Thư Delhi

(Ngày Nay) - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan - ông Phạm Sanh Châu - gửi Ngày Nay bức thư từ Delhi. Khi mà Việt Nam đang từng bước đẩy lùi Covid-19, thì ở nhiều quốc gia có người Việt sinh sống trên thế giới, công tác hỗ trợ kiều bào vẫn còn nhiều vướng mắc. Những vướng mắc ít người biết được.
Thư Delhi

   Nhìn cảnh người dân Việt Nam bắt đầu quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường sau những ngày cách ly toàn xã hội mà lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Đương nhiên là vui quá vì đất nước trong suốt mấy ngày liên tiếp không có thêm một ca mới nào. Giây phút quan trọng nhất đối với tôi trong thời buổi cách ly này là mỗi sáng ke đúng bản tin 12 giờ trưa của VTV1 để xem diễn biến bệnh dịch ở Việt Nam.

   Tôi rất thích nhìn vào vòng tròn các con số thống kê với mảng màu xanh của các ca khỏi bệnh cứ tăng dần lên và mảng màu vàng của các ca đang điều trị cứ bé dần xuống. Nhìn vào nó tôi hạnh phúc và thường đếm luôn cả các ca âm tính lần một và âm tính lần hai để gộp vào ô các ca đã khỏi bệnh. Tôi chỉ thỉnh thoảng mới mở đài Ấn Độ hay CNN vì tôi không thích xem các con số nhiễm bệnh và các con số tử vong cứ tăng vọt lên mỗi ngày. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng vào thời điểm này tốt nhất là tránh xa các tin xấu và đặc biệt không nên để tin giả ảnh hưởng đến tinh thần. Vì vậy tôi chỉ thích xem VTV, bởi toàn tin vui, tin tích cực mang lại sự phấn chấn và nhất là niềm lạc quan. Trong đời mình chưa bao giờ tôi lại xem chăm chú, xem nhiều và xem đều các bản tin 12 giờ trưa của VTV đến như thế.

   Trong tuần qua tôi liên tiếp được mời phát biểu, trả lời phỏng vấn đài truyền hình, báo, các viện nghiên cứu của Ấn Độ về bài học thành công của Việt Nam trong chống dịch. Mỗi lần tôi được dịp phát biểu cũng là dịp cập nhật thêm tin vui liên tiếp đến với Việt Nam, nào là không có ca mới, nào là ca nặng nhất đã không phải thở ô xy, nào là số ca hồi phục ngày càng tăng.

   Tôi cảm thấy tự hào và cảm phục đội ngũ bác sĩ, cảm phục cả các đồng chí chiến sĩ. Tôi cũng đọc không biết bao nhiêu bài báo nước ngoài khen ngợi và đánh giá cao thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid 19 tại Việt Nam. Họ so sánh Việt Nam với các nước khác cũng thành công nhưng giàu có hơn Việt Nam gấp nhiều lần, đó là Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Tất cả đều chứng minh tính nổi trội trong cách xử lý khủng hoảng do đại dịch gây ra qua quyết tâm của các nhà lãnh đạo, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, từ các biện pháp truy tìm, cách ly, chữa trị bệnh nhân F0, F1, F2, đến các chiến dịch truyền thông ủng hộ cuộc chiến của chính phủ chống Covid 19.

   Bên cạnh niềm vui và tự hào về đất nước, tôi vẫn canh cánh một nỗi lo cho sự an toàn của hàng trăm đồng bào Việt Nam đang bị mắc kẹt tại 22 trong tổng số 28 bang của Ấn Độ. Ngay sau khi tổ chức chuyến bay thương mại cuối cùng để sơ tán bà con về Việt Nam ngày 21/3/2020, chúng tôi đã làm ngay công tác thống kê để kiểm đếm những người còn sót lại ở Ấn Độ. Cuộc khảo sát trên mạng của ĐSQ cho thấy có khoảng 670 người mong muốn được ĐSQ bảo hộ công dân. Họ là những người đang học tập, lao động, tham quan và du lịch ở Ấn Độ.

   Cuộc khảo sát lần thứ hai được tiến hành đầu tháng 04 khi dịch bệnh bắt đầu gia tăng cho thấy có hơn 300 người muốn được trở về Việt Nam càng sớm càng tốt. Ngay sau khi Thủ tướng có chỉ thị xem xét ưu tiên những người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 18 tuổi, những người bị bệnh và những người đã hết hạn visa có nguy cơ bị trục xuất thì chúng tôi lại lên danh sách thứ 3 mà chúng tôi gọi là “danh sách chốt hạ”, sơ bộ tập hợp những người đạt tiêu chuẩn để khi Chính phủ cho phép sẽ đưa ngay về nước.

Thư Delhi ảnh 1

 Người dân Ấn Độ chen chúc lên xe bus ở ngoại ô New Delhi, ngày 29/3, để về quê sau lệnh phong toả. Ảnh: Reuters.

