Tháo gỡ "nút thắt" cho tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu trọng tâm và xuyên suốt trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu, từ Thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế.

Đây là thông tin được ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa ra tại “Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 12/10, tại Hà Nội.

Hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vương Quốc Thắng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Trong khi đó, trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hàng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa đã được khai thác gần hết tiềm năng và dư địa. Đây cũng là một trong những thách thức với an ninh năng lượng của chúng ta.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với một số thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu hụt và dễ tổn thương từ các tác động bất lợi từ bên ngoài.

Ông Vương Quốc Thắng nhấn mạnh việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện.

“Nếu chúng ta trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động đến an ninh năng lượng quốc gia,” ông Thắng nói.

Hiện nay, thế giới đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá, và khí tự nhiên. Những nguồn năng lượng này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến ô nhiễm nước và đất, mà còn đang dần cạn kiệt, đặt ra một mối đe dọa cho cung cấp năng lượng ổn định trong tương lai.

Theo ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.

Đáng chú ý, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020 và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.

“Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp,” ông Hoàng Việt Dũng cho hay.

Đánh giá của ngành điện cũng cho thấy, hiện còn nhiều doanh nghiệp do ý thức về tiết kiệm điện, hoặc khó khăn về nguồn vốn để thay đổi công nghệ mới… nên việc sử dụng điện vẫn còn nhiều bất cập, lãng phí.

“Trên địa bàn miền Bắc có nhiều phụ tải tiêu thụ điện lớn như: sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện quặng…. nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng và chưa thân thiện với môi trường,” ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nói.

Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Trong Chương trình Quốc gia về sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả đã đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc (giai đoạn 2019-2025) và 8-10% giai đoạn 2025-2030.

Để đạt được mục tiêu này, ông Hoàng Việt Dũng nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiết kiệm năng lượng, trong đó, giai đoạn đến năm 2025 phấn đấu giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%, cùng đó 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng…

Đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu. Tiến sỹ Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu kinh nghiệm, trong quá trình chuyển đổi này, công nghệ đóng một vai trò quan trọng, từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, đến việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.

“Các ví dụ về công nghệ mới, như công nghệ pin lưu trữ năng lượng và công nghệ thu năng lượng Mặt Trời hiệu quả hơn, là cách chúng giúp chúng ta chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch,” ông Chử Đức Hoàng thông tin thêm.

Thực tế, việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo đang là ưu tiên của nhiều quốc gia. Nêu kinh nghiệm từ thế giới, đại biểu Vương Quốc Thắng cho hay, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, các quốc gia đều hướng đến đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép.

Bên cạnh đó, để đối phó với giá năng lượng tăng cao trong ngắn hạn cần xây dựng các chương trình đặc biệt và trợ cấp cho người dân và người tiêu dùng cuối cùng trong trường hợp cần thiết, đồng thời có chính sách phân loại đối tượng để ưu tiên sử dụng năng lượng trong trường hợp khủng hoảng thiếu năng lượng. Sử dụng phương tiện giao thông chạy điện thay cho các nhiên liệu truyền thống và sử dụng sưởi, nước nóng, làm lạnh bằng điện thay cho khí như với một số quốc gia châu Âu.

Từ kinh nghiệm trên, ông Thắng khuyến nghị cơ quan chức năng cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và Mặt Trời; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng, trong ngắn hạn, tập trung đầu tư vào hạ tầng năng lượng các dự án có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

“Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu trọng tâm và xuyên suốt trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường dự trữ năng lượng quốc gia theo hướng nhà nước giữ vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt đầu tư kết hợp với cơ chế xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế khác trong đầu tư phát triển, vận hành các cơ sở hạ tầng dự trữ năng lượng,” đại biểu Vương Quốc Thắng nhấn mạnh.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.