Sạp báo của vợ chồng ông Chữ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ở tuổi 70, sinh kế duy nhất của vợ chồng ông Trần Văn Chữ là sạp báo giấy nằm nép mình trên một con phố sầm uất. Dẫu nhỏ bé, nhưng sạp báo này là điểm neo tâm hồn cho cặp đôi này cùng nhiều độc giả thân quen.
Sạp báo của vợ chồng ông Chữ

4 giờ sáng, khi thành phố còn đang say giấc, cũng là lúc ngày làm việc của ông Chữ bắt đầu, mà nói đúng hơn, là một cuộc chạy đua với thời gian. Bởi nếu chậm tay ga, "mẻ" báo giấy của ông Chữ sẽ bị "thiu", khi đó chẳng còn ai đến tìm mua nữa.

Hành trình đi lấy báo của ông Chữ chạy dọc theo những địa danh nổi tiếng của Hà Nội, từ Hoàng thành Thăng Long, tới Hồ Hoàn Kiếm, Bưu điện Hà Nội rồi Nhà hát Lớn. Đều đặn mỗi ngày, ông Chữ vẫn nhập hơn trăm tờ báo, nhưng chưa chắc đã bán hết một nửa.

Ngoài những khách quen và vài khách vãng lai, ông Chữ có hai độc giả đặt báo định kỳ mỗi sáng. Nắng cũng như mưa, ông vẫn đút báo qua khe cửa như dấu hiệu của lòng tin. Bởi vậy, nên hãn hữu lắm ông Chữ mới nghỉ bán, có chăng là một tuần dịp Tết.

Chưa đầy một tiếng rong ruổi khắp trung tâm thành phố để lấy và phát hành báo, ông Chữ đã có mặt tại vỉa hè nơi sạp báo tọa lạc để dọn hàng. Bày báo, dập ghim xong xuôi, ông Chữ thư thái đặt lưng xuống chiếc ghế nhựa và giở báo ra đọc. Vẻ tất bật đầu ngày hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự thư thái của ông chủ sạp báo.

Sạp báo của vợ chồng ông Chữ ảnh 1

Đều đặn từ 4 giờ sáng tới 4 giờ chiều, ông Chữ gắn bó với sạp báo nhỏ.

8 giờ sáng, vốn là lúc sạp báo của ông Chữ tấp nập người ra vào nhất, một cơn mưa đầu hạ bất chợt đổ xuống. Cơn mưa giải nhiệt cả thành phố ngóng chờ. Nhưng đó cũng báo hiệu một buổi bán báo đầy rủi ro với ông Chữ. Vợ ông đội nón tới thay ca cho chồng về nhà ăn tạm bát cơm nguội.

"Cái nghề này đã theo, phải theo đến cùng. Anh không thể thích nay bán mai nghỉ. Khách hàng đã đặt thì anh phải cung cấp đủ", ông Chữ trần tình.

Trong trí nhớ của ông Chữ, cách đây chỉ độ mười lăm năm, nghề bán báo còn phát triển rất mạnh, bất kỳ góc phố nào cũng có một sạp báo. Không chỉ có các sạp cố định trên vỉa hè, mà trước đây thành phố vẫn còn nhiều người làm nghề rao báo dạo, tiếng rao báo từ những người đạp xe len lỏi trong các góc phố, con ngõ đã trở thành một phần ký ức của nhiều thị dân.

Từng huy hoàng là thế, nhưng nay số lượng báo bán ra tại các sạp giảm đến thê thảm mà theo như ông Chữ áng chừng, tỷ lệ báo in bán ra giờ chỉ còn 10% so với mười năm trước. Những đầu báo nổi tiếng với nhiều tin tức sốt dẻo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô...thường bán chạy nhất giờ chỉ lác đác mươi, mười lăm tờ.

Theo ông Chữ, xu hướng đọc báo trong khoảng chục năm trở lại đây đã thay đổi, độc giả ngày càng có nhiều phương thức để tiếp cận thông tin, như báo điện tử, mạng xã hội,... khiến báo giấy mất đi vị thế dẫn đầu.

Dù vậy, ông Chữ vẫn có một "tệp" khách hàng quen thuộc, vốn là những người có thói quen hàng chục năm đọc báo buổi sáng. Phần đa trong số họ đều trên 50 tuổi, thị lực không phù hợp để đọc báo mạng.

