Vụ người bố tự tử ép hai con uống thuốc sâu ở huyện Thanh Oai, Hà Nội chưa kịp lắng xuống, thì dư luận lại bàng hoàng vì chồng cũ sát hại vợ, con dã man ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Và còn nhiều vụ việc khác mà con trẻ bị tước đoạt mạng sống bởi chính cha mẹ mình xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.
PGS.TS – Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi đau lòng trên chính là những bế tắc trong giải quyết mâu thuẫn hoặc những vướng mắc trong cuộc sống.
Bản thân những gia đình này gặp phải hoàn cảnh sống không thuận lợi, có thể do mâu thuẫn trầm trọng giữa hai vợ chồng hoặc người thân; cũng có thể là tích hợp của nhiều nguyên nhân dẫn đến họ có những suy nghĩ nông nổi và hành động một cách mù quáng.
Hành vi sát hại con cái rồi tự tử không chỉ là hành động thiếu suy nghĩ mà đó cũng là hành vi xuất phát từ động cơ vị kỷ, tàn độc, có tâm lý hoảng loạn. Họ tự đặt mình vào tình trạng tuyệt vọng, kể cả bản thân không còn cơ hội tồn tại trong đời sống xã hội nên mới xuống tay sát hại người thân, thậm chí những đứa trẻ còn rất bé bỏng, không liên quan đến xung đột.
“Sự vị kỷ lên đến mức đỉnh điểm, những đương sự trong trường hợp này đã trở nên mù quáng, tối tăm, cộng với sự dồn nén, hoảng loạn, bế tắc, tuyệt vọng. Họ không còn nhận biết đâu là phải trái, nhận thức về pháp luật cũng không hiện hữu trong tâm thức của họ nên dẫn tới những bi kịch như vậy” – ông Trịnh Hòa Bình cho biết.
Đối tượng Nguyễn Anh Tú (SN 1977, ngụ xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bị tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ hành vi sát hại vợ, con. (Ảnh: Vietnamnet) |
Một chuyên gia tâm lý tội phạm học khác cũng cho rằng, những vụ tự sát cùng với con cái thường thấy những người làm cha, làm mẹ có sự nhận thức rất hạn chế, thậm chí rất ích kỷ.
Nhiều người nghĩ, mình chết đi thì con cái không ai chăm sóc, con cái sẽ khổ, không muốn các con phải sống như vậy nên cùng chết là giải thoát cho tất cả. Thậm chí có người hành động như vậy còn có hàm ý trả thù người còn sống, có thể là vợ hoặc người thân.
Đây là sự ấu trĩ, đồng thời phản ánh rõ nét nhất sự kém cỏi về nhận thức, vô đạo đức và tàn nhẫn. Những đương sự trong trường hợp này không hiểu rằng những đứa con của mình vô tội và quyền sống là quyền thiêng liêng nhất không ai có quyền xâm hại, quyền đó được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc ép con chết theo là hành vi giết người, vi phạm pháp luật, đạo đức nghiêm trọng cần phải lên án mạnh mẽ.
Những vụ án đau lòng như trên còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức, lương tâm của một số người làm cha, làm mẹ khi không đạt được điều mình muốn thì sẽ dễ xuất hiện những hành vi tiêu cực.
Để đối phó với những tình huống bột phát như trên là điều không dễ dàng bởi vì không phải lúc nào cộng đồng, người thân cũng ở bên cạnh để kiểm soát hành xử của họ.
Do đó, về mặt lâu dài vẫn là mỗi cá nhân tự xây dựng cho mình ý thức luật pháp cũng như xây dựng mối quan hệ gắn kết, hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, trong gia đình. Tự thân mỗi người cần phải biết yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình, sống có trách nhiệm.
Trong đời sống khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột nhưng mỗi người cần phải nghĩ cho người khác, đừng vì "cái tôi" quá lớn để những mâu thuẫn càng đẩy lên cao đến mức không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần phải có trách nhiệm, có sự quan tâm với nhau, đặc biệt là việc giáo dục đạo đức, lối sống, coi đó là nền tảng xây dựng gia đình bền vững nhằm ngăn ngừa những bi kịch xảy ra.
Theo VOV