Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, di sản như một lăng kính vạn hoa để các thế hệ khám phá sự đa dạng trong muôn vàn những biểu đạt truyền thống. Với nỗ lực bảo tồn từ cộng đồng cho đến sự chung tay của các cấp chính quyền, bối cảnh nguy cấp của di sản đang nhường chỗ cho một sức hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, di sản tiếp tục hòa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, trở thành điểm tựa thúc đẩy tính sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa.

________________________________

Nổi tiếng với kỹ thuật điêu khắc mộc bản tinh xảo có tuổi đời 581 năm, hành trình hồi sinh làng nghề mộc bản Thanh Liễu ghi nhận nỗ lực bảo tồn một trong những di sản độc đáo của người Việt. Bên cạnh đó, sự trở lại của kỹ thuật khắc in truyền thống là cơ hội để lớp nghệ nhân đương đại đóng góp, sáng tạo nhằm trao truyền giá trị văn hóa tới tương lai.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 1

Sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Liễu, phường Tân Hưng (Tp Hải Dương), ngay từ khi còn nhỏ nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt đã yêu thích mỹ thuật truyền thống và dành tình yêu đặc biệt cho nghề điêu khắc mộc bản của quê hương mình. Theo lời kể của anh, kể từ năm 2022 với quyết tâm hồi sinh làng nghề, kế thừa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, Nguyễn Công Đạt cùng các nghệ nhân cuối cùng trong làng đã dành nhiều thời gian thực hiện một tâm nguyện đặc biệt. Đó là hành trình hồi sinh lại làng nghề Thanh Liễu - trung tâm của nghề in khắc mộc bản lớn nhất tại Việt Nam.

Để tái dựng làng nghề, họ lặn lội đến những ngôi cổ tự lớn trong cả nước, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, tìm lại lịch sử, sưu tầm minh chứng, tư liệu về các bộ ván khắc còn lưu giữ dấu ấn tinh hoa của tiền nhân. Khối tư liệu thu được phát lộ một giai đoạn lịch sử rõ nét của nghề in ấn Việt Nam trong gần 600 năm và chỉ bắt đầu thoái trào vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi máy móc phương Tây ồ ạt nhập về thay thế cho các làng nghề thủ công.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 2

Hai năm nỗ lực phục dựng làng nghề, hành trình tìm về với di sản không chỉ mang đến cho cá nhân Nguyễn Công Đạt những hiểu biết sâu sắc về lịch sử nghề khắc mộc bản của Việt Nam mà góp phần nâng cao tay nghề, giúp anh trở thành nghệ nhân thuần thục ở cả khía cạnh khắc tranh và khắc chữ.

Chia sẻ về kho tri thức và kỹ năng điêu khắc mà những người thợ Thanh Liễu góp nhặt, sáng tạo trong nhiều thế kỷ, Nguyễn Công Đạt cho biết: “Để có một bản in đẹp, người thợ Thanh Liễu phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, kể từ chọn gỗ, khắc chạm cho đến lăn mực, in trên giấy”.

Những tấm gỗ được lựa chọn để làm ván thường là gỗ cây thị hoặc cây thừng mực. Đây là dòng gỗ màu trắng, vân gỗ chặt, dễ điêu khắc, ít cong vênh nứt vỡ, từ đó có thể bảo quản lên tới hàng trăm năm. Gỗ sau khi được lựa chọn sẽ được xử lý thêm một số công đoạn khác như chà, mài, ngâm, rửa để đạt được bề mặt tiêu chuẩn cho việc vẽ nét và điêu khắc. Các nghệ nhân thường sử dụng dao, nạo, tạc, dùi, đục… Đặc biệt phải kể tới con dao ngang, một công cụ được sáng tạo và sử dụng duy nhất tại làng nghề Thanh Liễu.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 3
Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 4

Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu với tuổi đời lên tới hàng trăm năm đã để lại nhiều di sản quý cho hậu thế, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật của người Việt. Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Lê Quốc Việt, Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501) được coi là ông tổ nghề khắc in ở Thanh Liễu.

Sinh thời, Lương Như Hộc có 2 lần đi sứ nhà Minh vào các năm 1443 và 1459. Nhân đó ngài đã học nghề khắc ván từ Trung Hoa và truyền bá kỹ thuật cho người dân tại quê nhà. Nhờ công đức của vị thám hoa triều Lê mà nghề in nước ta có bước phát triển vượt bậc kể từ thế kỷ 15.

