều, mỗi ngày mỗi lập đỉnh mới. Mạng xã hội xôn xao tích trữ khẩu trang, thuốc hạ sốt, vitamin các loại…, từ chợ thuốc tây lớn nhất TP HCM ở đường Hai Bà Trưng đến các cửa hàng nhỏ lẻ vùng ven đông đúc chưa từng thấy.

Tôi vẫn nhớ, tiếng còi hụ xe cứu thương bắt đầu dồn dập hơn theo thời gian. Có những hôm ở lại cơ quan muộn, nhìn qua khung cửa sổ dưới ánh đèn vàng hiu hắt là hơn năm xe chiếc cấp cứu nối đuôi nhau chạy trên đường Điện Biên Phủ vào trung tâm thành phố đến các bệnh viện Đại học Y dược, Nhân dân 115, Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy…. Càng về giữa đêm không gian càng vắng lặng, âm thanh ấy lại càng dễ sợ hơn và vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ….

Ngày qua ngày, truyền thông tăng tần suất chạy đua tin tức về số ca nhiễm, cách ly và những người xấu số. Các hội nhóm, diễn đàn chia sẻ nhiều hơn những thông tin liên quan rồi sinh ra hoang mang, lo lắng thậm chí là hoảng sợ. Người chỉ người cách phòng tránh và cả điều trị bằng đông tây y kết hợp nếu rơi vào trường hợp chẳng may, nào là xông tinh dầu xả, nấu mật ong với gừng tươi và cả ăn tỏi sống mỗi ngày.

Tôi cũng nhận nhiều hơn những cuộc gọi, tin nhắn từ gia đình, người thân, bạn bè…, ai cũng chung một kiểu tâm trạng lo âu khi có người quen ở trong tâm dịch. “Hay là về quê một thời gian đi rồi vô lại”, chị Đào khuyên. Chị là cô giáo dạy ngoại ngữ cấp hai ở quê, lớn hơn tôi 6 tuổi. Đến giờ, chị vẫn lo lắng cho tôi như hồi còn bé dại!

Đứng trước mối hoạ của thời đại, nhiều người chọn cách rời bỏ TP HCM về quê hoặc chí ít là đến một nơi nào đó hẻo lánh tìm kiếm sự bình an trong tâm trí. Tôi và nhiều anh, chị ở cơ quan cũng có thể làm điều tương tự. Nhưng không, chúng tôi chọn ở lại, cùng với TP HCM!

Những ngày ấy, dòng người hối hả hơn rất nhiều. Sự thong dong của những buổi chiều tà nhường lại cho dòng xe lao đi trong xé gió. “Đặc sản” ùn tắc trên Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Tất Thành, Cộng Hoà, Trường Chinh… bỗng trở nên lạ lẫm trong mắt hàng triệu thị dân vốn đã quen với mùi xăng xe và khói bụi mỗi lúc tan tầm. Từ Ngã năm Chuồng Chó đến Ngã tư Hàng Xanh, từ Vòng xoay Điện Biên Phủ lan đến Vòng xoay Dân Chủ, từ Ngã sáu Nguyễn Tri Phương về Vòng xoay An Lạc… đâu đâu cũng rợp bóng sắc phục, không gian ngập một màu căng thẳng, lo âu.

Các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động để nhường đường cho những đoàn vận chuyển người đi cách ly tập trung tại các bệnh viện dã chiến vừa mọc lên ở vùng ngoại ô thành phố. Trên những chuyến xe he hé cửa là gương mặt thất thần tựa bàn tay ngâm nước đã lâu, xanh xao và nhợt nhạt. Nam phụ lão ấu ai cũng như ai, chẳng nói chẳng rằng, khẩu trang đeo tuột xuống dưới cằm, lặng im nhìn qua ô kính cửa sổ, tay ôm chặt giỏ xách chất đầy quần áo cũ hãy còn nhăn nheo. Nhiều đứa bé chỉ mới chập chững biết đi nép trong vòng tay mẹ vào nơi buồn bã ấy.

Hàng chục, hàng trăm rồi hàng vạn người được công bố nhiễm bệnh. Cũng từng ấy con số tăng lên lấp đầy một, hai rồi hàng ngàn căn hộ ở Khu tái định cư Bình Khánh vốn bỏ hoang được sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho bệnh nhân COVID-19.

TP HCM lúc bấy giờ bao trùm một nỗi sợ hãi...!

