Thủ đô vươn mình từ thách thức
Thưa TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, là người tham gia vào quá trình lập đồ án quy hoạch Hà Nội trong nhiều giai đoạn, ông có thể chia sẻ thành tựu và những mặt hạn chế trong quy hoạch Thủ đô thời điểm hiện tại?
- Trước tiên, cần khẳng định từ một thành phố bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, hơn 7 thập kỷ qua, Hà Nội từng bước vươn mình, hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thủ đô hiện đại với vị thế xứng tầm khu vực và thế giới.
Đạt được thành tựu nói trên, không thể không nhắc đến lộ trình thành công của công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa với công cụ quản lý là những đồ án quy hoạch tạo ra động lực phát triển kinh tế rực rỡ, diện mạo đô thị mới cho Thủ đô, qua đó các công trình kiến trúc hiện đại mọc lên với đổi mới căn bản và toàn diện về hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh những thành tựu, cần nhận định trong quá trình quy hoạch, phát triển và quản lý, Hà Nội cũng còn tồn tại những hạn chế, thách thức. Trong đó có thể kể đến việc thành phố chưa quản lý tốt gia tăng quy mô dân số dẫn đến việc cơ sở hạ tầng phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại; diện mạo đô thị có nhiều đổi mới nhưng do chưa xác định vùng trọng tâm, dẫn đến nhiều khu vực còn phân tán; Hà Nội nói riêng và Đồng bằng sông Hồng nói chung vẫn chưa tạo lập được đặc thù trong kiến trúc; còn gặp khó trong việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dù sở hữu kho tàng văn hóa dồi dào…
Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
- Ví dụ, thách thức lớn nhất của việc quy hoạch Thủ đô là hiện tại Hà Nội vẫn chưa có cơ chế riêng để giải quyết vấn đề gia tăng dân số dù từ lâu tình trạng này đã vượt quá mức quy hoạch đề ra.
Theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô dân số đến năm 2020 vào khoảng 7,3 - 7,9 triệu người. Nhưng thực tế đến thời điểm đó, quy mô dân số đã đạt 8,24 triệu người dù tỉ lệ sinh của Hà Nội có chiều hướng giảm, tỉ lệ phá thai ở mức cao. Sự gia tăng dân số này nói lên nhiều điều, trong đó có vấn đề mối quan hệ giữa các vùng, đặc biệt, thực trạng Vùng Thủ đô chưa được quản lý chặt chẽ khiến hiện tượng di cư tự do từ các tỉnh lân cận về Hà Nội chưa thể kiểm soát.
Hay như trong khu vực nội đô lịch sử, từ năm 1992 Hà Nội đã có đề xuất giữ dân số ở mức 80 vạn người. Tuy nhiên dù có nhiều dự án, công trình giãn dân được thực hiện, quy mô dân số chẳng những không giảm mà ngày càng tăng lên, khu vực nội đô lịch sử hiện có khoảng 1,4 triệu dân...
Cần nhiều lời giải cho bài toán tương lai
Ông nhắc đến mối quan hệ giữa các vùng và tình trạng di cư tự do về Thủ đô gợi mở rất nhiều đến mô hình chùm đô thị mà Hà Nội đã theo đuổi. Sau 10 năm, mô hình này như thế nào?
- Theo định hướng quy hoạch chung từ năm 2011, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô. Mô hình chùm đô thị là mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, thực hiện đã cho thấy những điển hình thành công ở châu Âu và Nhật Bản. Riêng đối với Hà Nội, ngoài việc sử dụng kinh nghiệm quốc tế, mô hình chùm đô thị của chúng ta còn cho thấy những sáng tạo riêng khi mỗi đô thị vệ tinh của Thủ đô đều có tính độc lập tương đối, có chức năng riêng.
