Người dân đã nhiều lần phản ánh với các ngành chức năng của huyện, tỉnh, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi tìm về buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng đúng lúc nhà máy chế biến mủ cao-su này đang hoạt động, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở buôn Cư Juốt bức xúc: Kể từ khi nhà máy chế biến mủ cao-su này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay khiến cả làng phải chịu khổ. Hằng ngày, mùi hôi thối, bụi, khói từ nhà máy theo gió xộc vào khu dân cư khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Bà Lê Thị Liễu, nhà ở ngay đối diện nhà máy chế biến mủ cao-su than thở: “Do mùi hôi thối và khói thải từ nhà máy chế biến mủ cao-su gây ra buộc gia đình tôi và những hộ dân sinh sống chung quanh nhà máy suốt ngày phải đóng cửa kín mít và đeo khẩu trang cả khi ngủ.
Do sống trong môi trường bị ô nhiễm, hằng ngày phải hít mùi hôi thối và khói, bụi do nhà máy thải ra khiến cho nhiều người trong buôn, nhất là người già, trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp, tức ngực, viêm xoang...”. Người dân buôn Cư Juốt đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện yêu cầu phía công ty này có biện pháp hạn chế mùi hôi thối, thế nhưng nhiều năm nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, trong khi mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Bà Đoàn Thị Thanh, người dân trong vùng cho biết thêm: Nhà máy sản xuất cả ngày lẫn đêm khiến cho người dân chúng tôi như bị tra tấn cực hình. Là người nông dân, cả ngày đi làm rẫy mệt, tối về nhà muốn nghỉ ngơi cũng không yên bởi mùi hôi thối.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây còn ảnh hưởng đến việc học tập của con em địa phương. Nằm cách nhà máy chế biến cao-su này gần 300 m là phân hiệu Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Cư Pơng, nơi học tập của 100 em học sinh chủ yếu là con hộ nghèo và con em đồng bào dân tộc thiểu số buôn Cư Juốt. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu, cho nên nhiều gia đình đã xin chuyển con em mình đến học ở trường khác cách xa nhà máy, mặc dù việc đưa đón con đi học vất vả và tốn kém hơn. Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân địa phương lo lắng chia sẻ: “Ở nhà, các cháu đã hít thở mùi hôi thối, ô nhiễm, đến trường cũng học tập trong môi trường bị ô nhiễm làm sao cơ thể các cháu chịu đựng được. Lo lắng sức khỏe của con cho nên dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, vợ chồng tôi đã xin chuyển con đến học ở trường khác tránh xa nhà máy”.
Thời gian gần đây, tình trạng xả nước thải từ nhà máy vào các hồ chứa và khi có mưa lớn, lượng nước thải nguy hại tràn ra chung quanh, ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Năm 2015, thấy nước giếng có mầu vàng đục khác thường, bà Đặng Thị Hoa cùng với một số hộ dân sinh sống gần nhà máy đã góp tiền để lấy mẫu nước mang lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm chất lượng.
Kết quả mẫu nước có độ pH thấp, độ đục cao, hàm lượng sắt cao, không đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009BYT. Trước kết quả kiểm nghiệm mẫu nước này, từ đó đến nay, nhiều hộ dân đã không dám dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt, mà phải mua từng bình nước về sử dụng khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Bà Lê Thị Liễu cho biết: Lo sợ nguồn nước giếng bị ô nhiễm gây bệnh tật cho nên mỗi tháng tôi phải mua gần 20 thùng nước lọc về phục vụ cho ăn uống. Còn tắm giặt, phải thuê xe bồn đi xin nước các hộ dân khác ở cách nhà vài ki-lô-mét về dùng. Tình trạng nước thải từ các hồ chứa theo nước mưa tràn ra đất và những rẫy cà-phê chung quanh, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty TNHH Phương Triều Đại để làm rõ những phản ánh của người dân địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến mủ cao-su gây ra, nhưng đều bị né tránh.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pơng Y BLưn Mlô cho rằng, UBND xã chưa nhận được một đơn thư nào của người dân gửi lên phản ánh tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy mà chỉ nghe phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Qua xác minh của chúng tôi, chỉ trong ba tháng cuối năm 2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búc hai lần phối hợp UBND xã Cư Pơng và một đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đác Lắc tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy chế biến mủ cao-su. Trong các cuộc kiểm tra này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búc đều cho rằng, nhà máy đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Trong khi đó, người dân ở chung quanh nhà máy khẳng định, nhà máy này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búc Y Thin Mlô cho biết, nhà máy chế biến mủ cao-su của Công ty TNHH Phương Triều Đại xây dựng trước khu dân cư và huyện đã nhiều lần xuống kiểm tra cũng như phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, thông qua các thông số đo đạc, kiểm tra môi trường của sở thì đều đạt tiêu chuẩn. Còn việc người dân tự ý đưa mẫu nước đi kiểm nghiệm và không đạt tiêu chuẩn thì huyện không biết. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước của người dân chưa đủ căn cứ để có thể khẳng định sự không đạt chuẩn của nguồn nước này là do nhà máy gây ra.
Chủ tịch UBND huyện Krông Búc Vũ Văn Mỹ cho biết: “Quan điểm của huyện là nếu nhà máy này gây ô nhiễm khu dân cư thì sẽ cho kiểm tra xem xét ngừng sản xuất. Không thể đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân để lấy nguồn thu thuế từ đơn vị này. Chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thanh kiểm tra lại nhà máy để có các biện pháp xử lý”.
Theo Nhân Dân