Những ngày tháng đó! ảnh 2

3.Tôi lái xe chạy dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào sáng sớm một ngày đầu tháng Bảy - thời điểm TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Công viên hai bờ chi chít những dải băng ngăn tụ tập, “vết thương” như khắc vào ghế đá, hàng cây..., những bước chân chậm rãi buổi sáng cũng dần trở nên xa lạ.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các trung tâm thương mại, công sở, hàng quán ở khu vực Quận 1 đồng loạt đóng cửa tạm dừng hoạt động trong ngày đầu tiên giãn cách. Xe chuyên dụng của chính quyền rảo quanh các tuyến Đinh Tiên Hoàng, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa..., liên tục dùng loa phát thanh thông báo kêu gọi người dân ủng hộ và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đêm dần buông, bóng người càng thưa vắng. Tôi lang thang giữa cái nóng hầm hập. Một thành phố không ngủ đã lùi lại phía sau để nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, không còn tiếng rao đêm, mất hẳn tiếng gõ hủ tiếu hay leng keng giác hơi tại nhà.... TP HCM gần 8 giờ tối chỉ còn lại những phận đời trôi dạt rong ruổi mưu sinh ở lề đường, con hẻm, bờ kênh….

Tôi giật mình trước cảnh đóng cửa tắt đèn trên đường Đồng Khởi. Phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ còn lại tiếng chổi tre xào xạc. Vòng xoay Điện Biên Phủ vắng hoe, lâu lâu lại vang lên tiếng chuông điểm giờ của chiếc đồng hồ lớn đặt giữa vườn hoa. Một người đàn ông nằm gọn trên chiếc xe đẩy chất đầy quần áo và vật dụng sinh hoạt cũ, cạnh bên là “cậu vàng” – người bạn đồng hành của ông trên bước đường mưu sinh. Phía xa xa, thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ trung niên lầm lũi đẩy xe tự chế đi nhặt ve chai trong vẻ mệt mỏi, tiều tuỵ.

Tôi bắt gặp hình ảnh một cụ già 70 tuổi trong chiếc quần đùi, áo ngắn tay, đi dép xỏ ngón loay hoay lục tìm những thứ còn sót lại trong hai thùng rác đặt ở ngã tư Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân, rụt rè và liên tục cảm ơn khi nhận được ít quà từ ai đó. Tôi ghé lại hỏi thăm rồi gửi cụ chút tình cảm chân thành trước khi tiếp tục lao vào bóng đêm dài hun hút....

Nhưng cũng thật may, vùng đất hào sảng vẫn còn đó những “Anh Hai Nam bộ”, “Cô Ba Sài Gòn” đong đầy tình yêu thương! Những ngày này mới thấy, cái ao nước lã cũng thấm thiết như giọt máu đào!

Hai tuần nữa trôi qua, dịch bệnh ở TP HCM vẫn không hề giảm xuống mà trái lại còn nghiêm trọng hơn buộc thành phố phải tăng cường các giải pháp kiểm soát sau 18 giờ, tất cả người dân ở yên trong nhà trừ cán bộ thi hành công vụ và các trường hợp khẩn thiết.

Suốt ngày hôm ấy ở cơ quan, tâm trạng tôi cứ bồn chồn, bất an khó tả khi đọc những tin tức y bác sĩ từ khắp nơi về hỗ trợ TP HCM, kế đến là các lực lượng vũ trang chi viện. Người dân tranh nhau mua lương thực thực thẩm, thuốc men... để dự trữ cho những ngày khó khăn sắp tới. Tôi nói những suy nghĩ với anh – Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu – cũng là lãnh đạo của tôi ở Văn phòng phía Nam. Anh cũng thấy điều đó và cảm nhận còn sâu sắc hơn tôi rất nhiều, “Thật sự buồn, em ạ! Không biết góp ý như thế nào thì họ mới hiểu nữa em. Nhìn bà con, đồng bào vậy anh buồn và xót lắm...”.

Hoàng hôn dần buông trên những toà cao ốc, tôi lái xe trở về nhà trọ, sự cuống cuồng của phố thị làm đoạn đường thân quen như ngắn lại đôi ba phần.... Đúng giờ G, một vài tờ báo bạn bắt đầu phát trực tiếp hình ảnh camera giao thông các tuyến đường chính của thành phố. Nhìn cảnh tượng cầu Thủ Thiêm không một bóng người, đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Cộng Hoà tĩnh lặng..., thật sự khó mà kiềm lòng. Hơn mười năm đặt chân đến thành phố học tập, sinh sống và làm việc, tôi chưa bao giờ cảm thấy hơi thở của TP HCM yếu ớt, mệt nhọc như thời khắc đó!

