Không biết từ bao giờ, nhiều phụ huynh không dám đi họp phụ huynh cho con trong những ngày đầu tháng 9 vì mặc định: “Có gì đâu mà họp, lại chuyện thu tiền mà thôi?”. Chị Huyền Thương, một phụ huynh có con học trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội kể lại: Tất cả các buổi họp phụ huynh đầu năm cho con chị từ lớp 1 đến lớp 5, nội dung gần như nhau. Sau khi cô giáo trao đổi sơ qua về tình hình trường, lớp (màn phụ) là đến màn chính, nội dung mà phụ huynh nào cũng chờ đợi và hồi hộp nhất: Những khoản phải đóng góp đầu năm.
Kịch bản ấy lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, từ trường này sang trường khác, không riêng gì trường Quang Trung. Sau buổi họp là hàng loạt các khoản được liệt kê với nhiều đầu mục hoa mắt: tiền học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền vệ sinh, bảng tên, thẻ, quỹ phụ huynh, tiền học phụ đạo Toán, Anh văn cho các con… Thậm chí có phụ huynh ở Hà Nội kêu ca, tổng các loại phí lên đến vài triệu, vậy mà một vị trong ban đại diện phụ huynh còn mạnh dạn đề xuất mỗi tháng trích quỹ lớp từ 300-500.000 đồng hỗ trợ cô giáo tiền… gọi điện thoại, mục đích để liên lạc với gia đình phụ huynh khi có việc cần (?!).
Mới đây nhất, tại trường tiểu học Đô thị Việt Hưng, Hà Nội, nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh, con em họ vừa nhập học lớp 1 tại trường đã phải đóng vài triệu đồng, riêng khoản SGK và đồ dùng học tập đã “ngốn” hơn 700.000 đồng. Nhiều cha mẹ học sinh đã mua đủ đồ dùng và SGK cho con nhưng vẫn phải mua thêm vì cô giáo chủ nhiệm cứ phát rồi… thu tiền. Ngoài ra, cô giáo còn thu cả tiền kỹ năng sống, mũ, ghế nhựa và nhiều khoản khác… liệt kê bằng miệng. Các khoản này đã được giáo viên và phụ huynh trao đổi với nhau dù Hiệu trưởng trường tiểu học Đô thị Việt Hưng đính chính, nhà trường chưa ra văn bản nào về thu chi đầu năm.
Tại trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội), một trong những trường có đông học sinh lớp 1 nhất Thủ đô, học sinh lớp 1 phải học luân phiên 4 buổi/tuần vì quá tải. Chưa hết, lịch học trong tuần khiến nhiều phụ huynh ngơ ngác vì có những môn học… quá mới. Theo chị Lê Hải, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, theo quy định của nhà trường, môn tiếng Anh Bình Minh là môn tự chọn, phụ huynh nào thống nhất cho con theo học thì đăng ký và đóng tiền. “Thế nhưng nhà trường chưa hỏi ý kiến phụ huynh đã nghiễm nhiên đưa vào thời khóa biểu cho năm học chính. Băn khoăn quá, tôi hỏi lại Hiệu trưởng thì được biết, đó chỉ là thời khoá biểu dự kiến, mà ngày mai con đã đi học chính thức (?!) Giáo viên giải thích phụ huynh nào không cho con học thì giờ tiếng Anh đó sẽ lên thư viện đọc sách, mà lớp 1 làm sao biết tự đọc sách? Nhiều phụ huynh không đành lòng, đành phải đăng ký cho con học.
Môn học tiếng Anh Bình Minh đã “phổ cập” đến nhiều trường tiểu học ở Hà Nội như Tiểu học Dịch Vọng A, Nghĩa Tân… với danh nghĩa môn tự chọn. Hiện tượng một số trung tâm ngoại ngữ như Bình Minh “xâm nhập” vào các trường để liên kết dạy ngoại ngữ cho học sinh đang là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh… ngán ngẩm. Nhiều phụ huynh học sinh khẳng định, 1-2 trăm nghìn với họ không phải quá lớn nhưng cái họ cần là sự minh bạch thì lại chưa đạt được.
Cũng chuyện vào lớp 1, nhiều phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào lớp 1 trường tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng giật mình trước khoản đóng góp 8 triệu đồng/học sinh, từ tiền đồng phục, tiền sách giáo kho, tiền lớp chất lượng cao, bảng tính thông minh, tiền vệ sinh, tiền học tiếng Anh tăng cường, tiền sách tiếng Anh tăng cường…. Phụ huynh cũng phải đóng hàng loạt loại quỹ: Quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; Quỹ lớp 300.000 đồng; Quỹ học tập 150.000 đồng… Tổng số tiền mỗi học sinh lớp 1 phải đóng lên đến 18 mục, tổng gần 8.000.000 đồng. Khi vụ việc vỡ lở, nhà trường quanh co chối 18 mục chỉ là dự kiến, nhưng nhiều phụ huynh khẳng định đã nộp. Chị H., người có hai con học tại trường tiểu học Sơn Đồng cho biết, chị dự định viết đơn gửi lên cơ quan chức năng, tại sao lại bảo chưa thu? “Không lẽ tiền chúng tôi vứt hết xuống ao?”.
Lâu nay cứ nghĩ xã hội hóa giáo dục chỉ có ở nội thành, trung tâm thành phố-nơi được cho là có điều kiện tài chính tốt. Nay, ngay cả ở ngoại thành, nhiều học sinh gia đình nghèo cần được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập cũng bị lạm thu.