Cụ thể, đô thị Hòa Lạc được định hướng là trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ; Phú Xuyên là đô thị của công nghiệp, dịch vụ, đầu mối giao thông; Sóc Sơn có chức năng của trung tâm dịch vụ cảng hàng không, nghỉ dưỡng; Xuân Mai phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; Sơn Tây là đô thị lịch sử, văn hóa…
Các đô thị được bố trí đồng đều trong yêu cầu cấu trúc về đô thị, có quỹ đất lớn, tầm nhìn thuận lợi cho việc di dời các cơ sở công nghiệp, cơ quan y tế, trường học không còn thích hợp ra khỏi khu vực nội đô, tháo gỡ nút thắt về áp lực dân số, giao thông cho đô thị trung tâm Hà Nội. Nếu có chính sách tốt, mô hình chùm đô thị từng mang lại kỳ vọng rất lớn về sự bứt phá trong lĩnh vực sản xuất và khởi nghiệp. Dù vậy, như đã thấy, sau hơn một thập kỷ thực hiện, mô hình chùm đô thị không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tại sao mô hình chùm đô thị không đạt được như kỳ vọng trong quy hoạch mà Thủ đô từng đề ra, thưa ông?
- Mô hình chùm đô thị không đạt được kỳ vọng đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nổi bật là sự gia tăng dân số, hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị vệ tinh chưa đáp ứng và thu hút cư dân, đặc biệt, mối liên kết giữa các đô thị và hệ thống mạng lưới giao thông không đạt như yêu cầu.
Phân tích riêng khía cạnh giao thông, theo quy hoạch đề ra, cần dành 20 - 26% diện tích tự nhiên cho phát triển giao thông nhưng đến nay Hà Nội mới đạt hơn 10%. Đối với những đô thị có quy mô từ 1 triệu dân trở lên, kinh nghiệm thế giới cho thấy phải áp dụng giao thông công cộng, đưa loại hình này lên vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, ngoài hệ thống xe bus, Hà Nội từng có kế hoạch xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng cho đến nay mới hoàn thiện một tuyến là Hà Đông - Cát Linh.
Việc phát triển các loại hình phương tiện như BRT, bus điện, đường thủy công cộng cũng không đạt hiệu quả do thiếu nguồn lực, vốn đầu tư, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật tuy phát triển nhưng chưa đồng bộ với gia tăng dân số, cơ cấu phương tiện giao thông công cộng không phát triển như mong muốn khi các nước đã đạt đến 60 - 70% trong khi quy mô giao thông công cộng của chúng ta hiện nay chưa đạt 30%, đang phấn đấu đạt 40%. Những điều trên vô hình trung dẫn đến tình trạng áp lực giao thông ngày càng gia tăng.
Cơ chế đặc thù cho phát triển
Vừa qua, UBND TP Hà Nội có tờ trình gửi HĐND thành phố về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045. Điểm đáng chú ý là việc Hà Nội quy hoạch thêm 2 thành phố phía Bắc và phía Tây nằm trong Thủ đô. Với tầm nhìn từ những quy hoạch trong quá khứ, theo ông, đâu là thách thức đối với đồ án lần này?
- Thách thức đầu tiên đặt ra là cần cơ chế để kết nối vùng. Hiện nay bên cạnh việc nghiên cứu quy hoạch, đang có một yêu cầu rất cấp thiết là sửa đổi Luật Thủ đô, bởi bất cứ định hướng nào cũng cần có nguồn lực và chính sách đặc thù. Thách thức tiếp theo là cần phải có những điều chỉnh trong tình hình mới. Mô hình chùm đô thị thể hiện rõ là mô hình có nhiều ưu điểm, nhưng thực hiện chưa được như mong muốn, sắp tới Hà Nội cần có nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.
