Trong chương trình này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% giá sữa, doanh nghiệp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải chi trả 50% vớimức giá quy định không quá 6.800 đồng/hộp sữa 180m |
Nguyễn Hoài Anh – một cựu sinh viên Học viện báo chí - Tuyên truyền kể lại, hồi còn đi học, em theo một nhóm tình nguyện ở Hà Nội chở một ô tô sữa vào Quảng Bình từ thiện. “Những đứa trẻ chuyên làm bạn với bò nhưng chưa bao giờ được uống sữa, mắt chúng sáng lên khi được tu ừng ực một hộp sữa, chẳng đứa nào bị tiêu chảy hay cái bụng phản ứng xấu với sữa. Xã ấy phần lớn là người dân tộc Mã Liềng, Chứt… rất nghèo, họ nói giá một bịch sữa bằng cả một bữa ăn cho lũ trẻ” – Hoài Anh kể. Từ cảnh tượng xót xa ấy, lúc nào Hoài Anh cũng muốn đi từ thiện ở các vùng quê nghèo khắp Tổ quốc để chung tay giảm bớt thiệt thòi với trẻ em nông thôn và vùng núi.
Không đâu xa, chị Nguyễn Thị Xuyến (xã Yên Trung, Thạch Thất), người dân sống lâu năm ở một vùng quê ngay ngoại thành Hà Nội cũng chẳng mấy khi dám mua sữa cho con gái uống. Bao năm nay, chỉ những khi con gái bị ốm, chị mới rụt rè mua một lốc sữa cho con, loại nhỏ 110ml/hộp vì không đủ tiền. Mấy ngày nay, chị phấn khởi ra mặt trước thông tin con gái sẽ được uống sữa ở trường mà giá thành chỉ bằng một nửa ngoài cửa hàng. Theo chương trình, mỗi ngày con chị sẽ được uống một hộp sữa, mỗi tuần 5 hộp.
Những đứa trẻ ở xã nghèo Thạch Thất đều ít có cơ hội được uống sữa. Uống sữa hàng ngày là chuyện xa xỉ với những đứa trẻ nông thôn. Lũ trẻ hồn nhiên như cây cỏ, quanh năm ăn rau vườn, lớn khôn từ hạt lúa mẹ trồng, có nhiều đứa trẻ đã qua tuổi dậy thì vẫn thấp bé như học sinh tiểu học vì lượng canxi trong bữa ăn quá nghèo nàn.
Trong khi đó, chị Hồng Hạnh – một phụ huynh có 2 con trai đang theo học mầm non ở quận Cầu Giấy, Hà Nội ngay lập tức phản ứng dữ dội, không đồng tình với chương trình Sữa học đường. Với chị, bánh kẹo, trà sữa và sữa tươi… lúc nào cũng ngập nhà, chưa nói đến việc nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của các loại sữa tươi, bánh trái… được chị lựa chọn kỹ càng để bảo đảm sức khỏe cho con. Chị bảo, từ khi 3 tuổi, con trai chị chỉ uống sữa không đường, sữa có đường sẽ khiến con chị bị béo phì vì từ bé cháu luôn quá cân tiêu chuẩn. Đã có thời điểm, chị phải “hãm” lượng sữa cho con uống mỗi ngày vì cân nặng của con cứ tăng vù vù.
Chương trình Sữa học đường vốn được đánh giá là cực kỳ cần thiết để bổ sung dinh dưỡng và canxi cho trẻ từ thời kỳ mẫu giáo, để trẻ có thể phát triển chiều cao tối ưu nhưng lại đang hứng chịu những sự phản đối gay gắt từ nhiều gia đình nội thành. Nhiều bà mẹ hùng hồn tuyên bố: “600.000 đồng một năm cho chương trình sữa học đường chẳng đáng là bao, nhưng trẻ con thành phố đầy đủ rồi, đừng bắt chúng uống thêm sữa (?!)”.
Thực tế, không phải đứa trẻ nào ở Hà Nội cũng được uống sữa mỗi ngày như con họ. Thống kê chưa đầy đủ, nội thành Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ nhỏ, nhưng chỉ khoảng 1/10 trong số đó có đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Một chính sách đúng đắn và khá nhân văn nhưng khi triển khai tại Thủ đô lại khiến nhiều phụ huynh nghi ngại, thậm chí từ chối thẳng thừng. Vì đâu nên nỗi?
Theo nhiều phụ huynh ở nội thành Hà Nội, ngay từ giữa tháng 9, các trường học đã phát phiếu cho phụ huynh đăng ký tham gia chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, trong tờ phiếu này không có bất cứ thông tin gì về loại sữa mà học sinh sẽ được uống tại trường.
