Nhấn mạnh thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước những yêu cầu phát triển trong tình hình mới, phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. “Có như vậy, học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật, các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy và nếu cần sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành Giáo dục đi ngược lại tinh thần này cần phải kiên quyết loại bỏ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hóa để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức Cuộc thi “Em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học… “Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2021, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội. Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đạo đức lối sống từng bước được đổi mới. Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được rà soát, tinh giản những nội dung mới, khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nổi lên là nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở mức hình thức. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội…
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống. Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và giáo viên, đặc biệt là vai trò của chủ nhiệm lớp…