Những người nước ngoài trầm lặng

Những người nước ngoài trầm lặng

Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang – Hàng Đào… những con phố sầm uất nhất của Hà Nội, bây giờ vắng ngắt. Hàng loạt cửa hàng lưu niệm, đồ may mặc, nhà hàng và khách sạn đóng cửa. Vì đối tượng chính, là những du khách nước ngoài, nay đã gần như không còn. Cuộc phỏng vấn của phóng viên Ngày Nay với những người nước ngoài hiếm hoi còn trụ lại, gửi gắm nhiều thông điệp đáng suy nghĩ.
-----------
Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 1

Ngừng một chút để ngắm hoa văn dương xỉ, rồi rất nhẹ nhàng David dùng chiếc thìa nhỏ khéo léo quậy lớp kem sữa trên cốc cappuchinno bằng giấy. Đưa lên miệng nhấp một ngụm nhỏ, gương mặt anh giãn ra.

Cám ơn thượng đế vì ít ra chúng ta vẫn còn cà phê ngon!.

David Harrak, 31 tuổi, đến từ Morroco – quốc gia vốn rất ưa chuộng cà phê, cho biết một phần trong mục đích của chuyến đi tới Việt Nam của anh là để thưởng thức các thức uống cà phê trứ danh ở đất nước Đông Nam Á này.

Tôi đã đọc rất nhiều bài báo về Việt Nam, đất nước này có nhiều nét văn hóa tương đồng giống Morocco quê hương tôi, đặc biệt người dân ở đây cũng có những cách thưởng thức cà phê rất công phu. Điều này khiến tôi không ngừng bị thu hút và nhanh chóng lên kế hoạch cho chuyến du lịch, David hào hứng chia sẻ.

Dù biết rằng dịch Covid-19 đã xuất hiện tại Việt Nam, nhưng David vẫn tiếp tục chuyến đi của mình, bởi anh cho biết mình đã bỏ ra một khoản tiền lớn để đặt vé máy bay và khách sạn.

Tôi có đọc tin tức về tình hình dịch Covid-19, lúc đó số lượng bệnh nhân tại Việt Nam chưa nhiều và mọi thứ vẫn được kiểm soát tốt. Nên tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi, chỉ cần cẩn thận một chút là được, David nói.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 2

Sau chuyến bay kéo dài hơn 40 giờ qua 2 châu lục, David cảm thấy khá mệt mỏi khi đáp xuống Nội Bài. Sân bay lúc đó khá vắng vẻ, có thể dịch bệnh đã khiến nhiều người ngại đi du lịch, nhưng tôi không để cho suy nghĩ đó làm bận lòng, vị du khách kể lại.

David cho biết anh không gặp phải khó khăn nào khi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay do không đến từ vùng dịch, anh cũng được khuyến cáo phải đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng cũng như thường xuyên rửa tay.

Vị du khách cho biết bản mình không hề cảm thấy phiền toái trước những quy định này, bởi dù sao đó cũng nhằm bảo vệ cho sức khỏe của mọi người.

Điều quan trọng nhất đó là các du khách nước ngoài nên đeo khẩu trang khi họ tham quan Hà Nội và coi điều này là nghiêm túc, vì hầu hết trong số họ chưa làm quen với việc phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Tôi cũng rất thận trọng khi nói chuyện hay tiếp xúc với người lạ và tạm bỏ thói quen bắt tay. Do đó mọi thứ sẽ bình thường, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc và và coi trọng các biện pháp bảo vệ, David nói.

Khi được hỏi về quy định tạm dừng nhập cảnh du khách nước ngoài của Việt Nam, David cho rằng đây là ý tưởng tốt và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh đang quay ngược trở lại từ châu Âu về châu Á, mà theo anh Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi nơi đây thu hút rất đông khách du lịch quốc tế.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 3

Tôi có biết một số du khách phải tới nơi tập trung cách ly trong doanh trại quân đội, có lẽ không phải ai cũng tưởng tượng ra điều này sẽ xảy ra trong một chuyến du lịch của mình, nhưng điều này cũng đúng đắn thôi. Dù có bị nhiễm hay không, nếu một người thuộc diện bị nghi nhiễm cũng nên bị cách ly để tránh lây lan virus ra cộng đồng.

Chuyến đi của David sau đó vẫn diễn ra suôn sẻ, qua một đêm ngủ tại khách sạn, anh nhanh chóng bước ra ngoài để tham quan những con phố cổ ở Hà Nội.

Đường phố ở đây cũng tương tự như ở Marrakech (thành phố du lịch nổi tiếng của Morocco-PV), những hàng quán đồ ăn và lưu niệm hai bên đường khiến tôi như lạc vào các khu chợ truyền thống ở quê nhà. Và tôi cũng không quên thưởng thức một ly cà phê sáng đúng chất Hà Nội trước khi bắt đầu tham quan các địa danh nơi đây, David chia sẻ.

Nhưng dịch diễn biến nhanh hơn anh tưởng tượng.

