Styren hiếm khi ảnh hưởng cấp tính đến sức khoẻ
Theo TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế công cộng, Styren tồn tại trong môi trường sống xung quanh như: Có trong nước, không khí, đất, trong khói thuốc lá, khí thải ô tô xe máy, trong thực phẩm… Styren là một chất độc hại nên cũng thuộc danh sách 109 chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT).
Theo Quy chuẩn này, giới hạn cho phép của Ctyren là 20 μg/lít nước. Điều đó đồng nghĩa khi nước có nồng độ Styren vượt quy chuẩn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần thì không được cấp cho người dân sử dụng cho mục đích ăn uống.
Bùn có dầu và mùi khét được vét lên sau đợt thau bể nước ngầm tại một khu chung cư ở Hà Nội. ZIng.vn |
“Việc phơi nhiễm với Styren trong nước ở ngưỡng nồng độ trên nghĩa là từ 26 μg/lít đến 73 μg/lít trong thời gian ngắn thì hiếm khi biểu hiện ảnh hưởng sức khoẻ tiêu cực cấp tính. Ảnh hưởng sức khoẻ sẽ xảy ra nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước có mức độ ô nhiễm như thế này trong thời gian dài”, TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết. TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho rằng, về nguy cơ nhiễm Styren cần đánh giá toàn diện vì phơi nhiễm với styren trong nước uống chỉ là một nguồn. Người dân ở các quận bị ảnh hưởng trên địa bàn Hà Nội còn bị phơi nhiễm với hóa chất này từ khói thuốc lá, không khí bị ô nhiễm, thực phẩm (đặc biệt các thực phẩm đựng trong hộp nhựa polystyrene)…
Theo Tổ chức Y tế thế giới mức tiêu thụ hàng ngày chịu đựng được đối với Ctyren là 7,7μg/kg cơ thể/ngày. Nghĩa là nếu bạn nặng khoảng 50 kg thì mỗi ngày cơ thể bạn có thể chịu đựng được tối đa 385 μg styren. Phơi nhiễm cao hơn mức này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ. Mỗi ngày trung bình mỗi người lớn ăn uống khoảng 2 lít nước, như vậy phơi nhiễm với khoảng 52 μg đến 146 μg styren trong 2 lít nước. Lượng Styren này chiếm khoảng 14% đến 38% tổng lượng styren mà cơ thể bạn có thể chịu đựng được mỗi ngày.
“Với nồng độ Styren trong nước máy theo báo cáo thì tôi nghĩ hiếm khi xảy ra ảnh hưởng cấp tính ngay tức thì với những người không hút thuốc lá. Nhưng phơi nhiễm lâu dài thì sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khoẻ mãn tính”, TS. Hạnh nhấn mạnh.
Styren cũng có trong thuốc lá
Theo TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Styren là một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gần như không tan trong nước và là một Hidrocacbon thơm không no. Styren ở trong nước rất dễ nhận thấy vì chỉ với một hàm lượng nhỏ khoảng 0,07μg/lít đã thấy mùi.
Chất styren cũng có trong thuốc lá với hàm lượng rất cao, thường khoảng 20-48 μg/1 điếu thuốc. Điều đó có nghĩa với nồng độ ghi nhận trong nước cấp như hiện nay thì mức phơi nhiễm với styren trong 2 lít nước uống là 52 đến 146 μg, tương đương với lượng Styren có trong khoảng 3 đến 7 điếu thuốc lá. Hiện nay, tỷ lệ nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá khá cao, khoảng 45,3% nên tổng mức phơi nhiễm với Styren từ thuốc lá, không khí và thêm từ nguồn nước máy ô nhiễm sẽ có thể vượt mức cơ thể có thể chịu đựng được và có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mãn tính. Nếu phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng. đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, viêm da, hen suyễn... Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, ảnh hưởng đến chức năng thận, hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém…
Phơi nhiễm mãn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy công nhân sản xuất styren có tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư bạnh cầu cao hơn nhóm chứng. Bên cạnh đó có một số bằng chứng gợi ý về phơi nhiễm với styren và ung thư tuyến tuỵ, ung thư thực quản.
Khi ăn uống, hít thở vào, chất này dễ dàng hấp thụ vào máu và sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể, chủ yếu qua đường nước tiểu. Chuyên gia dẫn chứng nghiên cứu trên chuột cho thấy sau khi phơi nhiễm với styren thì khoảng hơn 90% được thải ra ngoài qua đường nước tiểu trong vòng 24 giờ. Ngoài ra khoảng 2% liều phơi nhiễm được tìm thấy trong phân.
Đối với nguồn nước sông Đà nhiễm Styren, TS. Hạnh cho rằng, trước mắt người dân ở các quận đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy Nước sạch sông Đà cấp thì tạm thời tìm nguồn nước khác thay thế để ăn, uống cho đến khi cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đảm bảo an toàn. Đồng thời, súc rửa các bể chứa nước trước khi có nguồn nước sạch đảm bảo an toàn. Tắm giặt và vệ sinh thì ít nguy cơ hơn vì nồng độ Styren mặc dù vượt quy chuẩn cho phép nhưng không quá cao, tuy nhiên mùi nước bị nhiễm Styren thường khó chịu.
Để hạn chế Styren hiện nay các thiết bị lọc nước ở hộ gia đình có sử dụng than hoạt tính cũng giúp xử lý nước nhiễm styren. Ngoài ra, để giảm thiểu phơi nhiễm với Styren thì cũng cần giảm/bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng các đồ dùng làm từ Styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những hộp đựng thức ăn nhựa…, TS. Hạnh khuyến cáo.
Chỉ tiêu Styren trong các mẫu nước đạt chuẩn
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, ngày 18 và 19-10, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước. Ngày 18/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã lấy 4 mẫu nước của nhà máy nước Sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng 1.200 Big C; Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã lấy 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Cty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận huyện: Quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung); quận Hoàng Mai (phường Đại Kim); quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa); quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn); Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Ngày 19/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã lấy 4 mẫu nước của Nhà máy sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Yên Bình-Thạch Thất; Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ; tại Họng Kiểm soát 1.200 Big C...
Tại chung cư, hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Cty nước sạch Sông Đà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã lấy tại 4 quận huyện: Thanh Xuân (Thanh Xuân Trung); Cầu Giấy (Trung Hòa, Mai Dịch); Nam Từ Liêm (Phương Canh, Mễ Trì, Đại Mỗ) và Hoài Đức (Di Trạch, Đức Thượng, Vân Côn).
Kết quả cho thấy, tổng số 38/38 mẫu được lấy trong 2 ngày kể trên được Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam xét nghiệm đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Những ngày tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước trong các ngày tiếp theo và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam , Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường-Bộ Y tế lấy mẫu nước của Nhà máy nước Sông Đà và các hộ dân để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.
Mẫu nước 15 hộ dân 4 quận huyện sử dụng nước nhà máy Sông Đà đạt quy chuẩn về styren
Ngày 20/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội-Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước.
Kết quả cả 4/4 mẫu tại nhà máy và 21/21 mẫu đạt tại hộ gia đình, chung cư đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Như vậy, trong các ngày 18, 19 và 20/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP đã lấy tổng số 61 mẫu. Kết quả phân tích do Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam thực hiện cho thấy cả 61/61 mẫu ở các địa điểm, thời gian khác nhau đều đạt quy chuẩn.
Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu nước trong các ngày tiếp theo và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường-Bộ Y tế lấy mẫu nước của Nhà máy nước Sông Đà và các hộ dân để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.