Sử sách chép lại nghề in khắc mộc bản tại Hải Dương từng phát triển thịnh đạt vào các thời Hậu Lê, Lê Trung Hưng và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Nguyễn với tên tuổi của phường in nức tiếng Hồng Lục - Liễu Tràng. Trong thời gian này nghệ nhân ở làng Thanh Liễu cùng những làng xung quanh như Khuê Liễu, Liễu Tràng đã khắc in nhiều loại mộc bản phục vụ đời sống nhân dân và triều đình như kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, bùa, ấn, triện, vàng mã, áo Lục thù, tranh Thập vật… Nghề thủ công truyền thống đã đem lại cuộc sống dư giả cho những người thợ, biến vùng đất này thành thủ phủ của nghề in trong cả nước.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 5

Cuối thế kỷ 20, do sự phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại, nghề khắc in mộc bản không còn phổ biến như trước, nhiều nghệ nhân bỏ nghề và kỹ thuật in khắc dần mai một. Dù vậy sau 30 năm mất dấu trên thị trường, hiện nay ở làng Thanh Liễu vẫn còn một số hộ gia đình và những nghệ nhân say mê lưu giữ nghề truyền thống, khơi lên ngọn lửa kỳ vọng tiếp nối di sản của thế hệ cha ông.

Kỹ thuật in khắc mộc bản tinh xảo Thanh Liễu đã góp phần tạo ra 3 khối mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương là Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Mộc bản trường học Phúc Giang.

Là cháu của cụ Nguyễn Công Nền, người nghệ nhân san khắc những mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà (Bắc Giang) mà ngày nay đã trở thành bảo vật quốc gia và di sản tư liệu thế giới, nghệ nhân Đinh Công Tráng cho biết dòng họ ông có nhiều đời theo nghề in, khắc mộc bản. Họ đã đóng góp cho làng nghề nhiều lứa thợ giỏi, chung tay thực hiện những tác phẩm san khắc nổi tiếng trong lịch sử.

Tự hào về truyền thống gia đình, ông Tráng theo nghề ngay từ khi còn nhỏ và đau đáu vì sự mai một của cái tên Thanh Liễu suốt hàng chục năm nay. Ông vẫn nhớ câu chuyện được các bậc cha chú truyền lại, kể về những người thợ Thanh Liễu đã được các vị sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm vời đến làm công lâu dài tại chùa như thế nào, trực tiếp thực hiện các công đoạn chế tác mộc bản, in sách và đóng sách ra sao.

Trong quá khứ, kỹ thuật khắc chữ và đồ án trang trí trên mỗi tấm ván đều đúng theo quy chuẩn in ấn thời bấy giờ và người thợ nào cũng phải nắm được khuôn thước đó. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc và nơi lưu trữ các tấm ván.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 6

Chia sẻ về thách thức tái dựng làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn nửa thiên niên kỷ với Tạp chí Ngày Nay, nghệ nhân Đinh Công Tráng nhận định do việc hành nghề bị đứt đoạn trong hàng chục năm nên khi quyết tâm phục hồi, ông và những người nghệ nhân khác đã gặp không ít khó khăn.

Sau nhiều năm tháng rời xa con dao, cái đục, khi quay về với nghề cũ, họ đã mất nhiều tháng trời để ôn tập cách thức, rèn luyện đôi tay dẻo, mềm, linh hoạt. Dù vậy, điều may mắn chính là kỹ thuật truyền thống của làng chưa bị thất tán bởi vẫn in hằn trong ký ức của các nghệ nhân cao niên.

Khó khăn tiếp theo được ông Tráng chia sẻ là để phục hồi lại làng nghề, các nghệ nhân đều phải tự thân đi tìm chứng cứ, tư liệu. Họ tự tìm tới những nơi lưu trữ mộc bản do lớp thợ tiền nhân Thanh Liễu từng thực hiện, lấy tên các nghệ nhân trong quá khứ… Cho tới nay, họ vẫn chưa nhận được sự giúp sức từ chính sách hay các tổ chức văn hóa.

“Dù gặp không ít khó khăn để hồi sinh làng nghề nhưng chúng tôi vẫn kiên tâm, kết nối với nhau thành một nhóm. Về chính sách đối với một di sản quý báu như nghề in khắc Thanh Liễu thì ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được việc này", ông Tráng nói.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 7

Cũng theo ông, đang có một lớp trẻ năng động ở làng Thanh Liễu mà đại diện là nghệ nhân Nguyễn Công Đạt. Họ không chỉ có niềm đam mê với nghề truyền thống mà còn có thể kết nối, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Họ chính là nhân tố khích lệ lớp nghệ nhân cao tuổi truyền nghề và khuyến khích thế hệ tiếp theo học nghề, theo nghề.

Hiện nay, các nghệ nhân Thanh Liễu đang tập trung hoàn thiện các kỹ thuật nghề truyền thống, đồng thời họ mạnh dạn tìm lối đi để bắt nhịp với đời sống đương đại. Một số sản phẩm đương đại sản sinh từ đôi bàn tay khéo léo của họ đã có mặt trên thị trường, bước đầu tạo ra giá trị kinh tế.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 8
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?