Cần huy động thêm nguồn lực để bảo vệ các loài nguy cấp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hiện nay, việc huy động các nguồn lực từ nhà nước và xã hội cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các hệ sinh thái đang ngày càng suy thoái, và nhiều loài động vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
TS. Nguyễn Mạnh Hà thuyết minh về Chiến lược huy động nguồn lực xã hội cho bảo tồn các loài nguy cấp. (Ảnh: CCD)
TS. Nguyễn Mạnh Hà thuyết minh về Chiến lược huy động nguồn lực xã hội cho bảo tồn các loài nguy cấp. (Ảnh: CCD)

Rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực

Sáng ngày 22/11, hội thảo tham vấn "Chiến lược huy động nguồn lực xã hội cho bảo tồn các loài nguy cấp" do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã diễn ra.

Thực trạng suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Sự thay đổi độ phủ rừng giai đoạn 2000-2018 ở Việt Nam cho thấy diện tích rừng tự nhiên giảm khoảng gần 2.000 km2 (4,42% so với tổng diện tích rừng), rừng ngập mặn giảm 154 km2 (11,49%), rừng hỗn giao giảm 11.095 km2 (32,33%) và rừng ngập nước giảm 1.784 km2 (68,32%).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng. Theo IUCN (2021), Việt Nam có 348 loài thú, 869 loài chim, 384 loài bò sát, 221 loài lưỡng cư và 2.041 loài cá. Trong đó, 75 (21%) loài thú, 57 (6%) loài chim, 75 (19%) loài bò sát, 53 (24%) loài lưỡng cư và 136 (7%) loài cá được liệt kê là các loài bị đe doạ (thuộc mức Cực kỳ nguy cấp - CR, Nguy cấp - EN hoặc Sắp nguy cấp - VU).

Cần huy động thêm nguồn lực để bảo vệ các loài nguy cấp ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: CCD)

Việc huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn đa dạng sinh học chưa hiệu quả, TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD cho biết. Ông dẫn chứng rằng, theo kết quả nghiên cứu của dự án Sáng kiến về tài chính cho đa dạng sinh học (BIOFIN), việc chi cho đa dạng sinh học luôn dưới 1% tổng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về các quỹ cho đa dạng sinh học nói chung và loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Luật đa dạng sinh học (2008) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định về các nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ, nhưng không đề cập đến các quỹ như Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, Các khu bảo vệ (vườn quốc gia, khu bảo tồn) chỉ mới được đầu tư 40% nhu cầu tài chính thực sự của họ. Do đó, nguồn tài chính và việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện tại vẫn rất khó khăn.

“Về nguồn nhân lực, lực lượng kiểm lâm trên cả nước hiện vẫn mỏng. Các cán bộ kiểm lâm chưa nhận được mức đãi ngộ tốt dù công việc nguy hiểm, nên họ bỏ nghề rất nhiều. Vì vậy, việc huy động thêm nguồn lực từ xã hội là cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết,” ông Hà nói.

Cần huy động thêm nguồn lực để bảo vệ các loài nguy cấp ảnh 2

TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD.

Chú trọng vào nguồn lực xã hội và đào tạo nhân lực

Để thu hút thêm nguồn lực, ông Hà đề xuất nhà nước có thể tạo ra dòng ngân sách chính thức hoặc ngân sách phụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học. Động thái từ nhà nước sẽ mang lại nguồn lực dồi dào cùng sự tác động lớn tới nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Về nguồn xã hội hóa, ông Hà khẳng định doanh nghiệp và người dân luôn sẵn lòng ủng hộ cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và động vật nguy cấp, nhưng chưa nhiệt tình vì lo ngại về tính minh bạch trong cách sử dụng tiền của các tổ chức. Do đó, cách thực hiện hiệu quả và phù hợp nhất là thông qua cơ chế quỹ về bảo tồn, nhưng phải có cơ chế quản lý minh bạch, và những doanh nghiệp đóng góp cần được ưu đãi giảm thuế.

PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) bổ sung, cần phải có nhiều quỹ khác nhau tương ưgs với từng loài động vật để bảo tồn các loài quý hiếm, chứ không nên gộp chung nhiều loài khác nhau vào một quỹ, ví dụ như Quỹ Bảo tồn Sao la, Quỹ Bảo tồn Voi… Ông Đặng cũng cho rằng, nguồn lực xã hội cần được ưu tiên huy động hơn nguồn lực nhà nước do tiềm năng rất lớn, và không mất nhièu thời gian để xét duyệt, giải ngân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho rằng, cần phải đồng nhất hai khái niệm: động vật nguy cấp quý hiếm và động vật nguy cấp quý hiểm được ưu tiên bảo vệ. Hiện nay, các Nghị định của Chính phủ đang sử dụng cùng lúc hai khái niệm này. Ông Dũng cho rằng, đã là động vật nguy cấp, quý hiếm thì chắc chắn phải được ưu tiên, bảo vệ, nên chỉ cần một khái niệm là đủ.

Cần huy động thêm nguồn lực để bảo vệ các loài nguy cấp ảnh 3

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng cục Kiểm lâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: CCD)

Ngoài ra, việc đào tạo và xây dựng cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học cũng cần được chú trọng hơn. Cụ thể, cần tăng cường đào tạo kỹ năng nghề; năng lực tiếng Anh, công nghệ thông tin, khởi nghiệp, tự động hóa… Cần có thêm các chính sách hỗ trợ đặc thù như chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề, nâng mức tiền lương… thu hút được cán bộ và hạn chế tình trạng xin nghỉ việc hay chuyển ngành vì lĩnh vực khó và ít được đãi ngộ.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.