Những điều chỉnh này có thể nằm ở việc điều chỉnh quy hoạch các đô thị vệ tinh, không cần nhiều đô thị như trước. Trước kia, Hà Nội đặt ra mục tiêu trước năm 2025 có 5 huyện lên quận, sau 2025 thêm 2 huyện lên quận. Hiện nay, ngoài việc lên quận, quy hoạch mới đưa ra mô hình “thành phố trong thành phố”. Theo thể chế nhà nước, không có mô hình thành phố trực thuộc thành phố trung ương, chỉ có mô hình thành phố trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên năm 2016, Quốc hội từng cho thực hiện mô hình thành phố trực thuộc thành phố trung ương. Với việc thể chế hóa, TP Hồ Chí Minh đã trở thành phố trung ương đầu tiên có thành phố trực thuộc là Thủ Đức. Nhưng ba năm vừa qua, Thủ Đức cho thấy một số vấn đề. Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy cả thành phố có 44 cơ chế đặc thù thì riêng Thủ Đức có 8 cơ chế.
Một khi áp dụng mô hình thành phố trong thành phố cho Hà Nội, dù đã thể chế hóa nhưng vẫn cần phải xác định các cơ chế đặc thù. Hai thành phố Hà Nội đề xuất là thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng bao gồm các huyện Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn có diện tích lên tới 633km2 với rất nhiều khu vực nông thôn, rừng núi; và thành phố phía tây Hà Nội gồm Hòa Lạc - Xuân Mai với diện tích 251km2 là thành phố gắn với giáo dục công nghệ, ngoài cơ sở hạ tầng dành cho cư dân còn cần cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giáo dục, khoa học; đó là những thách thức trong thực tế của hai thành phố này.
Như vậy, thành phố Hà Nội và hai thành phố phía Bắc và phía Tây đều có đặc thù cho nên cần những cơ chế đặc thù để phát triển. Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý nhưng để phát triển mô hình này vẫn cần những nghiên cứu, đánh giá lại quy mô ranh giới.
Theo ông, giữa hai thành phố phía bắc và phía Tây Hà Nội, thành phố nào cho thấy tiềm năng phát triển rõ rệt? Từ kinh nghiệm và triển vọng, Thủ đô cần đặc biệt quan tâm đến khía cạnh nào để đồ án này phát huy được hiệu quả tối đa?
- Giữa hai thành phố, cụm Hòa Lạc - Xuân Mai cho thấy triển vọng phát triển nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, ký túc xá cho học sinh, sinh viên, cần tạo ra các các khu đô thị hiện đại để đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Cần nhìn nhận dân cư tại đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho giáo dục, khoa học, cần có chính sách ưu đãi với đối tượng này.
Như phân tích ở trên, đặc thù cho thấy thách thức của hai thành phố. Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn là thách thức phát triển Hà Nội và các vùng, ở đây nếu chỉ nói đến Vùng Thủ đô là chưa đầy đủ còn phải tính đến cả Đồng bằng Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội phải là trung tâm phát triển, là đầu mối phát triển của vùng. Trong mối quan hệ liên vùng, Hà Nội cần có vai trò chủ động hơn.
Từ kinh nghiệm và triển vọng cho thấy cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với Hà Nội, bởi chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép, trong giai đoạn tới Hà Nội vừa lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 triển khai trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch 2017 và Luật có liên quan; lại vừa điều chỉnh theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; vừa sửa đổi Luật Thủ đô; tức là thực hiện cả ba nhiệm vụ quan trọng trong cùng một thời gian. Như vậy, việc chỉ đạo, liên kết, kết nối giữa các cơ quan là vấn đề quan trọng và thách thức, trong khi thời hạn hoàn thành đang đến gần.
Cuối cùng, cần huy động sức dân, để người dân thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đô thị vì đô thị là của dân, do dân và vì dân; ứng dụng khoa học công công nghệ; trọng dụng, phát huy vai trò của người tài khi có đến 70% trí thức tập trung ở Thủ đô; cần tạo ra cơ chế công bằng trong tư vấn, giám định và phản biện xã hội, chú trọng triển lãm đồ án, triển lãm các quy hoạch nhằm đón nhận ý kiến từ nhân dân.
Xin cảm ơn ông!