Có vị khách quen mặt, ông Chữ còn cho "thuê" báo. Tức là bỏ 6 nghìn mua một tờ Thanh Niên, sau khi đọc cẩn thận thì bỏ thêm 1 nghìn để mua tờ An ninh Thủ đô.

"Quan trọng là túi tiền của người dân ngày càng ít", ông Chữ lý giải. "Thông tin trên báo cũng bị xào xáo nhiều".

9 giờ sáng, vợ ông Chữ tới thay ca cho chồng, mưa đã tạnh, cũng là lúc sạp báo bước vào guồng quay tấp nập nhất.

Trung bình mỗi tháng, vợ chồng ông thu về khoảng 2 triệu đồng từ sạp báo, chưa được một phần ba so với mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2022 (6,4 triệu đồng/tháng). Không có lương hưu, khoản thu nhập ít ỏi này dù vậy vẫn không làm khó được vợ chồng ông Chữ, họ vẫn bán báo một cách đầy đam mê và dành cho nhau từng sự quan tâm nhỏ nhất.

"Thôi thì có nhiều dùng nhiều, có ít dùng ít. Làm sao để san sẻ cho sống đủ một tháng", bà chủ sạp báo nói.

Sạp báo của vợ chồng ông Chữ ảnh 2

7 giờ sáng, bà Chữ đến thay ca để chồng về ăn sáng và đưa cháu đi học. Cơn mưa đầu hạ là khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi để hai ông bà dành thời gian bên nhau.

Bà Chữ kể, "suất" vỉa hè mà ông bà đang bán báo, cũng là của một người bạn thương binh nhượng lại với giá không đồng. Với cặp đôi này, sạp báo vừa là nơi để đọc, vừa là nơi để gặp những độc giả quen mặt mỗi sáng.

Từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cách đây 5 năm, ông Chữ lại phải gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư. Sự sống với ông Chữ là tích cóp những niềm vui nhỏ mỗi ngày ở sạp báo.

"Khách đến đây muốn ngồi chơi cũng được, mua cũng được, không mua cũng được, tới tâm sự cho đỡ buồn", ông Chữ cười sảng khoái. "Lắm lúc nghỉ người ta cũng nhớ, chỉ sướng mỗi vậy".

Sạp báo của vợ chồng ông Chữ ảnh 3

Nhiều độc giả vẫn coi sạp báo của ông Chữ là điểm đến quen thuộc mỗi sáng.

Chẳng ai biết được, nhiều năm nữa liệu các sạp báo có còn tồn tại hay không. Nhưng với nhiều người, hình ảnh các sạp báo nhỏ nép mình bên vỉa hè, cố gắng giữ mình trước dòng chảy lịch sử, đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức về Hà Nội.

"Bán để tăng cường sức khỏe, còn thời gian để tranh thủ đưa đón cháu đi học", ông chủ sạp báo lắc đầu khi được hỏi về ý định nghỉ hưu. "Nhưng đến độ nào đó chắc tôi cũng nghỉ".

4 giờ chiều, ông Chữ bắt đầu gói ghém, thu dọn đồ đạc đón cháu. Số báo ế không trả lại được, ông mang về nhà để bán cho những người có nhu cầu tìm báo cũ. Một ngày của ông Chữ lại lặng lẽ kết thúc.

Bình luận
Lời Phật dạy về 5 nghề không nên làm
Lời Phật dạy về 5 nghề không nên làm
(Ngày Nay) - Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại hiệu qua kinh tế cao, có nhiều cơ hội để thành công trở nên giàu có nhưng đồng thời cũng dễ dàng chuốc lấy thất bại.
Cẩn trọng khi mua, sử dụng thực phẩm để tránh ngộ độc dịp Tết
Cẩn trọng khi mua, sử dụng thực phẩm để tránh ngộ độc dịp Tết
(Ngày Nay) - Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Chương trình Xuân Quê hương 2025
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Chương trình Xuân Quê hương 2025
(Ngày Nay) -  Tối 19/1, trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã dự Chương trình giao lưu nghệ thuật "Xuân Quê hương 2025". Ngày Nay trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại chương trình.
Văn hóa nghệ thuật giúp phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
Văn hóa nghệ thuật giúp phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
(Ngày Nay) -  Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, mối quan hệ gắn bó giữa hai nước được xây dựng và không ngừng được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt, trong sáng, thủy chung và như lời Chủ tịch Souphanouvong từng nói “Tình hữu nghị Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm và thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”.