Nghiên cứu do Đại học Colorado Boulder phối hợp với Bệnh viện Brigham và Phụ nữ (Mỹ) khảo sát 32.470 phụ nữ là các nữ y tá - bởi các nhà khoa học tận dụng cuộc kiểm tra sức khỏe hàng loạt mà đất nước này tổ chức cho các nữ y tá 2 năm/lần.
Trong đó, có 37% người tham gia khảo sát cho biết họ thuộc nhóm người thích dậy sớm, 53% dậy không quá sớm nhưng không quá muộn, 10% còn lại thuộc tuýp "cú đêm" và ngủ nướng vào sáng hôm sau. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể tác động đến chứng trầm cảm như trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất, bệnh mãn tính, thời lượng ngủ, làm việc ca đêm… cũng được xét đến.
Kết quả cho thấy nhóm trung gian - dậy không sớm nhưng không quá trễ vẫn có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhóm dậy sớm tới 12-27%, tùy vào thể chất và các yếu tố lối sống khác. Nhóm "cú đêm ngủ nướng" có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhóm trung gian thêm 6% nữa.
Theo tác giả Céline Vetter, Giám đốc phòng thí nghiệm của Đại học Colorado Boulder, những khác biệt trên chủ yếu do tác động của ánh sáng ban ngày đến đồng hồ sinh học của con người. Người được hưởng ánh sáng buổi sớm nhiều hơn thường dễ có được trạng thái tinh thần khỏe khoắn, tươi vui. Ngược lại nhóm dậy trễ thường ngủ muộn, đồng nghĩa với phơi nhiễm ánh sáng mờ vào buổi tối quá nhiều.
Nhiều phụ nữ trong nghiên cứu cũng từng trải qua một khoảng thời gian khó khăn về tinh thần nhưng hiện tại đã ổn định. Thời gian này cũng trùng vào thời điểm vì lý do gì đó họ thức khuya, dậy muộn.
Ngoài ra, khảo sát quy mô lớn cho thấy số phụ nữ dậy muộn thường sống độc thân, có nguy cơ hút thuốc lá cao, chất lượng giấc ngủ kém. Đây lại là những yếu tố tăng nguy cơ trầm cảm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao dậy muộn lại dễ ế và hút thuốc lá, dù khác biệt này khá rõ ràng ở nhóm dậy sớm và dậy muộn.
Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Psychiatric Research.