Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, doanh nghiệp kinh doanh nước sạch phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Trong vụ việc vừa qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, kế đó là công an địa phương.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng: Thực tế nước hồ không phải sạch để cứ đưa về là dùng được. “Bất cứ ở đâu cũng có thể mất an ninh, an toàn nguồn nước, vậy thì hệ thống nào sẽ giúp phát hiện ra?”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, không thể nói toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra, hoặc phát hiện ra mà lúng túng trong xử lý; như ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà nói là không biết nên dừng hay không dừng cấp nước cho khách hàng. Tiếp tục đến các nhà phân phối nước sạch cũng phải có hệ thống quan trắc để kịp thời phát hiện.
"Anh cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thì phải chịu trách nhiệm với chất lượng nước. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào? Thứ nhất là quan trắc tự động nguồn nước này, để khi nước tới người dân là đã qua mấy “hàng rào” kiểm soát. Thứ hai, lấy mẫu thử, trong trường hợp quan trắc tự động có vấn đề thì sao. Những cái này phải rà soát lại, quy trình hóa, quy phạm hóa. Qua vụ việc này người dân sẽ quan tâm hơn, liệu có để xảy ra lần sau nữa không, hay lần sau tái diễn lại xin lỗi lần nữa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Qua sự việc này, các sở, ngành, doanh nghiệp của Hà Nội sẽ phải rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các quy định để bắt buộc những đơn vị muốn trở thành nhà đầu tư cung cấp nước phải đáp ứng được. “Hà Nội có 10 triệu dân mà để xảy ra vụ việc như vừa qua là rất đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm, có chỉ đạo khắc phục, không để vụ việc tương tự xảy ra”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Hoàng Trung Hải cũng cho biết, Thành phố đã nhìn thấy những vấn đề hạn chế trên, nhưng vẫn chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Tới đây sẽ phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn. “Vừa qua có một số vụ việc, thành phố phản ứng hơi chậm; cần rút kinh nghiệm, nhất là trong phối hợp giữa các đơn vị liên quan”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bên cạnh đó, cũng cần phải quy trình, quy phạm hóa trong xử lý, tránh tình trạng bị rối… Việc này thành phố đã họp rút kinh nghiệm, các đơn vị cũng đang làm và sẽ có quy định lại. Có thể chưa xử lý được hết ngay những tồn tại, nhưng sẽ phải tốt dần lên, để người dân yên tâm hơn. Tất cả những sự cố mang tính thảm họa, Hà Nội cũng đã tính đến; bây giờ phải cụ thể hoá, quy phạm hóa ra để giao trách nhiệm từng cơ quan.
“Tôi ví dụ ô nhiễm môi trường, có 12 nguyên nhân đưa ra, như đốt than tổ ong thành phố đã giải quyết tích cực, tới đây phải cắt dứt điểm. Hay tiêu chuẩn khí thải xe máy, tiếp tục phải cùng các bộ "gành có quy trình thải loại… ", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu ý kiến.
Nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đạt chuẩn cho người dân kiên quyết cắt bỏ, không cho doanh nghiệp đó quyền cấp nước nữa. Anh cung cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của cơ quan chức năng đưa ra.