Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững” do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương tổ chức. Đây là một hoạt động thiết thực để giới chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình “xanh hóa” cùng thảo luận, chia sẻ về đề tài này.
"Chuyển dịch năng lượng mà trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay", TS. Mai Duy Thiện, Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) nhấn mạnh. "Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời".
Năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Như vậy chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch, đã là xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện, là lĩnh vực trụ cột trong hợp tác quốc tế nhằm hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
"Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 79.350MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.165MW và chiếm tỷ trọng 25,4%. Việc phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính, huy động được vốn đầu tư xã hội, giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu, khí có nhiều biến động mạnh trong những năm qua", Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, chỉ rõ.
Có thể nói, chuyển đổi năng lượng, "xanh hoá", giảm phát thải là xu hướng không thể đảo ngược và Việt Nam không thể đứng ngoài.