“Vừa làm vừa hoàn thiện”
Nếu những kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước là ba chung thì kỳ thi năm nay đã lên tới “bốn chung”: Chung giờ, chung đề, xét tuyển chung, chung phần mềm xét tuyển. Chính phần mềm xét tuyển chung là nguyên nhân gây ra tất cả xáo trộn. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) yếu kém, không có sự chuẩn bị chu đáo đã dẫn đến nhiều rắc rối, mà dấu hiệu đầu tiên đã bộc lộ ngay ngày công bố điểm thi, thí sinh (TS) không xem được điểm do nghẽn mạng.
Theo thống kê, có khoảng 43.000 TS thay đổi nguyện vọng, trong đó chỉ có hơn 10.000 TS thực hiện thủ tục qua Sở GD&ĐT, còn lại hơn 30.000 đến trực tiếp các trường. Việc hàng chục nghìn TS đến rút hồ sơ tại trường trong khi hạ tầng CNTT cũng như phần mềm của Bộ GD&ĐT chưa hoàn thiện đã gây nên tình trạng tắc nghẽn. Bởi khi TS tới rút, các trường có thể trao lại hồ sơ giấy tờ mà các em đã nộp, nhưng trường phải thông qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới xóa được dữ liệu. Xóa xong TS mới nộp được vào trường khác. Khi lượng hồ sơ rút cao, mạng liền bị tắc.
Còn nhiều bất cập trong đợt xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 |
Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông, cho rằng, phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT chỉ được hoàn chỉnh vào ngày 11-8 (thời điểm bộ công bố TS có thể đến rút hồ sơ tại Sở GD&ĐT), trong khi kỳ xét tuyển đã bắt đầu trước đó 10 ngày (từ ngày 1-8). Nghĩa là Bộ “vừa làm vừa hoàn thiện”, trong khi xét tuyển là một vấn đề rất lớn. Điều đó cho thấy khâu chuẩn bị của Bộ GD&ĐT chưa tốt.
Với mục tiêu ban đầu là bảo đảm TS điểm cao không bị trượt ĐH, mở rộng cơ hội trúng tuyển cho TS nên Bộ GD&ĐT yêu cầu ba ngày/lần, các trường phải công bố danh sách TS đã nộp hồ sơ, thứ hạng của TS để các em biết được khả năng trúng tuyển của mình. “Nhưng thực tế mỗi trường làm một kiểu, phần mềm của các trường không thống nhất. Trường thì công bố rất trách nhiệm, đầy đủ dữ liệu để thí sinh có thể tính toán tương đối chính xác; trường thì công bố như đánh đố học sinh, khiến các em như lạc vào ma trận”, một phụ huynh chỉ ra. Nhiều trường thụ động ngồi chờ phần mềm xét tuyển của Bộ, trong quá trình xét tuyển lại công bố cùng lúc cả bốn nguyện vọng, vì vậy không lọc được lượng TS ảo khiến TS, phụ huynh hoang mang rồi vội vã rút hồ sơ vì không biết đậu hay rớt.
Điều chỉnh lại nhiều khâu trong xét tuyển
Bộ GD&ĐT cam kết, trong các đợt xét tuyển bổ sung, TS chỉ cần đăng ký bằng phiếu lấy từ trên mạng, nộp tại các trường THPT, Sở GD&ĐT. Hồ sơ sẽ được chuyển về các trường ĐH. Các trường ĐH nhanh chóng công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu còn lại cho nguyện vọng hai.
Nhiều ý kiến đóng góp, để tiếp tục hoàn thiện phương án thi và tuyển sinh này nhằm vận dụng hiệu quả cho năm sau, Bộ GD&ĐT sẽ phải xem xét lại nhiều khâu trong xét tuyển. Trong đó có việc nâng cấp máy chủ của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng nghẽn mạng khi các nơi cập nhật rút - nộp hồ sơ của TS; tạo điều kiện cho TS được nộp và thay đổi nguyện vọng ở cấp sở của các tỉnh ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng, sẽ phải bàn lại nhiều vấn đề của kỳ thi quốc gia năm 2015. “Kể từ khâu coi thi phải nghiêm hơn, đề thi phải tính toán lại vì năm nay hàm lượng kiến thức dành cho tốt nghiệp cao quá, dẫn đến đẩy điểm thi lên. Đặc biệt, khâu xét tuyển phải thay đổi nhiều”, ông Điền nói. Theo đó, sẽ phải ứng dụng CNTT một cách triệt để trong xét tuyển, không làm thủ công như năm nay. Mỗi TS phải được cấp một tài khoản với tính năng lớn để các em có thể tự nhập liệu và chuyển đổi nguyện vọng xét tuyển. Muốn thế hạ tầng CNTT phải được hoàn thiện thêm.
Ông Lê Hữu Lập cũng đóng góp ý kiến, đề thi năm 2015 chưa ổn, vì thế chưa phân hóa được học sinh. “Những TS điểm cao nhất thì xét tuyển dễ dàng, nhưng phần lớn lại là TS có điểm thi từ 19 - 21, thậm chí cả từ 23 - 24 điểm cũng vất vả trong xét tuyển bởi cách tuyển sinh năm nay. Trong khi đó, phần mềm tuyển sinh của bộ chưa hoàn chỉnh, chưa lường hết được quá trình xét tuyển (ban đầu Sở GD&ĐT đứng ngoài, mãi sau Bộ mới cho các sở vào cuộc). Còn các trường thì mỗi trường làm một kiểu. Có trường công bố danh sách TS xét tuyển như đánh đố TS vì làm không khoa học”, ông Lập chỉ ra.
Đặc biệt, ông Lập cho rằng, nhất định phải xem lại quy định cho rút hồ sơ. “Nguyện vọng một không nên cho rút, vì đó là cách để các em chọn ngành, chọn trường theo đúng sở trường. Chỉ cho thay đổi từ nguyện vọng hai trở đi. Nếu cho rút từ đầu thì chỉ khiến học sinh vào ĐH bằng mọi giá, không quan tâm đam mê, sở thích, năng lực”, ông Lê Hữu Lập phân tích.
Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chưa tốt. Mục tiêu đặt ra là tạo thuận lợi, công bằng cho TS nhưng vẫn còn để nhiều người dân và TS rất vất vả. “Qua đánh giá của Bộ GD&ĐT, ý kiến phát biểu của các cơ quan chức năng và dư luận, Bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận, của học sinh để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Những thay đổi mới nhất cần lưu ý trong đợt xét tuyển bổ sung ĐH, CĐ 2015
- 105 trường ĐH có số thí sinh vượt chỉ tiêu ngay trong đợt 1
- Xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2: Mức điểm từ 13 đến 16 nên chọn trường nào?