Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với cây khèn trên tay và niềm đam mê văn hóa truyền thống, Ly Mí Cường - chàng trai người Mông đến từ Hà Giang, đã và đang viết nên hành trình đầy cảm hứng khi mang tiếng khèn đặc trưng của dân tộc mình vượt qua biên giới, lan tỏa đến bạn bè trên thế giới.
Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế
Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 1

Sinh ra và lớn lên tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Ly Mí Cường lớn lên trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Mông. Những năm tháng tuổi thơ len lỏi giữa núi rừng, theo bố đến gặp các nghệ nhân sáo đã dệt nên trong Cường một giấc mơ cháy bỏng. Tình yêu với âm nhạc dân tộc, với tiếng sáo, tiếng khèn dần lớn lên trong tâm hồn cậu bé Mông tự lúc nào không hay. Đam mê ấy ngày càng mạnh mẽ, thôi thúc Cường bước ra khỏi vùng cao nguyên đá để tìm một bầu trời rộng lớn hơn.

Những lời động viên từ gia đình như ngọn lửa thắp sáng quyết tâm của Cường. Ở tuổi 15, lần đầu tiên cậu rời xa bản làng, một mình khăn gói xuống Hà Nội luyện thi vào nhạc viện. Thời gian đầu khó khăn, chàng trai trẻ vừa phải làm quen với nhịp sống mới, vừa nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ. Ngày cầm giấy báo trúng tuyển, Ly Mí Cường như được chắp thêm đôi cánh tiến gần hơn đến ước mơ âm nhạc.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 2

“Mình tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp muộn hơn các bạn nên mới đầu mình còn không biết tên nốt. Vừa học văn hóa, vừa học nhạc, mình phải dành gấp đôi thời gian để bắt kịp bạn bè đồng trang lứa. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, mình dần vượt qua những trở ngại và tích luỹ được nhiều kiến thức nhạc lý hơn”, Ly Mí Cường nhớ lại những ngày đầu gian nan. Dần dần, niềm đam mê luôn rực cháy đã giúp Cường tự tin đưa tiếng sáo, tiếng khèn của mình đến với những sân khấu lớn nhỏ, mang theo đó cả hồn cốt và tình yêu sâu đậm dành cho quê hương.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 3

Dù đứng trên sân khấu biểu diễn hay tham gia các cuộc thi, Cường luôn mang theo cây khèn, cây sáo Mông cùng niềm tự hào văn hóa dân tộc. Không dừng lại ở việc duy trì nét đẹp văn hóa của quê hương, Cường còn mơ ước đưa tiếng khèn đến gần hơn với thế giới.

Hai cuộc thi quốc tế tại Singapore và Trung Quốc đã trở thành những dấu ấn khó quên trong hành trình âm nhạc của Ly Mí Cường. Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ và ngay cả bản thân Cường cũng không đặt kỳ vọng quá cao. “Khi nhìn các bạn quốc tế biểu diễn, thực sự mình rất lo lắng. Họ chơi nhạc từ nhỏ, kỹ thuật và phong cách biểu diễn đều hoàn hảo. Cảm giác đầu tiên của mình là sợ, sợ bài của mình kém hơn, sợ không thuyết phục được ban giám khảo”, Cường chia sẻ. Dẫu vậy, mỗi khi tinh thần xuống dốc, cậu lại gọi cho bố - người luôn an ủi và động viên không ngừng.

Khoảnh khắc được xướng tên ở vị trí đầu bảng là một cảm xúc mà Cường không thể nào quên. Cường vẫn bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc đạt giải: “Diễn xong mình không dám quay lại vì nghĩ rằng mình đã không có cơ hội. Nhưng khi được xướng tên, đó là cảm giác sốc và khó tin nhất, bởi ban đầu mình chỉ nghĩ đi thi để trải nghiệm”.