Chia sẻ của chị Ngọc cũng là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh, nhất là khi mới tháng ba vừa qua, có đến hơn 70 học sinh tại Đồng Nai đã bị ngộ độc phải nhập viện nghi liên quan đến sữa học đường, khiến địa phương này phải tạm dừng triển khai chương trình. Từ trước đến nay, những bữa ăn bán trú bị ăn bớt hay những khoản thu “mờ ám” ở trường học đã khiến không ít phụ huynh mất hết niềm tin vào nhà trường. Mỗi chính sách nào đó được đưa ra luôn nằm trong sự nghi ngờ của phụ huynh, nhất là phụ huynh ở đô thị.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, HN) có hai con đang học tiểu học và các con anh đều uống 3 hộp sữa mỗi ngày. Anh Tuấn cho rằng, việc được hỗ trợ giá sữa đúng là sẽ giảm chi phí cho phụ huynh, các con được hưởng lợi. Nhưng điều phụ huynh quan tâm hơn là chất lượng sữa ra sao? Có đảm bảo an toàn? Việc thực hiện và giám sát như thế nào? Liệu sữa học đường có bị ăn bớt như cơm bán trú? Liệu có phải là sữa cận hết hạn sử dụng hay không? Nhà trường sẽ quản lý sữa như thế nào? Phụ huynh có được giám sát, kiểm tra cùng nhà trường?
“Tất cả những thông tin đó hiện đều chưa có. Vậy mà trường đã đưa giấy cho phụ huynh đăng ký là chưa hợp lý. Lựa chọn giữa tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng mỗi tháng với việc đảm bảo chắc chắn an toàn cho con thì phụ huynh đương nhiên sẽ nghi ngại, nhất là ở Thủ đô, nơi đời sống kinh tế người dân cũng khá cao” - anh Tuấn nói.
Theo quy định, sữa học đường là chương trình không bắt buộc, phụ huynh tự nguyện tham gia hoặc không tham gia. Nhưng ở một số trường, một số địa phương, cách triển khai của giáo viên theo kiểu “ép buộc” khiến phụ huynh đặt câu hỏi, có hay không lợi ích doanh nghiệp trong chương trình Sữa học đường? Sao vội vàng bắt phụ huynh đăng kí khi chưa đủ thông tin?
Thực tế, tại Hà Nội, khi thông tin về sữa còn chưa rõ ràng, phụ huynh còn nhiều băn khoăn thì ở một số trường, ban giám hiệu lại có biểu hiện ép học sinh tham gia, giao chỉ tiêu cho giáo viên, khiến những nghi ngại của phụ huynh càng nhiều hơn.
Một phụ huynh tại quận Hoàng Mai cho biết, giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin cho từng phụ huynh từ chối tham gia chương trình sữa học đường, đề nghị phụ huynh ký lại.
Không thể phủ nhận, sữa học đường là một chương trình nhân văn, trong đó nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay, chung sức cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng. Nhưng, theo đông đảo phụ huynh được hỏi bày tỏ, Hà Nội cần công khai, minh bạch thông tin để tránh một đề án nhân văn có thể biến tướng thành thương vụ làm ăn của ai đó, đánh mất ý nghĩa và giá trị thiết thực vốn có của sữa học đường.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên làm thí điểm chương trình Sữa học đường trong năm 2019 để phụ huynh hiểu về cách làm, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, nông thôn nghèo. Đến khi nào phụ huynh đồng thuận với những tiêu chuẩn dinh dưỡng và tiêu chuẩn sữa học đường rồi thì triển khai đại trà vào năm 2020 cũng chưa muộn.
“Sở GD-ĐT Hà Nội xin đảm bảo về chất lượng sữa học đường”
Trước những lo lắng và bức xúc của phụ huynh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định Sở sẽ công khai thông tin về sữa học đường, đồng thời quán triệt lại nguyên tắc triển khai tự nguyện đến từng trường.Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Hà Nội có đang đi ngược quy trình khi chưa công bố thông tin về loại sữa, hãng sữa, chất lượng sữa, đã yêu cầu phụ huynh đăng ký, ông Tiến cho biết, về loại sữa trong chương trình là loại sữa riêng, khác với sữa đang bán trên thị trường, do Sở GD-ĐT Hà Nội đặt hàng hãng sữa, có tên riêng là Sữa học đường.
“Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng có bổ sung thêm một số vi chất, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh như canxi, các vitamin A, D... chứ không như sữa thông thường. Chúng tôi đã tham vấn ý kiến Bộ Y tế về tiêu chuẩn, các yếu tố vi lượng bổ sung trong sữa” - ông Tiến nói.
“Hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật mà chúng tôi đã đưa ra. Quy trình sản xuất sữa phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế nên chỉ các hãng sữa lớn mới có khả năng trúng thầu.Sở GD-ĐT Hà Nội xin đảm bảo về chất lượng sữa và sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này” - ông Tiến khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa chốt nhà thầu nên chưa biết hãng sữa nào sẽ sản xuất sữa học đường.Theo Luật đấu thầu, thời gian chào thầu cung cấp sữa học đường là 20 ngày. Ngày 1/10 là ngày đóng thầu đề án sữa học đường của Hà Nội, nhưng đã tạm lùi đến ngày 10/10. Hiện có 11 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu.