Ông đồ” của các cuộc hiến máu
Hình ảnh “ông đồ trẻ” Đỗ Hữu Hoàng Đạt đã trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên tại các chương trình hiến máu tình nguyện ở các trường cao đẳng, đại học từ Bắc vào Nam. Anh luôn lặng lẽ với giấy đỏ, mực tàu ở một góc nhỏ để vẽ tặng những bức thư pháp miễn phí, trao tặng cho các bạn sinh viên trong các dịp hiến máu nhân đạo. Không chỉ quen mặt với sinh viên, anh còn quen mặt với nhà trường bởi hễ có chương trình hiến máu được tổ chức, Đạt gói giấy bút và đi, không ngại gần xa.
Từng là sinh viên ngành Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Hoàng Đạt (sinh năm 1994) hiện làm công việc thiết kế truyền thông tại Đà Nẵng. Cuối năm bộn bề công việc, nhưng anh vẫn không bỏ lỡ Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong tổ chức. Anh cho biết, do chương trình bắt đầu từ sáng sớm, anh chỉ ăn vội miếng bánh để xuất hiện kịp thời bên nghiên mực, bút lông tại ngày hội.
Năm 2015, Hoàng Đạt lọt vào top 120 tình nguyện viên Hành trình Đỏ xuyên Việt, đi từ Hà Nội đến Cà Mau. Đây là chương trình tuyên truyền vận động hiến máu và nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh. Qua các tỉnh thành, anh viết hàng trăm bức thư pháp trao tặng miễn phí cho các sinh viên đã hiến máu, như một sự tri ân và động viên những người đã lan tỏa tinh thần tích cực.
Muốn đưa thư pháp Việt ra thế giới
“Người thầy lớn nhất của mình đó là tờ lịch. Từ nhỏ, khi nhìn các tờ lịch có chữ thư pháp, tôi đã rất thích. Tìm hiểu dần rồi biết được đây là thư pháp, càng ngày mình càng đam mê nó. Khi đã hiểu rõ hơn thì càng thấy hay và rồi thích hơn nữa. Vậy là đã say mê thư pháp được 13, 14 năm rồi”, Đạt chia sẻ.
Năm 2017, Đỗ Hữu Hoàng Đạt là 1 trong 5 sinh viên Việt Nam được đi du học tại châu Âu thông qua học bổng SHARE (Support for Higher Education in ASEAN Region - Hỗ trợ giáo dục đại học khu vực ASEAN). Anh tâm sự: “Năm 2018, tôi có dịp "biểu diễn" thư pháp ở châu Âu khi đang du học, trước hàng ngàn người. Tôi đã chọn thư pháp Việt để giới thiệu với bạn bè thế giới.
Khi tôi đi các hội chợ xuân, khách xem là người lớn tuổi khá nhiều còn các bạn trẻ ít hơn. Các bạn nước ngoài thấy tôi cầm bút, chấm mực, đảo bút và diễn, đã xem rất chăm chú và khi tôi chấm bút kết thúc biểu diễn, các bạn đã trầm trồ, vỗ tay rất lớn. Tôi thấy rằng đây là cơ hội giới thiệu thư pháp Việt ra thế giới. Ước mong của tôi là đưa thư pháp Việt ra thế giới nhiều hơn”.
Chàng thanh niên 9X quê Đà Nẵng có vẻ bề ngoài trông rất hiện đại này luôn quan niệm “thư pháp không phải là cái nghề”, mà là đam mê. Anh không muốn thư pháp gắn với tiền bạc, vật chất, mà luôn giữ đam mê nghệ thuật. “Khi bạn để nó thành cái nghề thì buộc phải sống với nó và sẽ gặp phải những áp lực, không còn nghĩ đến vấn đề cho đi trong nghệ thuật”, anh lý giải.