Nhóm nghiên cứu ở Leuven, Bỉ, có thể dự đoán trước tương lai của hệ Mặt Trời dựa vào ngôi sao láng giềng cách Trái Đất 208 năm ánh sáng với hành tinh đang chết dần quay quanh, theo International Business Times.
Trong phát hiện công bố hôm qua trên tạp chí Astronomy and Astrophysics, các nhà thiên văn sử dụng kính viễn vọng vô tuyến ALMA đường kính 16 km, kết hợp từ 66 ăng-ten vô tuyến riêng lẻ, để quan sát ngôi sao L2 Puppis. Cách đây 5 tỷ năm, ngôi sao này rất giống Mặt Trời ngày nay. Tuy nhiên, hiện tại nó là một ngôi sao đỏ khổng lồ sắp chết ở giai đoạn cuối cùng của vòng tiến hóa sao.
"Sau 5 tỷ năm nữa, Mặt Trời sẽ phát triển thành một ngôi sao đỏ khổng lồ, lớn hơn 100 lần so với kích thước hiện nay. Nó cũng sẽ trải qua sự mất mát khối lượng cực lớn dưới ảnh hưởng của gió sao. Kết quả cuối cùng của quá trình tiến hóa sau 7 tỷ năm nữa là một ngôi sao lùn trắng nhỏ bé có kích thước bằng Trái Đất nhưng nặng hơn rất nhiều", giáo sư Leen Decin ở Viện Thiên văn học KU Leuven, cho biết.
Theo Ward Homan, nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành Vật lý thiên văn, L2 Puppis có độ tuổi khoảng 10 tỷ năm. "5 tỷ năm trước, ngôi sao là phiên bản song sinh gần như hoàn hảo của Mặt Trời ngày nay với cùng khối lượng. 1/3 khối lượng này mất đi trong suốt quá trình tiến hóa của ngôi sao. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Mặt Trời trong tương lai xa", Homan nói.
Dù sự biến đổi của Mặt Trời làm thay đổi toàn bộ hệ, các nhà khoa học chưa chắc chắn về số phận của Trái Đất. "Chúng tôi biết Mặt Trời sẽ trở nên ngày càng lớn hơn và sáng hơn, vì thế nó có thể sẽ hủy diệt mọi dạng sống trên hành tinh của chúng ta. Nhưng vẫn có khả năng lõi đá của Trái Đất sống sót qua giai đoạn sao đỏ khổng lồ và tiếp tục quay quanh sao lùn trắng", giáo sư Decin chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện một vật thể xoay quanh, cách L2 Puppis 300 triệu km, gấp hai lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nhiều khả năng hành tinh này sẽ giúp báo trước tương lai của Trái Đất. Nghiên cứu sâu hơn về L2 Puppis và hành tinh xoay quanh nó sẽ làm sáng tỏ bước tiến hóa cuối cùng của Mặt Trời và các hành tinh trong hệ.
Theo Vnexpress