Khi kế hoạch tham quan của David còn chưa kịp tiến hành, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết định đóng cửa một số điểm tham quan du lịch như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn,… để phun khử khuẩn. Ngoài ra các điểm vui chơi như quán bar, vũ trường, các điểm biểu diễn nghệ thuật cũng tạm thời đóng cửa, điều này khiến khá nhiều du khách bất ngờ.

Một số địa điểm cũng đã mở cửa trở lại khi tôi tới, nhưng một số các quán bia thì không, điều này có làm tôi đôi chút thất vọng, nhưng dù sao điều này cũng không ảnh hưởng tới các cửa hàng cà phê tôi hay lui tới, David nói.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 4

Sau khi dành hai ngày cuối tuần ở Sapa, David trở lại Hà Nội và cảm nhận không khí tại đây có gì đó căng thẳng hơn lúc trước. Sự căng thẳng đó rất cụ thể, nó nhắm vào anh - một người nước ngoài, bởi vì nguồn cơn vụ việc mà người dân Hà Nội gọi là Vụ Trúc Bạch đến từ 1 người trở về từ nước ngoài mà không khai báo tình trạng sức khoẻ.

Tôi được biết rằng đã xuất hiện thêm một số bệnh nhân ở thành phố, điều làm tôi bất ngờ hơn là hầu như du khách nào cũng đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, đây là lúc tôi càm thấy dịch bệnh đang thực sự ở rất gần mình.

Tôi thường ngồi ở một quán cà phê nổi tiếng ở trung tâm thành phố, nơi đó khá yên tĩnh và có cây xanh, ngoài ra nhân viên cũng rất nhiệt tình tư vấn cho tôi về các loại cà phê. Thế nhưng hiện tại quán cà phê đó lại đưa ra quy định mới đó là hoặc tôi phải tìm cửa hàng khác để ngồi hoặc chỉ được mua đồ mang về. Điều này khiến tôi hơi bất ngờ nhưng cũng dễ hiểu bởi dịch bệnh đang ngày càng có chiều hướng phức tạp nên mọi người có tâm lý đề phòng hơn đối với du khách.

Thực ra, để có thể ngồi nói chuyện với David, tôi đã phải ngỏ lời trước với 1 chủ quán cà phê quen. Sự đồng ý được đưa ra với điều kiện chúng tôi ngồi riêng 1 góc, và sử dụng cốc giấy. Những người nước ngoài như David giờ đã rất hiếm. Không chỉ ở Hà Nội, mà ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Nỗi sợ hãi với người nước ngoài là có thật, và hợp lý - David đồng ý với tôi như vậy.

Ngoài điều này ra, cho tới giờ chuyến đi của tôi vẫn rất tuyệt, Hà Nội đối với tôi vẫn rất yên bình, tôi biết người dân nơi đây vẫn rất thân thiện, chỉ có điều những nụ cười của họ lại phải ẩn sau lớp khẩu trang, David cười, uống nốt cốc cà phê, kéo khẩu trang lên, và bóp chiếc cốc giấy lại, đi tới bỏ vào một thùng rác ở gốc cây.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 5
Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 6

Jean Baptiste Simurabiye, 27 tuổi, mới trở ra từ Nha Trang hai tuần trước khi Hà Nội ghi nhận những ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Vốn là một nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực vi sinh học, Jean tỏ ra rất hứng thú đối với các chủng loại hoa màu tại Việt Nam, đồng thời anh cũng đã sẵn sàng sắp xếp công việc để thăm quan các trang trại nằm ở ngoại ô thành phố.

Song sự bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 đã khiến Jean phải tạm thời trì hoãn kế hoạch của mình.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi chuyển tới nhà ở hiện tại, tôi đã đọc được các tin tức liên quan tới Covid-19 và thông báo của chính quyền Hà Nội về các biện pháp phòng dịch. Khi đó đang là trung tuần tháng Hai, Jean chia sẻ. 

Đã có thời gian một năm lưu trú tại Việt Nam, chàng nghiên cứu sinh người Rwanda có thể cảm thấy rất rõ ràng sự thay đổi trong nhịp sống hàng ngày giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát. 

Việc sinh hoạt trong thành phố cũng bị phần nào hạn chế do chính quyền đóng cửa một số tụ điểm giải trí. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nơi tôi đang thực tập cũng ngừng hoạt động để tiến hành phòng dịch.

Thêm vào đó, nhiều hàng quán cũng đồng loạt đóng cửa nên tôi phải mua thực phẩm tích trữ trong nhiều ngày nhằm hạn chế ra ngoài, dù vậy tôi vẫn phải đi chợ vì không thể sống thiếu rau quả tươi, Jean cho hay.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 7

Điều khiến Jean ấn tượng nhất khi sống tại Hà Nội vào mùa dịch đó là ý thức bảo vệ phòng, chống của người dân là rất cao.

Khi tôi đi chợ, các tiểu thương luôn nhắc tôi cần phải đeo khẩu trang, điều này tôi cho là không cần thiết bởi theo thông tin tôi tham khảo, việc đeo khẩu trang sẽ không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn Covid-19.

