Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho hay, năm 2016, tổng nguồn thu phí đường bộ từ ôtô là 10.265 tỷ đồng. Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ, đánh giá các hoạt động thu, nộp, quản lý phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã đi vào ổn định.
“Việc thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với ôtô qua các trạm đăng kiểm hiện nay đang được triển khai đúng trình tự quy định. Nguồn thu không bị thất thoát và không bị sử dụng sai mục đích, đảm bảo công khai, minh bạch”, ông Minh nói.
Với số tiền thu được, Quỹ Bảo trì đường bộ đã giao Tổng cục đường bộ Việt Nam thực hiện 7.660 tỷ đồng và phân bổ cho các quỹ địa phương hơn 2.476 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ công tác an toàn giao thông, xử lý điểm đen, khắc phục bão lũ và chi cho các nhiệm vụ có liên quan khác…
Theo Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ, nguồn kinh phí dành cho bảo dưỡng đường bộ thường xuyên vẫn còn hạn hẹp (năm 2016 là 708 tỷ đồng), việc bảo dưỡng thường xuyên chỉ thực hiện cho các nhiệm vụ thật sự cấp thiết.
Ông Lê Hoàng Minh cho hay trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, các đơn vị được giao bảo dưỡng thường xuyên phải rất cố gắng nhằm đảm bảo yêu cầu thiết yếu của công việc, duy trì đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ cho rằng nguồn vốn dành cho công tác bảo trì mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nên các cơ quan quản lý đường bộ mới chỉ kiểm tra, chọn các vị trí hư hỏng nặng để ưu tiên sửa chữa. Nhất là khi cần sửa chữa đột xuất, khi hệ thống đường bộ bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường.
Điện lực, viễn thông phải nộp phí đường bộ?
Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ cho biết thêm tại phiên họp thường kỳ Hội đồng quản lý quỹ, đã thống nhất giao Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ nghiên cứu, đề xuất hành lang pháp lý nhằm tạo thêm nguồn thu cho quỹ.
Nguồn thu có thể từ việc cho thuê hạ tầng giao thông đường bộ, vay vốn các tổ chức tín dụng để bảo trì, xã hội hóa công tác bảo trì đường bộ. Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ nhận định đối với nguồn thu từ cho thuê hạ tầng đường bộ trong quy định pháp luật đã có.
Cụ thể, Điều 42, Nghị định số 10 của Chính phủ quy định việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được áp dụng đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã được xây dựng gồm: Bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ...
Các công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc), đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật cũng nằm trong quy định việc cho thuê tài sản hạ tầng đường bộ.
Theo ghi nhận của Quỹ Bảo trì đường bộ, hệ thống đường bộ dài khoảng trên 295.000 km, có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong phạm vi kết cấu giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, các tổ chức và cá nhân lắp đặt, sử dụng các công trình nằm trên hệ thống kết cấu đường bộ đều nhằm mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận nhưng chưa phải trả tiền thuê sử dụng hệ thống kết cấu đường bộ.
Ông Minh cũng cho hay thông tin hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức thực hiện, cách tính toán mức giá cho thuê để thực hiện đấu thầu.
“Trong 2017, Văn phòng Quỹ sẽ nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ban hành thông tư hướng dẫn về nội dung này, tạo hành lang pháp lý cho việc tạo thêm nguồn hợp pháp cho quỹ nhằm tạo đủ nguồn cho bảo trì đường bộ và giảm dần nguồn ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ”, ông Minh cho hay.