“Đã đến lúc tôi phải ở bên người dân Thái Lan”, ông Thaksin nói vào sáng thứ Ba tại sân bay Seletar của Singapore, đồng thời xác nhận rằng ông sẽ hồi hương. Một chuyên cơ riêng chở ông Thaksin dự kiến sẽ hạ cánh xuống sân bay Don Mueang ở Bangkok vào buổi sáng hôm sau.
Sự trở lại của ông Thaksin diễn ra vài giờ trước khi quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới, trong bối cảnh đảng Pheu Thai của vị cựu Thủ tướng hy vọng thành lập chính phủ mới sau khi làm trung gian cho một liên minh.
Trong hơn 20 năm qua, ông Thaksin vẫn là nhân vật nổi bật trong nền chính trị Thái Lan. Vị tài phiệt viễn thông này thường xuyên lui tới các thành phố như Dubai, Singapore và Hồng Kông, hay xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như X (trước đây là Twitter) hay Clubhouse.
"Tôi có thể tự do đi du lịch bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng tôi đã bị giam giữ xa gia đình. Nếu tôi quay lại và phải vào một nhà tù nhỏ hơn, điều đó không thành vấn đề", ông Thaksin nói hồi tháng 3.
Cho đến năm nay, các đảng liên kết với gia đình ông Thaksin đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, khi ông nắm quyền với Đảng Thai Rak Thai. Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, cũng đang sống lưu vong tương tự sau bản án 5 năm tù, là Thủ tướng cuối cùng của đảng Pheu Thai trước cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2014.
Khi trở về, ông Thaksin sẽ phải đối mặt với án tù 12 năm vì tội hối lộ và tham nhũng, vụ án khiến ông bị kết án vắng mặt vào năm 2008. Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị cho rằng vị chính trị gia 74 tuổi này sẽ không phải ngồi tù. Những người bị kết án trên 70 tuổi ở Thái Lan có đủ điều kiện để yêu cầu phóng thích hoặc ân xá từ phía hoàng gia.
Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, cho biết: “Nếu không giải quyết được yếu tố Thaksin, sẽ không có sự hòa giải giữa phe dân túy của ông ấy và phe bảo thủ".
Các thỏa thuận chính trị diễn ra sau cuộc bầu cử ở Thái Lan vào ngày 14/5 có thể trở thành thỏa thuận cuối cùng của ông Thaksin. Pheu Thai đặt mục tiêu giành được hơn 300 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử để bổ nhiệm Thủ tướng mà không bị Thượng viện do quân đội kiểm soát cản trở.
Kế hoạch đó đã bị đảng Tiến bước gây khó dễ khi kiên quyết không nhượng bộ trước các đặc quyền của giới quân đội và hoàng gia Thái Lan.
Nhưng hiện tại, đã 3 tháng kể từ cuộc bầu cử, đảng Pheu Thai đã tách ra khỏi liên minh với đảng Tiến bước và thậm chí liên kết với phe bảo thủ từng lật đổ bà Yingluck trong quá khứ. Đến cuối ngày thứ Ba, đảng này có thể nắm giữ chức vụ Thủ tướng một lần nữa nếu quốc hội chấp thuận ứng cử viên của họ.
Nhưng sau khi mất đi những cử tri có tư tưởng cải cách vào tay đảng Tiến bước, việc ông Thaksin trở về quê nhà có thể làm tổn hại thêm đến uy tín của Pheu Thai trong các cuộc bầu cử trong tương lai.
“Pheu Thai không còn là tâm điểm như xưa nữa", ông Thitinan nói. "Những chiến thắng bầu cử trước đây của Thaksin phụ thuộc vào sự phân chia giai cấp và địa lý, nhưng chính trị Thái Lan đã vượt xa điều đó. Giờ đây vấn đề là về cải cách cơ cấu".
Nattawut Saikua, lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ "Áo đỏ", đã chấm dứt quan hệ với đảng Pheu Thai hôm thứ Hai vì liên minh với đảng Palang Pracharath có liên hệ với quân đội và đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất.
Duncan McCargo, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết: “Chắc chắn có những thành phần trong Pheu Thai muốn đảng này bước vào thời kỳ hậu Thaksin hơn là ủng hộ Thaksin”.
“Một số người ủng hộ Pheu Thai có thể chấp nhận logic rằng đảng cần đi theo con đường thực dụng để giành lại quyền lực và đặt tầm quan trọng hàng đầu vào việc Pheu Thai nắm giữ các cơ quan kinh tế quan trọng để họ có thể giải quyết những mối lo ngại và bất bình cốt lõi về sinh kế”, ông McCargo nhận định. “Nhưng đối với phe Áo đỏ cứng rắn và những người luôn coi Pheu Thái là một đảng có ý thức hệ đấu tranh thay mặt cho kẻ yếu thế, kiểu thỏa thuận này là một sự phản bội”.