Nợ xấu lên “đỉnh” 5 năm
2023 là ngành ngân hàng chứng kiến nợ xấu đi lên đáng kể. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là một trong số đó. Tại ngày 31/12/2023, Nợ xấu tại Sacombank đạt 10.984 tỷ đồng, tăng 6.685 tỷ đồng, tương đương 156%. Nợ xấu chiếm 2,28% tổng dư nợ tín dụng. Con số này cuối năm 2022 chỉ là 0,98%. Như vậy, Nợ xấu tại Sacombank tăng 156%, còn tỷ lệ nợ xấu tăng 133%.
Trong đó, Nợ có khả năng mất vốn tăng 1.893 tỷ đồng, tương đương 63% lên 4.900 tỷ đồng. Các loại nợ khác cũng “bùng nổ”. Như vậy, cả Nợ xấu và Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đều lên “đỉnh” 5 năm. Còn Nợ có khả năng mất vốn đứng ở mức cao nhất 4 năm.
Trước đó, Nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu và Nợ có khả năng mất vốn của Sacombank lần lượt là 4.299 tỷ đồng, 0,98%, 3.007 tỷ đồng (năm 2022); 5.833 tỷ đồng, 1,5%, 4.528 tỷ đồng (năm 2021); 5.779 tỷ đồng, 1,7%, 4.544 tỷ đồng (năm 2020); 5.733 tỷ đồng, 1,94%; 5.022 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐH thường niên năm 2023, kế hoạch Nợ xấu được phê duyệt là dưới 2%. Tuy nhiên, với 2,28%, Sacombank đã không hoàn thành kế hoạch nợ xấu. Nhờ giảm dự phòng mới hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Trong năm 2023, có một chỉ tiêu quan trọng khác mà Sacombank suýt không hoàn thành kế hoạch. Đó là Lợi nhuận trước thuế.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Sacombank đã thông qua mục tiêu Lợi nhuận đạt 9.500 tỷ đồng. Con số thực hiện là 9.595 tỷ đồng, cao hơn một chút so với kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả này có được từ việc Sacombank mạnh tay cắt giảm dự phòng bất chấp nợ xấu lên “đỉnh” 5 năm, nợ có khả năng mất vốn lên “đỉnh” 4 năm.
Cụ thể, trong năm 2023, chỉ tiêu Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng “cài số lùi” khi giảm 1.938 tỷ đồng, tương đương 12,7% xuống 13.283 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến Lợi nhuận thuần của Sacombank hao hụt 12,7% là Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 2.576 tỷ đồng, tương đương 49,6% xuống 2.618 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 2.418 tỷ đồng, tương đương 88,1% xuống 327 tỷ đồng.
Lãi thuần giảm sâu nhưng Tổng lợi nhuận trước thuế kế toán lại đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 3.256 tỷ đồng, tương đương 51,4% so với năm 2022 và đạt kế hoạch đề ra. Để có được điều này, Sacombank cắt giảm sâu dự phòng trong bối cảnh Nợ xấu tăng gần gấp đôi và đạt “đỉnh” 5 năm.
Trong năm 2023, Sacombank chỉ chi 3.688 tỷ đồng Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 5.194 tỷ đồng, tương đương 58,5%. Nếu giữ nguyên dự phòng, Sacombank không những không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà chỉ tiêu này còn giảm gần một nửa so với năm 2022.
Dàn lãnh đạo tăng lương, nhân viên giảm lương
Trong khi Nợ xấu tăng gần gấp đôi, lên “đỉnh” 5 năm và phải cắt giảm dự phòng để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì dàn lãnh đạo cấp cao tại Sacombank lại được tăng lương, còn nhân viên giảm lương.
Cụ thể, trong năm 2023, Sacombank dành 44,183 tỷ đồng cho Thù lao Hội đồng quản trị, tăng nhẹ so với 35,343 tỷ đồng. Trung bình, mỗi sếp nhận 6,31 tỷ đồng/người/năm, tương đương 526 triệu đồng/người/tháng.
Thù lao Ban Tổng giám đốc Sacombank năm 2023 đạt 101,507 tỷ đồng, tăng so với con số 93,709 tỷ đồng của năm 2022. Bình quân, mỗi lãnh đạo nhận 7,25 tỷ đồng/người/năm, tương đương 604 triệu đồng/người/tháng.
Ban Kiểm soát là ban duy nhất bị giảm lương. Thù lao năm 2023 của dàn lãnh đạo này giảm nhẹ từ 17,438 tỷ đồng xuống 16,993 tỷ đồng. Bình quân, mỗi người được trả 4,25 tỷ đồng/người/năm, tương đương 354 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, nhân viên lại bị giảm lương.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tổng lao động trong hệ thống Sacombank đạt 18.514 người, tăng 78 người so với cuối năm 2022 nhưng Chi lương và phụ cấp lại giảm nhẹ từ 6.273 tỷ đồng xuống 6.227 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân, mỗi người lao động Sacombank được trả 336 triệu đồng/người/năm, tương đương 28,03 triệu đồng/người/tháng. Con số này trong năm 2022 là 340 triệu đồng/người/năm, tương đương 28,35 triệu đồng/người/tháng.