Huyện Hoa Lư là một trong những địa phương còn gìn giữ, bảo tồn được nhiều văn bia cổ có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Tại Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) hiện vẫn còn lưu giữ 3 văn bia cổ chất liệu đá, là nguồn tư liệu quý có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa gồm: văn bia "Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký tính minh" niên đại Hoằng Định năm thứ 9 (năm 1608); văn bia "Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký" có niên đại Chính Hòa năm thứ 17 (năm 1696) và văn bia "Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký" niên đại Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843).
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, đề tài trang trí trên các văn bia tại Di tích được nghệ nhân chạm khắc khéo léo, tinh xảo. Các văn bia có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, không chỉ lưu trữ thông tin, sử liệu mà còn là những tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc công phu, có giá trị cao về điêu khắc và thư pháp. Đây nguồn tư liệu quý được ví như những trang sử trên đá. Vì vậy những năm qua, Trung tâm không chỉ quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn mà còn hướng dẫn, giải thích cho du khách tham quan về ý nghĩa của từng văn bia góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, hiện tỉnh là một trong số ít những địa phương còn hệ thống văn bia Hán Nôm có lịch sử nối tiếp, liên tục kéo dài gần 1.000 năm. Theo kết quả khảo sát, địa phương hiện có hàng ngàn văn bia Hán Nôm tồn tại, lưu giữ trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (trong các đền, chùa, miếu, phủ, hang động và trên vách núi). Nhiều văn bia có giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, tiêu biểu như: hệ thống văn bia trên vách núi Non Nước, hệ thống văn bia tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành; trong đó, Cột kinh Phật tại chùa Nhất Trụ đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, dù được tạo tác, chạm khắc trên chất liệu bền vững là đá nhưng ngoài một số ít văn bia được dựng trong không gian thờ tự, có mái che, đa số được đặt ngoài trời hoặc trên vách núi đá tự nhiên nên đã chịu tác động lớn của thời tiết, sự phong hóa tự nhiên của đá, xâm thực của rêu mốc, cây cối dẫn đến nứt vỡ, mờ chữ. Bên cạnh đó, do tác động của chiến tranh, nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân, quan điểm thời đại nhiều thời kỳ khác nhau, một số văn bia đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, ngành văn hóa tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia. Đồng thời điều tra, khảo sát, thống kê hệ thống văn bia; thực hiện công tác rập và lưu trữ văn bản các văn bia. Hiện ngành đã thực hiện bản rập đối với 898 văn bia; tiến hành phân loại, lên danh mục và bảo quản số bản rập này. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, trong đó có bảo vệ và phát huy giá trị các văn bia trên địa bàn; tuyên truyền về giá trị của hệ thống văn bia nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trong nhân dân.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo về hệ thống văn bia trên địa bàn. Năm 2023, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu của Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, đánh giá giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt Núi non nước" làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cấp quốc gia và quốc tế đối với các văn bia này. Đồng thời, ngành phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tiến hành biên dịch, số hóa hệ thống văn bia; biên soạn, xuất bản sách "Văn bia tỉnh Ninh Bình" nhằm phát huy giá trị, góp phần quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương.