Thiếu gần 76 nghìn giáo viên nhưng vẫn thừa cục bộ?

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính trên cả nước hiện còn thiếu 75.989 giáo viên ở các cấp học. Tuy nhiên, tình trạng thừa giáo viên cục bộ vẫn là bài toán khó, mình Bộ GDĐT vào cuộc là chưa đủ.
Trong năm 2018, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng hàng loạt giáo viên bị mất việc do địa phương tuyển dụng thừa
Trong năm 2018, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng hàng loạt giáo viên bị mất việc do địa phương tuyển dụng thừa

Chiều 9.1, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc với lãnh đạo UBND và ngành GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, để bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng để “con thuyền đổi mới giáo dục” cập bến thành công. Chương trình mới hướng đến việc giảm tải cho cả học sinh và giáo viên, nhưng một trong những vấn đề cần có sự phối hợp giải quyết là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và công tác bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. 

Liên quan đến vấn đề thừa thiếu giáo viên, theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT), so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người. Trong đó, cấp mầm non là 43.732 người, tiểu học: 18.953, THCS: 10.143, THPT: 3.161 người.

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh. 

Để giải quyết triệt tình trạng này, Bộ GDĐT cho rằng mình bộ vào cuộc chưa đủ, mà cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Thiếu gần 76 nghìn giáo viên nhưng vẫn thừa cục bộ? ảnh 1

Số lượng giáo viên hiện tại và còn thiếu ở các cấp học tính đến tháng 8.2018

Về phía ngành giáo dục, Bộ GDĐT yêu cầu ngành GDĐT các địa phương căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, sắp xếp giáo viên hợp lý. Không để tình trạng thiếu giáo viên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là giáo viên dạy những môn học mới.

Đặc biệt, Bộ GDĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, đặc biệt là các môn học mới. Đồng thời giao các trường đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, tin học ở tiểu học. Trong chương trình mới, những môn học này đã chuyển từ tự chọn sang bắt buộc nên sẽ cần nhiều giáo viên.

Liệu giáo viên có thất nghiệp?

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, ngoài 5 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), các môn còn lại (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) sẽ được phân theo các nhóm để học sinh tự chọn. 

Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Sở GDĐT Hải Phòng đặt ra băn khoăn: Điều này liệu có ảnh hưởng đến việc làm của giáo viên? Những môn học không được học sinh lựa chọn thì giáo viên bộ môn đó sẽ làm gì? Việc tích hợp một số môn ở cấp THCS liệu có khiến nhiều thầy cô có nguy cơ thất nghiệp?

Đây cũng là vấn đề được đại diện nhiều địa phương đặt ra. 

Về điều này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - khẳng định, khi triển khai thực hiện chương trình mới, với một số môn tích hợp, hay môn tự chọn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự dao động không đáng kể. Bởi chương trình mới không bỏ đi môn học nào mà chỉ có sự cơ cấu, sắp xếp lại. 

Ông Minh cho rằng, giáo viên không nên quá lo lắng, bởi không có giáo viên nào thiếu việc làm, mà các thầy cô sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Việc bồi dưỡng sẽ được Bộ GDĐT tiến hành online, đảm bảo các thầy cô có thể học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi. 

Theo Lao Động
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.