Một giáo viên ở tỉnh Phú Thọ chia sẻ thật lòng: “Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm nay. Nhưng thật sự tôi mệt mỏi với các khoản thu đầu năm, trên chỉ định phải thực hiện thu tiền, dưới phụ huynh nhăn nhó, chửi bới. Thật tâm tôi rất buồn, nhất là những khi đến lịch họp phụ huynh. Từ bao giờ, trong mắt phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm chỉ là những công cụ thu tiền cho nhà trường”.
Đứng ở góc độ phụ huynh, anh Phạm Huy Tùng- người từng tham gia ban đại diện của trường mầm non T.H. quận Ba Đình mấy năm trước ngán ngẩm: “Có một luật bất thành văn là ban đại diện phụ huynh gần như luôn phải đứng về phía cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. Khi trường có nhu cầu “khó nói” thì ban đại diện sẽ đứng ra hô hào, huy động phụ huynh học sinh hỗ trợ”. Sau hai năm tham gia, thấy công việc của mình như “cánh tay nối dài” của trường, anh Tùng quyết định xin rút lui vai trò làm ban đại diện.
Theo anh Tùng, chính tâm lý cả nể, đóng góp cho xong chuyện của các bậc phụ huynh vô hình chung đã tạo cơ hội cho nạn lạm thu có cơ hội hoành hành: “Nhiều khi Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình, cứ tặc lưỡi cho qua. “Quả bóng” trách nhiệm đã được nhà trường khéo léo đá sang cho hội phụ huynh học sinh.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, Sở không cấm các trường thực hiện xã hội hóa giáo dục (XHH) và trân trọng những đơn vị, cá nhân, các mạnh thường quân có tâm ủng hộ cho nhà trường. Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng cái khó chung để lạm thu, Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện XHH phải đúng quy trình, công khai minh bạch, chỉ nhằm phục vụ học sinh và những việc cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học. Nrưng rõ ràng, từ một chủ trương đúng, nhưng đây đó, xã hội hóa giáo dục đã bị bóp méo, hiểu sai lệch và lạm dụng, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình học sinh.
Trên lý thuyết, Điều lệ Ban đại diện của Bộ GD-ĐT quy định rõ: “UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện Điều lệ ban đại diện”. Song, nhiều năm đã qua, cơ chế giám sát, quản lý này gần như hoạt động không hiệu quả. Nhiều ban đại diện phụ huynh bị “biến tướng” cũng chẳng ai kiểm soát, ngăn chặn trừ trường hợp hiếm hoi phụ huynh học sinh “tức nước vỡ bờ”, dám đứng lên “chất vấn” nhà trường.
Những ngày đầu tháng 9 này, Sở GD-ĐT Hà Nội kịp hoàn thiện và cho triển khai hệ thống phần mềm sổ liên lạc điện tử miễn phí áp dụng tại các trường học, nhiều phụ huynh như “mở cờ trong bụng” vì thoát được một khoản lạm thu công khai. Lý do bởi đã từ lâu, tiền duy trì sổ liên lạc điện tử ở hầu khắp các trường ở Hà Nội bị thả nổi, mạnh trường nào trường ấy thu, thậm chí trong cùng một trường, các lớp lại đưa ra mức thu khác nhau phụ thuộc vào ban đại diện học sinh với các mức phí khác nhau từ 5.000 - 40.000 đồng/tháng/học sinh. Mức thu này bao gồm các khoản chia phần trăm cho công ty cung cấp dịch vụ, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, tài vụ và các nhân viên phục vụ khác, giáo viên chủ nhiệm.
Chị Bạch Tình – một phụ huynh có con trường học tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội phấn khởi: Dù chỉ là một khoản nhỏ nộp đầu năm nhưng khi có cơ quan chức năng vào cuộc, các khoản thu sẽ được minh bạch hơn, phụ huynh hài lòng hơn.
Tương tự, trong năm học mới này, Sở GD-ĐT TP HCM cũng “cứng rắn” quy định nội dung cuộc họp phụ huynh đầu năm để các trường tuân thủ. Tiến trình cuộc họp phụ huynh đầu năm học gồm 2 phần: Phần 1, thủ trưởng đơn vị họp trực tiếp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để thông tin tuyên truyền những nội dung trong tâm kế hoạch năm học của ngành giáo dục thành phố và kế hoạch năm học của nhà trường. Phần 2, giáo viên chủ nhiệm họp cha mẹ học sinh tại lớp học. Trước khi họp cha mẹ học sinh lớp, giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu kỹ những nội dung cuộc họp đã được nhà trường triển khai và trao đổi thống nhất chương trình, nội dụng với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Triển khai nội dung tài liệu tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến 100% cha mẹ học sinh có con em đang học tập tại lớp… Nội dung luận về các khoản thu đầu năm sẽ chỉ chiếm một phần thời gian nhỏ trong cuộc họp, không phải màn chính như lâu nay vẫn diễn ra.
Lạm thu trong trường học mỗi dịp đầu năm học mới là vấn đề không phải mới, dù năm nào cũng có đường dây nóng, các văn bản, quy định ban hành trước năm học... Nhưng, nhiều phụ huynh mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết hơn, dẹp lạm thu bằng những hành động cụ thể như những việc mà Sở GD-ĐT Hà Nội và TP HCM đang từng bước thực hiện.
Thiết kế: Thúy Hà