Đến hẹn lại lên, đêm 30 Tết, các thành viên trong mỗi gia đình lại quây quần và cùng nhau thưởng thức Táo quân, tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến. Dàn Táo năm nay vẫn là những gương mặt cũ, những người đã gắn bó với chương trình suốt 16 năm qua.
Thông qua việc lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng, nhiều hiện tượng, vấn đề nổi cộm trong xã hội một năm vừa qua đã được các Táo nhắc đến một cách khéo khéo, tạo tiếng cười châm biếm.
Táo Giáo dục Chí Trung trở thành tâm điểm bị chỉ trích nhiều nhất trong Táo quân 2019, là “ngôi sao sáng của năm”.
Có thể nhắc một vài vụ việc đã được các Táo “điểm tên” trong Táo quân: Giáo viên tiểu học sử dụng ma túy tại tiệc sinh nhật, Bộ Giáo dục ban hành văn bản sinh viên sư phạm bán dâm bốn lần sẽ bị đuổi học.
Đặc biệt, việc độc quyền sách giáo khoa gây tranh cãi trong năm qua đã được Táo quân hình tượng hóa bằng việc “đốt sách”, ý nói phụ huynh “đốt tiền” để mua sách giáo khoa dùng một lần. Sách có cả phần làm bài tập, nên thế hệ sau không dùng lại được sách, gây lãng phí. Cơ chế độc quyền xuất bản sách giáo khoa dẫn đến gần 70% sách giáo khoa không dùng lại được.
Rồi câu chuyện đau lòng về gian lận thi cử, biến nhiều học sinh thành thủ khoa trong sự ngỡ ngàng của bản thân và mọi người cũng được nhắc tới.
“Thủ khoa không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hóa từ thằng này sang thằng khác”, “Em sẽ lên Hà Giang, Sơn La thi tốt nghiệp”… thậm chí đã trở thành câu nói trong Táo quân 2019 được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội sau khi chương trình lên sóng.
Những vấn đề nâng bài, sửa điểm, biến học sinh lực học bình thường thành thủ khoa, có thí sinh được nâng lên đến hơn 26 điểm/3 môn… còn được chế thành bài hát, thấm thía mà đau lòng.
Những vụ việc nhức nhối khác như cô giáo quỳ, học sinh bị bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, giáo viên cho học sinh tát bạn và rất nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh cũng bị đả kích sâu cay.
Những thực trạng trong mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2018, một số trường lâm vào cảnh “tồn tại như không tồn tại” vì không tuyển được sinh viên. Không ít trường sư phạm hạ điểm chuẩn, ở mức 10 điểm/3 môn, nhưng thí sinh vẫn không mặn mà… cũng được điểm lại.
Ngành giáo dục được nhắc đến nhiều nhất cũng dễ hiểu, bởi năm qua đã có một năm đầy sóng gió. Dù có rất nhiều điểm sáng, nhưng những vụ việc tiêu cực xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của xã hội.
Nhưng đúng như Ngọc Hoàng Quốc Khánh đã nói, ngành giáo dục cần sự chia sẻ của toàn xã hội và nhìn nhận công bằng. Bên cạnh những tiêu cực còn có nhiều thành tích đáng khen ngợi. Nhiều nhà giáo tận tâm với học trò, nhịn ăn, nhịn mặc để lo cho học sinh. Nhiều trò đỗ đạt, có thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Táo Giáo dục Chí Trung cũng đã giãi bày những nỗi khổ của ngành, khi mình luôn sống trong sợ hãi. Giáo viên lương thấp, đời sống bấp bênh. Cùng với đó là những áp lực từ phía học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội cũng khiến thầy cô mệt mỏi.
Táo Giáo dục mong các cấp ngành để ý đến đội ngũ giáo viên, tăng lương cho thầy cô, giảm áp lực để giáo viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Cuối chương trình, một phép thử trên thiên đình được Ngọc Hoàng đưa ra, để các táo phải tự soi gương nhìn lại mình. Không riêng Táo Giáo dục, mà các táo đều run rẩy, sợ hãi. “Đừng bao giờ soi một cách qua loa và gương sáng nhất, phản ánh trung thật nhất chính là niềm tin của nhân dân”- thông điệp được Táo quân 2019 đưa ra không chỉ thấm thía với ngành giáo dục mà nhiều lĩnh vực khác. Khi người dân có niềm tin, thì có thể chia sẻ với những khó khăn, sóng gió của ngành, khi đó đổi mới giáo dục mới thành công.