Tết nhân văn, Tết sẻ chia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ý nghĩa ngàn đời

Trong những ngày Tết Nguyên đán, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi mới và thờ cúng tổ tiên. Tết rất linh thiêng và được mong đợi nhất.

Phong tục của ngày Tết được chia làm ba khung thời gian - Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khung thời gian ứng với những hoạt động: tống cựu nghinh tân; đưa ông Táo về trời (vào ngày 23 tháng Chạp); gói bánh chưng, bánh tét; chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…); bày mâm ngũ quả; thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; cúng giao thừa; xông đất; chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; xuất hành đầu năm; đi lễ chùa đầu năm; hái lộc đầu Xuân…

Trong dịp Tết ở nhiều địa phương còn có các hoạt động vui Xuân sôi nổi như hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa, các trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ…

Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là vốn văn hóa quý giá do ông cha ta gây dựng, bởi nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, có những điều đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng.

Tết Nguyên đán là lễ hội đặc biệt trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên-Địa-Nhân. Tết Nguyên đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, mối quan hệ với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, mối quan hệ với tổ tiên, thần linh.

Tết cổ truyền có ý nghĩa nhân văn từ ngàn đời vì đó là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Hằng năm, mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu thì những người con đất Việt đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ họ, ngôi mộ ông bà... để sống lại với những kỷ niệm của tuổi thơ. "Về quê ăn Tết" không phải là một khái niệm của sự trở về thông thường mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn.

Tết Nguyên đán mang đậm tính nhân văn còn vì đó là ngày tạ ơn của người Việt - con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên.

Ý nghĩa sâu sắc của Tết cổ truyền cần được giữ gìn và phát huy trong thời đại ngày nay.

Xuân nhân ái, Tết sẻ chia

Những ngày sát Tết Quý Mão 2023 là dịp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm triển khai đồng loạt những việc làm thiết thực, hiệu quả thông qua việc thăm hỏi, tặng quà đối với các gia đình chính sách và người nghèo, các đối tượng yếu thế. Việc làm này đậm chất nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… của dân tộc Việt Nam.

Từ tháng 11/2022 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 19-CT/TW về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Ban Bí thư đặt ra nhiệm vụ trước cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm để mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Chỉ thị yêu cầu phải quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là người bị mất việc làm. Phải tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, trên cơ sở thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch kiệm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã ký ban hành Kế hoạch số 668/KH-MTTW-BTT về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo kế hoạch, quà tặng người nghèo, người cận nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bố trí từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương; quà tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2022 và những nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn…) do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuẩn bị; quà tặng công nhân, người lao động có hoàn khó khăn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị. Tổng kinh phí được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương là gần 18,3 tỷ đồng cho quà Tết.

Từ nội dung Kế hoạch, Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng, các tổ chức thành viên vận động, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho người nghèo để mọi người, mọi nhà đều có Tết, đặc biệt quan tâm các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các hộ nghèo là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực khó khăn.

Tại Thủ đô, ngày 6/1/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia” trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Tại đây gần 3.000 suất quà Tết với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng đã được trao tặng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Với truyền thống “Tương thân, tương ái”, mong muốn mang đến mùa Xuân ấm áp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội dành hơn 554 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 1 triệu người đang hưởng chính sách người có công, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Ở phương Nam, với tinh thần không để hộ dân nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch tặng quà từ sớm trong sự phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội. Đối tượng được tặng quà tết là các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, công nhân, người lao động và các gia đình khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; thăm, tặng quà các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc và thăm các cơ sở từ thiện, nhân đạo.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thành viên đã chuẩn bị gần 40.000 suất quà từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì Tuyến đầu Tổ quốc”, Quỹ Cứu trợ của thành phố và khoảng 20.500 phần quà có được từ hoạt động vận động các đơn vị, doanh nghiệp. Tổng kinh phí là hơn 46,5 tỷ đồng.

Tại Hà Giang, tỉnh địa đầu của Tổ quốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mèo Vạc đang gấp gáp thực hiện chương trình hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo để “ai cũng có Tết”. Mèo Vạc là huyện vùng cao phía cực Bắc, nằm trong quần thể cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang. Dân số của huyện là hơn 71.000 người, gồm 16 dân tộc, trong đó người Mông chiếm chủ yếu (78%). Theo kết quả điều tra vào cuối năm 2022, huyện có hơn 10.000 hộ nghèo.

Mèo Vạc đã phát động phong trào “Tết Nhân ái Xuân Quý Mão 2023”, tổ chức các buổi gặp mặt “Mèo Vạc và những người bạn”, thăm, tặng quà Tết cho các đối tượng hộ nghèo, yếu thế. Các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh góp sức chăm lo hỗ trợ thêm các phần quà, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

Còn ở mảnh đất tận cùng của đất nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đang phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt quan tâm các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, người nghèo, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết.

Tỉnh Cà Mau có kế hoạch dành hơn 40 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo cho nhiều đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ở trung tâm “khúc ruột miền Trung”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đang thực hiện Chương trình “Xuân yêu thương - Quý Mão năm 2023” dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, hộ đang hưởng chính sách người có công, người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, do ảnh hưởng của thiên tai. Kinh phí được lấy từ nguồn vận động Quỹ “Vì người nghèo”, quỹ cứu trợ các cấp…

Về phần mình, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai các hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” 2023, bắt đầu từ ngày 1/1 đến ngày 16/1/2023 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 25/12 âm lịch).

Đã có 50 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các cấp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện vận động các nguồn lực, phấn đấu đạt chỉ tiêu một triệu suất quà tết. Nhiều địa phương đã tổ chức phát động Phong trào “Tết Nhân ái”, trong đó có Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nam, Lạng Sơn…

Trung ương Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Kiên Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thanh Hóa) tổ chức thí điểm Chương trình “Tết Nhân ái” gồm chuỗi các hoạt động Tặng quà - Hội chợ - vui Tết, phục vụ 15.000 người hưởng lợi.

Chương trình năm nay thu hút sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân với đa dạng hình thức hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ, người có công giúp công, có của giúp của, người có mối quan hệ thì kết nối, chung tay góp sức để mang đến nhiều phần quà thiết thực nhằm trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết trong sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng.

Phong trào “Tết Nhân ái” được kế thừa từ Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999 nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, nhân ái.

Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.