Tiếp đó, Ly Mí Cường đã chinh phục giải nhất bảng nhạc cụ dân tộc tại cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Trung Quốc với tiết mục “Tiếng rừng”. Tại đây, lần đầu tiên một nhạc cụ dân tộc như sáo Mông xuất hiện trong cuộc thi, gây ấn tượng mạnh và khơi dậy sự tò mò của bạn bè quốc tế. Đằng sau những thành tích ấy là vô vàn thử thách, từ chi phí tham gia các cuộc thi đến nỗi nhớ nhà khi xa gia đình. “Mình đi thi với mong muốn giới thiệu nhạc cụ dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế, để họ nghe được âm thanh của quê hương mình. Dù khó khăn, mình nghĩ đó là những bước đệm quan trọng trong sự nghiệp”, Cường bộc bạch.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 4

Qua mỗi cuộc thi, Cường không chỉ học hỏi được từ phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ nước ngoài mà còn tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Điều mà Cường trân quý nhất là cơ hội lan tỏa âm nhạc dân tộc, mang tiếng khèn, tiếng sáo Mông vươn xa, góp phần khắc sâu dấu ấn văn hóa Việt Nam trong lòng khán giả quốc tế.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 5

Cường cũng nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ khi biểu diễn trong concert của Đen Vâu – một cơ hội bất ngờ do thầy giáo của cậu kết nối. Khi nhận được lời mời từ giám đốc âm nhạc “Show của Đen”, Cường không khỏi băn khoăn vì cây khèn Mông vốn là biểu tượng văn hóa dân tộc, dường như khó có thể hòa hợp với chất rap hiện đại. Tuy nhiên, khoảnh khắc chiếc khèn Mông cất lên trong bài “Một triệu like” và “Đi theo bóng mặt trời” trước hàng chục nghìn khán giả, mọi hoài nghi đã tan biến.

Cường nhớ lại: “Ban đầu mình khá run và choáng ngợp khi diễn trước hàng chục nghìn khán giả. Nhưng sự động viên từ anh Đen giúp mình tự tin hơn và thực sự hạnh phúc khi được mang tiếng khèn, tiếng sáo của người Mông đến với một sân khấu lớn như vậy”. Hai lần xuất hiện tại concert của ca sĩ Đen Vâu không chỉ là cơ hội để Cường khám phá những cách biểu đạt mới, mà còn là trải nghiệm để khẳng định âm nhạc dân tộc có thể hòa quyện với các thể loại hiện đại.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 6

Ly Mí Cường vẫn đang từng bước khẳng định mình trong vai trò người kết nối âm nhạc dân tộc với khán giả đương đại. Với tinh thần đó, Cường đã gửi gắm vào sáng tác mới nhất - “Núi Đêm” một câu chuyện đầy cảm xúc về nguồn cội và sự giao thoa văn hóa qua góc nhìn của một nghệ sĩ trẻ Mông. Được Cường ấp ủ từ năm 2022, tác phẩm là kết quả của hành trình dài từ những ký ức bên bà nội ở quê nhà trong thời gian dịch bệnh, đến chuyến đi Tà Xùa đầy cảm hứng vào đầu năm 2023.

Với âm hưởng hiện đại hòa quyện cùng tiếng sáo Mông truyền thống, “Núi Đêm” không chỉ tái hiện khung cảnh núi rừng hoang vu mà còn chứa đựng câu chuyện sâu sắc về sự chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ. Cường tâm sự: “Tác phẩm này không chỉ là cách mình soi chiếu quá khứ mà còn để hình dung tương lai. Dù chưa thể hoàn hảo nhưng đó là dấu mốc đầu tiên khẳng định con đường sáng tạo của mình với thông điệp: Đừng quên mình đến từ đâu và nơi mình sẽ trở về”. Đây là tác phẩm mà Cường hy vọng sẽ kết nối người trẻ với di sản dân tộc, truyền cảm hứng để họ trân trọng và tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 7

Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa truyền thống đang dần bị mai một bởi sự lấn át của các xu hướng âm nhạc thị trường, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một thách thức lớn. Ly Mí Cường cũng chia sẻ rằng, thực chất âm nhạc truyền thống không hề mất đi, nó chỉ bị “che khuất” bởi những ảnh hưởng bên ngoài. Khi người trẻ khai thác và giới thiệu lại, khán giả lại coi đó là mới, dù thực ra đó là những giá trị luôn hiện diện xung quanh nhưng chưa được chú ý tới nhiều.

Để gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc, Cường cho rằng điều cốt lõi là truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ: “Không thể ép buộc ai yêu thích nghệ thuật, nhưng có thể khơi dậy tình yêu ấy thông qua những hoạt động gần gũi như kết hợp nhạc truyền thống với nhạc trẻ, tổ chức workshop, talkshow về giá trị bản địa, hoặc sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật mang tính đương đại để kết nối các thế hệ”.