Trọng lượng của virus corona nặng hơn so với không khí nên chúng thường chỉ có xu hướng bám vào dịch lỏng của người nhiễm bệnh cũng như các vật dụng mà họ sử dụng. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng vui vẻ chấp nhận lời khuyên của mọi người, Jean cười, vỗ vỗ vào túi, nơi luôn có chiếc khẩu trang y tế.

Tại quê hương Rwanda của mình, Jean cũng đã từng chứng kiến những nguy cơ mà một đại dịch có thể gây ra. Theo thống kê năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh Ebola bùng phát tại khu vực Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của gần 5000 người trong tổng số hơn 10000 ca nhiễm. Bản thân Chính phủ Rwanda cũng đã thực hiện một chiến dịch khổng lồ nhằm tiêm phòng vắc-xin cho 700.000 công dân của mình.

Thời điểm mà Ebola bùng phát vào năm 2014 thực sự rất khủng khiếp. Mặc dù may mắn là Rwanda không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng tôi cũng đã nhận được những tin tức rất tồi tệ từ bạn bè của mình ở khu vực phía Tây.

Bất kỳ ai bị lây nhiễm bởi loại virus này đều có nguy cơ tử vong lên tới 90%, đồng những triệu chứng của bệnh cũng rất tồi tệ. Người bệnh chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài, những cơn đau đầu, tiêu chảy cũng khiến họ trở nên quẫn trí và mất kiểm soát hoàn toàn, Jean hồi tưởng. 

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 8

Nhưng Ebola đã không trở thành thảm hoạ toàn cầu, nó được kiểm soát. Và Jean cũng tỏ ra lạc quan tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát nhờ vào sự nỗ lực và hợp tác của y bác sĩ trên toàn thế giới. 

Tôi tin rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường, sẽ luôn có giải pháp để đối phó dịch bệnh, tương tự như dịch bệnh Ebola đã bùng phát tại Châu Phi. Mặc dù những hậu quả là rất tồi tệ nhưng thế giới đã vượt qua được nó.

Khi được hỏi về tâm lý kỳ thị, xa lánh người nước ngoài trong mùa dịch, Jean bình tĩnh đưa ra quan điểm của mình.

Tôi có thể hiểu được sự bất an của người dân Việt Nam khi thấy người nước ngoài. Ở quê hương Rwanda của tôi, đã từng có một cuộc diệt chủng nổ ra giữa hai nhóm người Tutsi và Hutu cách đây 26 năm, khi ấy tôi mới chỉ 1 tuổi. Đã có rất nhiều người bị giết hại bởi chính xóm giềng của mình, đơn thuần chỉ vì họ bị coi là người ở phía bên kia.

Jean đột nhiên nhớ lại những điều cha anh từng nói về sự chia rẽ giữa những nhóm người sống cùng một cộng đồng, trong tháng ngày cả gia đình anh phải ẩn náu trong trại tị nạn.

Dù đất nước có trải qua xung đột, nhưng cha tôi luôn nói: ‘Không có người Hutu hay người Tutsi, tất cả chúng ta là người Rwanda’. Tôi đã lờ mờ cảm thấy một điều gì đó rất vĩ đại nằm sau lời dạy của ông. Sau này ở các trường học, tôi được kêu gọi tham gia vào các nhóm học sinh để thực hiện các hoạt động đối địch lẫn nhau.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 9

Càng rơi vào những tình huống như vậy thì những lời cha nói lại càng trở nên rõ ràng hơn trong tâm thức tôi. Kết quả là, những trải nghiệm như vậy giúp tôi hiểu được rằng thù hận và nghi hoặc không thể giúp chúng ta giải quyết được vấn đề, Jean nói.

Gần đây, có nhiều thông tin xoay quanh việc người Châu Á bị phân biệt ở Mỹ và các nước Châu Âu, tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở sự thiếu bình tĩnh và kiến thức để ứng phó với dịch bệnh.

Thực sự thì chúng ta đang quá sợ hãi trước một kẻ thù vô hình, vậy nên sự hoang mang đó đã chuyển hóa thành những hành động phân biệt vô căn cứ.

Theo như tôi biết thì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách nhằm bảo vệ người nước ngoài, như việc ngăn cấm những chủ kinh doanh từ chối phục vụ khách ngoại quốc, đồng thời phổ biến cho người dân về tình hình dịch bệnh nhanh nhất có thể. Tất cả những điều đó khiến tôi rất cảm kích trước những nỗ lực của các bạn.

Khi được hỏi về những dự định của bản thân sau khi dịch bệnh kết thúc, Jean hào hứng chia sẻ rằng anh mong có thể sớm quay lại hoàn thành công việc để có thời gian ghé thăm những địa điểm du lịch và trang trại hoa màu tại Hà Nội. 

Tôi tin rằng bằng sự hiểu biết lý trí cũng như lòng trắc ẩn của mình, chúng ta sẽ sớm vượt qua được những khó khăn hiện tại do dịch bệnh gây ra, Jean nở một nụ cười lạc quan. Đó là một nụ cười rất Châu Phi, nơi khởi thuỷ loài người.

Những người nước ngoài trầm lặng ảnh 10

Bài: Nhất Minh - Phúc Thành

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?