Theo một tuyên bố của Hạm đội số 6 của Hải quân Mỹ, tàu Donald Cook tới Biển Đen để “thực hiện các hoạt động an ninh trên biển và đảm bảo sự ổn định trong khu vực”, đồng thời củng cố “khả năng chiến đấu trên biển” của các đồng minh NATO và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Tàu chiến USS Donald Cook của Hải quân Mỹ. |
“Hoa Kỳ và Hải quân Mỹ vẫn luôn sát cánh với các đồng minh và đối tác vì lợi ích khu vực và sự ổn định trên biển”, Trung tá Matthew J. Powel, sĩ quan chỉ huy tàu Donald Cook cho biết. “Sự hiện diện của chúng tôi tại Biển Đen sẽ chứng minh khả năng hoạt động phối hợp của Hải quân Hoa Kỳ nhằm đảm bảo an ninh khu vực”.
Hoạt động này diễn ra chỉ chưa đầy hai tuần sau khi tàu đổ bộ USS Fort McHenry được triển khai đến Biển Đen và thủy thủ đoàn của tàu đã có hoạt động diễn tập với thủy thủ Hải quân Romania. Khi đó, Hải quân Mỹ nói rằng hoạt động của họ trên Biển Đen là hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế.
Sau khi tàu chiến Mỹ xuất hiện, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã triển khai một tàu tuần dương để theo dõi hoạt động của các tàu Mỹ trên Biển Đen. Ngoài ra, bộ này cũng sẽ sử dụng “các thiết bị điện tử và phương pháp kỹ thuật” để giám sát tình hình. Theo luật pháp quốc tế, tàu Mỹ không được phép ở lại Biển Đen quá 21 ngày.
Trong năm 2018 vừa qua, đã có 6 tàu quân sự Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đen. Chúng bao gồm các tàu chiến mang tên lửa định hướng, USS Ross, USS Carney và USS Porter cũng như tàu chỉ huy USS Mount Whitney, tàu đổ bộ USS Oak Hill và tàu vận tải USNS Carson City.
Tình hình Biển Đen hiện vẫn còn rất căng thẳng sau khi ba tàu quân sự của Ukraine đã tiến vào eo biển Kerch nằm giữa bán đảo Crimea và lãnh thổ nước Nga vào ngày 25/11. Hành động này đã dẫn đến một cuộc truy đuổi kéo dài và buộc lực lượng tuần duyên Nga phải dùng vũ lực để ngăn chặn các tàu Ukraine.
Mặc dù vụ việc xảy ra mà không có thiệt hại về người, song Mỹ đã nhanh chóng gọi đây là một “hành động gây hấn” của Nga và dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.