Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ liên tục trong các ngày 2 - 5/8. Mưa lớn kéo dài, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Dông lốc, lũ quét, sạt lở... đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương bị ảnh hưởng.
Tính đến ngày 6/8, bão số 3 đã làm 10 người chết. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa 5 người (2 người tại Mường Lát, 3 người tại Quan Sơn) và các tỉnh Bắc Cạn, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, mỗi tỉnh có 1 người chết.
Số người mất tích là 11 người, gồm: Thanh Hóa 10 người (huyện Quan Sơn 9 người, huyện Mường Lát 1 người), Điện Biên 1 người và có 7 người bị thương do bão, lũ.
Cơn bão số 3 cũng làm 91 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà hư hỏng nặng và 419 ngôi nhà hư hỏng một phần.
Trong số các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Thanh Hóa là tỉnh ghi nhận thiệt hại nặng nề nhất. Riêng tại bản Na Sá, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn đã tìm được 3 thi thể, hiện còn 9 người đang mất tích), 35/74 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi.
Mưa bão gây lũ đã làm 1.242 nhà bị ngập, 59 hộ phải di dời khẩn cấp, khoảng 1.300 hộ phải sơ tán, hàng loạt công trình như: Trường học, nhà văn hóa… tại các địa phương bị hư hại.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ, các tuyến Quốc lộ 15C, 217, 16, 47, bị sạt lở taluy dương tại 340 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 168.000 m3 và bị sạt taluy âm tại 27 điểm, dài 530 m; đặc biệt, trong đó có 2 vị trí nền đường bị xói sâu gây ách tắc (tại Km84+600, Quốc lộ 16 và Km78+850, Quốc lộ 15C).
Cùng với đó, dông, lốc và gió mùa Tây Nam đã gây thiệt hại cho các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Vĩnh Long, với tổng cộng 824 ngôi nhà và trường học bị sập, trôi và tốc mái; triều cường gây ngập 1.843 căn nhà và 2.540 m đường giao thông...
Trước thực tế trên, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, giao thông đến các khu vực bị ảnh hưởng. Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.
Hiện, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đi kiểm tra, xử lý, hộ đê biển Tây đang bị sạt lở do triều cường, sóng lớn.
Theo Vụ Quản lý đê điều, tính đến 19 giờ ngày 5/8, các tỉnh Hưng Yên, TP Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa đã xảy ra 7 sự cố đê điều. Cụ thể: Hà Nội xảy ra 2 sự cố sạt mái đê phía đồng đoạn K102+170 - K102+210 đê hữu Hồng, huyện Phú Xuyên tiếp tục xảy ra sự cố sạt đê với tổng chiều dài 40 m. Tỉnh Hà Nam xảy ra 1 sự cố sạt lở mái đê đoạn K105+120 - K105+140 đê tả Đáy (sạt tại mái đê phía sông với chiều dài khoảng 40 m).