Báo cáo mới của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã lật ngược các khuyến nghị mà cơ quan này đưa ra kể từ khi đại dịch HIV bùng phát vào những năm 1980.
Tiến sĩ Lisa Abuogi, chuyên gia về HIV nhi khoa tại Đại học Colorado đồng thời là tác giả chính của báo cáo cho biết, các loại thuốc được kê đơn thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV qua sữa mẹ xuống dưới 1%. Bà nói: “Các loại thuốc đặc trị hiện nay rất tốt và có lợi cho mẹ và bé.”
Các loại thuốc này được gọi là liệu pháp kháng virus, chúng không loại bỏ 100% nguy cơ lây truyền HIV qua sữa mẹ. Tiến sĩ Abuogi cho biết, không cho con bú bằng sữa mẹ là cách chắc chắn duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Tuy nhiên, nếu các bà mẹ muốn chăm sóc con bằng chính dòng sữa của mình thì phải đảm bảo cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Các nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi giữa sữa mẹ và sữa công thức khi trẻ còn quá nhỏ có thể gây rối loạn đường ruột của trẻ kéo theo nguy cơ nhiễm HIV tăng.
Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 5.000 người nhiễm HIV sinh con. Gần như tất cả họ đều dùng thuốc để ức chế virus ở mức rất thấp, mặc dù nồng độ virus có thể tăng trở lại nếu không tiếp tục sử dụng thuốc.
Tiến sĩ Lynne Mofenson, cố vấn của Tổ chức AIDS Nhi khoa Elizabeth Glaser, cho biết trước khi các loại thuốc này được phổ biến rộng rãi cách đây một thập kỷ, khoảng 30% số ca nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con xảy ra trong quá trình cho con bú. Đầu những năm 1990, mỗi năm có khoảng 2.000 ca nhiễm trùng xảy ra ở trẻ sơ sinh ở Mỹ. Hiện nay số ca nhiễm trùng chưa tới 30 ca mỗi năm.
Hướng dẫn của AAP được đưa ra hơn một năm sau khi Viện Y tế Quốc gia và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh lật ngược các khuyến nghị lâu dài về vấn đề người nhiễm HIV có nên cho con bú hay không. Hướng dẫn đề cập đến quyền quyết định của cha mẹ đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Bà Lynn Yee, giáo sư khoa sản phụ tại Đại học Northwestern, cho biết mục tiêu của hướng dẫn là lắng nghe bệnh nhân và “không đổ lỗi hay khiến họ xấu hổ”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh và bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, béo phì và tiểu đường Loại 2. Việc cho con bú cũng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, tiểu đường và huyết áp cao cho người mẹ.
Từ năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến nghị phụ nữ nhiễm HIV ở các nước đang phát triển nên cho con bú sữa mẹ và được tiếp cận với liệu pháp kháng virus. Khuyến nghị này đã cân nhắc những nguy cơ trẻ sơ sinh nhiễm HIV khi bú mẹ cũng như nguy cơ trẻ tử vong do suy dinh dưỡng, tiêu chảy và viêm phổi ở những nơi không có nguồn dinh dưỡng thay thế an toàn cho sữa mẹ.
Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển, các chuyên gia khuyến cáo những người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì nguồn nước sạch, sữa công thức và sữa hiến tặng có thể đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đồng thời loại bỏ nguy cơ lây nhiễm virus.
Mặc dù vậy, nhiều người nhiễm HIV bày tỏ sự thất vọng khi không thể nuôi con bằng sữa mẹ.
Ci Ci Covin, 36 tuổi, sống ở Philadelphia (Mỹ) chia sẻ cô được chẩn đoán nhiễm HIV năm 20 tuổi và không được phép nuôi con bằng sữa mẹ khi sinh đứa con đầu lòng Zion (hiện 13 tuổi).
“Tôi không thể hiểu tại sao cùng một màu da, cùng là phụ nữ nhưng em gái tôi lại được cho con bú sữa mẹ trong khi tôi không có quyền lựa chọn”, Covin nói.
Việc không thể cho con bú đã khiến Covin rơi vào vòng xoáy trầm cảm sau sinh. Khi cô mang thai con gái Zuri (hiện 2 tuổi), đội ngũ chăm sóc sức khỏe đã giúp cô nuôi con bằng sữa mẹ thành công trong 7 tháng. Covin đã dùng thuốc đặc trị theo chỉ dẫn và cũng cho con gái uống thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng. Cô hào hứng chia sẻ: “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho mọi đứa trẻ.”
Bà Abuogi cho biết báo cáo AAP cung cấp hướng dẫn quan trọng cho các bác sĩ nhi khoa, y tá và chuyên gia làm việc trực tiếp với trẻ em và gia đình.
Bà hy vọng hoạt động này sẽ được mở rộng và thúc đẩy nhanh chóng để tất cả các bà mẹ trên thế giới đều có thể thực hiện trọn vẹn sứ mệnh thiêng liêng của mình.