Nhờ những nỗ lực lan tỏa của các nghệ sĩ đam mê văn hóa dân gian, giới trẻ sẽ dần khám phá và yêu mến nghệ thuật truyền thống, biến nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống hiện đại. “Dựa trên tinh thần đó, chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn có thể tạo ra một nền văn hóa mới, vừa kế thừa, vừa phát triển”, Cường khẳng định.

Trong tương lai, Ly Mí Cường tiếp tục hành trình gắn kết âm nhạc truyền thống với thế hệ trẻ thông qua dự án đầy ý nghĩa mang tên “Nốt Si”. Đây là một dự án giáo dục âm nhạc dành cho các em nhỏ tại Hà Giang. Mục tiêu của dự án không chỉ dạy nhạc, mà còn khơi gợi đam mê nghệ thuật từ chính sự tự nguyện, để các em yêu thích nghệ thuật truyền thống một cách tự nhiên và bền lâu. Dự án còn hướng đến việc thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn thu bán sáo và chữ ký của các nghệ sĩ, nhằm mở lớp dạy sáo chuyên nghiệp và tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên nhạc viện tới các bạn trẻ vùng cao.

Chàng nghệ sĩ trẻ mang thanh âm miền núi đến với bạn bè quốc tế ảnh 8

Bên cạnh đó, Cường cũng ấp ủ mong muốn kết hợp với cộng đồng người H’Mông trong các sản phẩm âm nhạc mới, đưa các loại hình văn hóa như hát dân ca, đàn môi, sáo và các nhạc cụ truyền thống khác vào âm nhạc của mình. Cường cho rằng, chính những chất liệu văn hóa đặc trưng này là điểm mạnh giúp cậu tạo nên bản sắc riêng, đồng thời truyền cảm hứng cho khán giả trẻ về giá trị di sản. Với Ly Mí Cường, âm nhạc không chỉ là công cụ để thể hiện bản thân mà còn là sứ mệnh để gìn giữ và lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thị Oanh tiếp tục phá kỷ lục tại Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025
Nguyễn Thị Oanh tiếp tục phá kỷ lục tại Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025
(Ngày Nay) - Ngày 1/1, tại hồ Hoàn Kiếm và hồ Thiền Quang đã diễn ra Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025. Giải chạy năm nay tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng của kỷ lục gia Nguyễn Thị Oanh. Với thông số 1 giờ 13 phút 22 giây, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỷ lục mới, bỏ xa kỷ lục cũ của cô tới gần 2 phút.
Du khách quốc tế tới Brazil năm 2024 đạt kỷ lục
Du khách quốc tế tới Brazil năm 2024 đạt kỷ lục
(Ngày Nay) - Ngày 2/1, Bộ trưởng Du lịch Brazil, Celso Sabino, cho biết nước này đã đón hơn 6,6 triệu du khách quốc tế trong năm 2024, đạt mức kỷ lục trong lịch sử, với tổng doanh thu 6,62 tỷ USD.
Bóng cười - quả bóng bơm khí N2O đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Cấm thuốc lá điện tử, bóng cười từ hôm nay
(Ngày Nay) - Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười... Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thuốc lá điện tử, bóng cười đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Châu Âu đối mặt với hàng loạt thách thức lớn trong năm 2025
Châu Âu đối mặt với hàng loạt thách thức lớn trong năm 2025
(Ngày Nay) - Những thách thức chưa từng có và sự chia rẽ trong nội bộ EU đang đặt khối này trước ngã rẽ quan trọng vào năm 2025, khi phải đối mặt với các vấn đề từ kinh tế trì trệ, chính trị bất ổn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Nga áp dụng thuế du lịch mới
Nga áp dụng thuế du lịch mới
(Ngày Nay) - Từ ngày 1/1, một loại thuế du lịch mới đã có hiệu lực trên khắp nước Nga, thay thế cho phí nghỉ dưỡng trước đây. Quy định mới đánh dấu sự khởi đầu của một kế hoạch theo từng giai đoạn nhằm củng cố cơ sở hạ tầng du lịch khu vực.