Tôi không tài nào ngủ được, đọc tin tức trên báo rồi lướt mạng xã hội là ngập tràn hình ảnh kèm những dòng trạng thái buồn lo! Tôi lại lao ra đường để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử này, một cảm giác lành lạnh sống lưng ập đến khi đường phố thênh thang vắng lặng chỉ còn mình tôi cùng chiếc bóng của chính mình.

4. Tôi không nhớ rõ là mình đã rong ruổi những đâu, không đếm được bản thân đã đi qua bao nhiêu con đường, ngã tư, bao nhiêu chốt kiểm soát, điểm phong toả hay những cuộn kẽm gai “xé toạc” những buổi chiều. Tôi chỉ nhớ, bao nhiêu lần nhìn thấy là bấy nhiêu lần xót xa!

Chiều chiều, đều đặn cứ hai ba ngày một lần, khi mặt trời tắt nắng tôi lại một mình tìm đến Khu cách ly và Bệnh viện dã chiến lớn nhất thành phố. Khu tái định cư Bình Khánh với hàng ngàn căn hộ vào tháng Tám, tháng Chín gần như không còn một chỗ trống. Từ dưới đất nhìn lên, trên những ban công treo đầy quần áo của người không may nhiễm bệnh. Nhiều bạn trẻ “ôm” điện thoại nhưng cũng không ít ánh mắt nhìn vào xa xăm, vô định, có người nhìn thấy tôi đang chụp ảnh, từ trên cao nhìn xuống vẫy tay chào. Tôi không nghe rõ các anh chị, cô chú nói gì vì khoảng cách quá xa nhưng vẫn nhẹ lòng khi thấy những đôi môi hé nụ mỉm chi. Mỗi lần thấy quần áo được mang đi, cửa ban công đóng chặt lại, tức là có người vừa khỏi bệnh, tôi lại mừng thêm một chút.

Nhưng ngày vui rồi cũng qua mau. Dịch bệnh kéo dài, những hoàn cảnh khó khăn mỗi lúc lại càng tăng lên, đặc biệt là những số phận “mắc kẹt” giữa đi và ở lại. Như câu chuyện tôi đã từng kể về bà con ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, “Ba tháng nay chúng tôi không nhận được một đồng hỗ trợ nào. Chúng tôi cùng nhau lên phường hỏi nhưng lại về tay trắng. Bây giờ chúng tôi chịu hết nổi rồi. Nhà báo hãy xin cho chúng tôi được về quê, chúng tôi không cần nhận tiền hỗ trợ nữa...”.

Rồi những hy vọng biến thành thất vọng. Dòng người khốn cùng lại phải gồng mình tìm đường thoát khỏi TP HCM - nơi họ từng xem là “miền đất hứa”, để di tản về quê bằng mọi cách có thể khi lệnh nới lỏng giãn cách vừa có hiệu lực vào cuối tháng Chín. Dòng người bộ hành trên đường thiên lý, trên những chiếc xe máy cà tàng lỉnh kỉnh hành trang là phận đời cơ cực, trong đó có không ít phụ nữ bụng mang dạ chửa, những đứa trẻ mới chỉ vài ngày tuổi hay những vật nuôi mà họ xem là tri kỷ trên bước đường mưu sinh.

Bà con ra đi mang theo nỗi sợ hãi dịch bệnh, những khốn khó nơi thị thành, mồ hôi, nước mắt và cả những u uất, buồn vương! Tôi và chúng ta chỉ có thể cảm nhận một phần rất nhỏ những nỗi niềm ấy!

5. Những ngày cuối năm, thành phố bắt đầu vận động trở lại, không còn những cuộn thép gai và rào chắn, đường phố đông đúc và ồn ào, quán xá rộng cửa hơn là những he hé trong sợ sệt trước đó… Khu tái định cư Bình Khánh cũng không còn người ở, lại trở về với vẻ xơ xác, hoang vu. Nhưng TP HCM vẫn là sự ì ạch, bí bách đến mức chán chường bởi khi màn đêm buông xuống, lại buồn tênh như ánh đèn vàng vọt. Bốn tháng là quá đủ để hình thành nên những thói quen trong tiềm thức.

Mọi năm, thời điểm này đã thấy nô nức bánh quà, lịch Tết và râm rang những lời hẹn hò, chúc tụng. Ngồi trong góc quán nhỏ, tôi lại nhớ da diết những mùa xưa cũ thân quen!

“Rồi có những đêm mưa/ Nằm nghe câu ca rất xưa/ Từ radio phát lên, nghe thật buồn...!”.

Bao giờ cho tới ngày xưa!

Bài: Trần Tây Côn

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.