1. Cách đây khoảng 2 tuần, khi nhận phản hồi của độc giả về bất thường tiền điện, tôi thấy dường như mình đang bức xúc cùng khi họ nói hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng gấp đôi, gấp ba.
Vài tiếng đồng hồ sau khi bài đầu tiên của tôi về hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, có người gửi cho tôi hóa đơn tiền điện cùng dòng tin nhắn, tuy không có tính từ nào, nhưng tôi hiểu họ đang vô cùng phẫn nộ: “Tiền điện của tôi tháng này tăng 6,1 lần”.
Những tưởng như vậy là quá lắm rồi, nhưng té ra, là chẳng… ăn thua gì so với hóa đơn tiền điện tháng 5 của một hộ dân ở Đồng Hới (Quảng Bình) bị “ghi nhầm” đến… 33 lần, khi số tiền thực phải trả chưa tới 490 ngàn đồng, thì hóa đơn kê đến gần 60 triệu đồng.
Khi tôi viết bài này, thì đọc được thông tin một khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở Quảng Ninh đã gần như “sốc toàn tập” bởi hóa đơn tiền điện tháng 6 chỉ hơn 368 ngàn đồng, mà “nhảy” đến gần 90 triệu đồng.
2. Không khó để nhận ra, thời điểm hóa đơn tiền điện nhảy múa là khi bắt đầu mùa nắng nóng. Sau thủ tục kiểm ra, kết luận của EVN đa phần khẳng định đồng hồ đếm chỉ số tiêu thụ điện là bình thường. Điều này, ngầm ý nói việc hóa đơn tiền điện tăng cao không phải lỗi của EVN, bất chấp người dân “gào thét” rằng việc sử dụng không chênh lệch gì đáng kể.
Và chỉ khi rơi vào trường hợp hóa đơn tiền điện nhảy quá lố, EVN mới thừa nhận mình sai, nhưng phần lớn đều quy lỗi về nhân viên ghi nhầm số điện.
Điện là do EVN bán ra, khi khách hàng than phiền thì EVN vào cuộc kiểm tra chính thiết bị do mình cung cấp, nên sau đó, EVN đưa ra kết luận các thiết bị hoạt động “bình thường” là điều cũng… dễ hiểu. Và với kết luận đó, người dân có 2 lựa chọn: hoặc đóng tiền, hoặc bị cúp điện.
Rõ ràng, với vị thế khách hàng nhưng người dân đang không được hội ngành nào bảo vệ. Tiếng nói của họ đang đơn độc, mà đến cả một nhân viên điện lực cũng có thể ra điều kiện với họ: không được cung cấp thông tin cho báo chí!
3. Khách hàng nói EVN gian, EVN thì nói mình đúng, chỉ là thi thoảng mới có… nhầm lẫn. Rồi khách hàng gần như chỉ có đúng một lựa chọn, đó là phải đóng tiền nếu không muốn bị cắt điện. Vì vậy, phải có một trọng tài như người phán xét ai đúng ai sai.
Nhất định phải có một trọng tài như thế, chứ không thể nào điện do chính EVN bán, thiết bị đo đếm điện do chính EVN cung cấp, mà khi dân than phiền, thì chính người của EVN kiểm tra và khẳng định là đúng mãi được.
Nếu EVN mãi đúng như vậy, thì tại sao hôm qua 22/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải đứng giữa cuộc họp yêu cầu EVN làm rõ việc tiền điện tăng cao bất thường và nếu có sai sót thì phải xử nghiêm?
EVN từng nói nhiệm vụ của mình là nhiệm vụ chính trị, vậy EVN thực hiện kiểu gì mà Thủ tướng phải gắt như vậy và dân than phiền đầy rẫy như thế? Nên nhớ, Thủ tướng phải lo nhiều việc rất quan trọng. Còn dân, trong bối cảnh sau dịch Covid-19, thì đã khốn đốn lắm rồi mà EVN “mãi đúng như vậy” thì quả là điều vô lí.
Nên, cần phải nói thêm lần nữa rằng, nhất định phải có một trọng tài đứng giữa người dân và EVN, làm nhiệm vụ giám sát giá điện, hoặc thậm chí là cả hoạt động của ngành điện.
Và trong bối cảnh chưa thiết lập được một đơn vị độc lập làm trọng tài về vấn đề giá điện, tôi nghĩ các đại biểu Quốc hội nên làm điều đó, vì họ là đại diện của nhân dân.