Ngày Nay xin trích đăng tham luận của ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa”:
“Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, có phần “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa”. Phần này có 6 nhiệm vụ chính, thì một trong số đó là “Phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo”.
Theo đó, chúng ta không chỉ có trách nhiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Chúng ta còn phải tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ “độc đáo”. Với 4.000 năm lịch sử, nằm ở vị trí giao thoa của nhiều nền văn minh lớn, nền văn hóa Việt Nam chắc chắn không thiếu các giá trị độc đáo để làm cơ sở phát triển.
Nhưng việc tìm kiếm các giá trị văn hóa này, đầu tư, và thực sự biến chúng thành tiền đề phát triển không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Trong quá khứ, chúng ta đã từng bỏ lỡ những cơ hội khai thác các lợi thế độc đáo của chính mình.
Có lẽ không nhiều người nhớ rằng câu khẩu hiệu “Việt Nam – bếp ăn của thế giới” đã xuất hiện từ đầu những năm 2000. Cách đây gần hai mươi năm, các chuyên gia từ Đại học Havard, khi tư vấn cho Việt Nam, đã đưa ra một chiến lược định vị thương hiệu như vậy.
Câu khẩu hiệu này sau đó được Philip Kotler, một huyền thoại của ngành marketing thế giới sử dụng để bàn về chiến lược thương hiệu của Việt Nam.
Từ điểm nhìn của năm 2024, chúng ta đã hiểu rõ hơn câu khẩu hiệu này. Khi định vị quốc gia là “bếp ăn thế giới”, chúng ta không chỉ dừng lại ở thu hút khách du lịch, hướng tới mở rộng thị trường ẩm thực trị giá hàng chục tỷ USD trong nước, mà còn là một định vị cho ngành nông nghiệp hiện đại, nơi Việt Nam có thể cung cấp cho thế giới những nông sản ngon, sạch, những thực phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Vì thế giới uống cà phê, mỗi năm Việt Nam đã thu được gần 5 tỷ USD ngoại tệ. Vì thế giới ăn hạt điều, chúng ta có thêm hàng tỷ USD nữa. Và câu hỏi đặt ra là, nếu thế giới ăn rau diếp cá hay ngải cứu thì chúng ta có thể kiếm được hàng tỷ USD hay không.
Khi bàn về phát triển văn hóa, chúng ta không chỉ đề cập đến những giá trị đã được thế giới thừa nhận. Những giá trị khác biệt có thể tạo ra ưu thế. Tương tự, khi bàn về phát triển kinh tế-xã hội, ngoài việc theo đuổi các xu hướng chung của thế giới, chúng ta luôn có trách nhiệm tìm kiếm lợi thế riêng của mình.
Ông Lê Quốc Minh và Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên mặc nhiên BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới tại sự kiện. |
Nhưng câu khẩu hiệu “bếp ăn của thế giới” đã trở thành một lời khuyến nghị bị bỏ qua trong nhiều thập kỷ. Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên chạy chiến dịch định vị “Thái Lan - bếp ăn của thế giới”, với một chương trình quốc gia rộng khắp. Ở quy mô nhỏ hơn, thành phố Osaka của Nhật Bản cũng định vị mình là “bếp ăn của thế giới”. Trên CNN, các nhà báo phương Tây viết rằng Osaka là nơi người ta “ăn đến chết”. Tại thành phố này, người Nhật đã đầu tư xây dựng trường nấu ăn lớn nhất thế giới.
Từ một lợi thế được nhìn thấy rất sớm, nếu ngay lúc này, Việt Nam thực hiện chiến dịch truyền thông “bếp ăn của thế giới”, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc du lịch khác.
Năm 2024 là dịp kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long lần đầu nhận danh hiệu Di sản Thiên Nhiên Thế giới của UNESCO. Đó là một tài sản thiên nhiên vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh. Nhưng thực tế đã chỉ ra, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua không “ngủ quên” trên di sản, trên danh hiệu to lớn mà bạn bè thế giới trao tặng. Đã có những chiến dịch phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, những nỗ lực chủ động tìm kiếm và quảng bá giá trị ít được biết tới. Ngoài Bái Tử Long, ngoài Yên Tử, Cô Tô, chúng ta ngày nay còn biết tới Quan Lạn, Bình Liêu. Hay thậm chí, một công trình kiến trúc mới được xây dựng như Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã trở thành một địa điểm nổi tiếng, một biểu tượng văn hóa mới.
Đó là những nỗ lực mà Việt Nam cần nhân rộng và thúc đẩy quảng bá trên tầm thế giới.
Chúng ta không thể chỉ làm văn hóa dựa trên các di sản mà thế giới công nhận. Danh sách di sản thế giới của UNESCO tại Việt Nam chỉ có 8 địa điểm. Trong khi đó, di sản vật chất và tinh thần của người Việt Nam, qua đó là tài sản của tương lai, tồn tại ở từng triền núi, dòng sông, nếp làng. Từ miền Tây sông nước cho đến vùng núi phía Bắc hùng vĩ, từ những món ăn miệt vườn đến những điệu múa miền cao, ở đâu cũng có thể tìm thấy khía cạnh “độc đáo” mà chiến lược phát triển văn hóa đã đề cập.
Tuy nhiên, các giá trị độc đáo này sẽ không ở đó để chờ đợi chúng ta bận tâm khi có dịp. Nếu không xác định được tài sản văn hóa, quá trình đô thị hóa, bê tông hóa, và các đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn.
Trong chiến lược của chính phủ, văn hóa được xác định là một mũi nhọn kinh tế. Đây là một thực tế mới, đòi hỏi mỗi người dân và nhà quản lý đều phải thay đổi tư duy. Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa” thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng. Nhưng khi văn hóa là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại.
Hôm nay, chúng ta tự hào kỷ niệm 30 năm ngày Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Nhưng cũng là dịp để chúng ta nhắc nhau rằng, UNESCO không chỉ là một thiết chế, mà còn là một phong trào của nhân dân. Tôi hy vọng rằng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, các tổ chức UNESCO quốc tế, sẽ cùng hợp sức với chính quyền và nhân dân Việt Nam trong việc tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, tạo tiền đề cho phát triển”.