   Danh sách thứ 3 là một bảng tổng hợp của tất cả số phận con người Việt đang hiện hữu ở đất nước này mà về lý thuyết họ chịu sự “bảo hộ công dân” của ĐSQ đứng đầu là tôi. Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại trên 37 năm của mình, chưa bao giờ tôi phải gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế, chưa bao giờ lại gắn bó với từng số phận của từng đấy con người.

   Covid 19 với tất cả những điều tồi tệ nhất nó gây ra vẫn có một điểm tích cực ở chỗ nó cho phép tôi nắm bắt rõ hơn về bức tranh của những người Việt Nam sống tại Ấn Độ hay nói chính xác hơn đang bị cơ nhỡ tại Ấn Độ. Bức tranh đó rất khác với cộng động Việt kiều ở Pháp ở Bỉ, nơi tôi từng công tác. Nó cũng rất khác với cộng đồng người Việt Nam ở Đông Âu mà tôi từng biết vì chị tôi, cháu tôi đang sống ở đó. Nó cũng khác với hoàn cảnh của kiều bào ta ở Thái Lan, Cam phu chia, mà cuộc sống của họ được nêu lên qua những buổi giao ban làm việc ở Bộ.

   Thế giới người Việt Nam của tôi là thế giới của cả nỗ lực mưu sinh vì cuộc sống, của một thời kỳ quá độ do lịch sử để lại và đặc biệt là thế giới của tâm linh. Và tôi trong suốt gần một tháng qua đã trở thành một chị “Thanh Tâm” nghe điện thoại, gọi điện thoại hàng ngày để động viên những con người cần hơn bao giờ hết lời hỏi thăm của tôi.

   Tôi vẫn biết rằng Ấn Độ là nơi có nhiều người sang học về Phật giáo và tu tập. Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới hiểu rõ rằng mỗi tăng sinh hay ni sinh đang học ở đây dù bậc đại học hay cao học hay tiến sĩ đều đã phải gom góp, tiết kiệm rất nhiều để được sang bên đây học. Họ đều đến từ các chùa, đền, viện ở khắp Việt Nam. Ngày họ rời bỏ gia đình để đến với cửa Phật là ngày họ tự nguyện cắt duyên “trần thế”. Rồi ngày họ quyết định sang tu nghiệp Phật giáo ở Ấn Độ lại là một ngày của “nhân duyên tiền kiếp”. Họ quy y cửa Phật không phải là để buông bỏ hoàn toàn mà để đến với một thế giới tâm linh với kiến thức uyên thâm mà chỉ có sự học hành mới mang lại.

   Ni sinh Huyền Tâm nói với tôi rằng : “Chị em xuất gia sang Trung Quốc học Phật giáo, em xuất gia sang Ấn Độ học Phật giáo”. Câu chuyện làm tôi nhớ lại thời kỳ cuối của nhà Trần khi “nhà nhà đi tu” và tự hào về gia đình họ khi có đóng góp cho sự phát triển Phật học ở Việt Nam. Khi được hỏi nếu được rời Ấn Độ thì về đâu ? Họ trả lời lại về chùa. Khi được hỏi “tiền đâu mua vé máy bay về ?”, “Tiền từ công đức của chúng sinh, nhưng chúng tôi cũng chẳng có nhiều”.

Thư Delhi ảnh 2

Công dân Việt Nam xếp hàng làm thủ tục lên máy bay về nước. Ảnh Facebook  Đại sứ Phạm Sanh Châu

   Trong số đơn xin về có một tăng sinh tên Huỳnh Long. Em bị ốm nặng, truỵ gan và phải nhập viện gấp. Trường em học cách Delhi 2000 km xa như Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, bạn đề nghị ĐSQ vận chuyển hàng không lên bệnh viện Thủ đô để chữa trị. Thời phong tỏa lockdown hoàn toàn thế này xin phép bay cực kỳ phức tạp mà lại chưa kể biết lấy tiền đâu để trang trải. Đang liên hệ với gia đình, trao đổi với bệnh viện và đơn vị vận chuyển, dự kiến mở đợt quyên góp thì em không may qua đời. Gia đình có nguyện vọng đưa thi hài về, một nguyện vọng hết sức chính đáng, nhưng không đơn vị nào nhận vận chuyển. Rồi gia đình có nguyện vọng được hoả táng để mang tro cốt về thì nhà trường nói cần có Thầy đến làm lễ vì người Ân Độ giáo tin rằng không làm lễ trước khi thiêu thì không giải phóng được ở kiếp sau. Đường xá cách trở lệnh phong toả vẫn hiệu lực đến 03/05 thì làm sao tìm được Thầy đến làm lễ đây!

   Một trường hợp khác - Huệ - một cô gái có cá tính mạnh mẽ. Em sang dự một khoá yoga và để chữa một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư. Vé về của em bị huỷ thế là em một mình lưu lại xứ người xa lạ. Nhưng cũng như bao con người Việt Nam có ý chí kiên cường khác, em nói với tôi em sẽ chịu đựng được cho đến ngày đất nước cho phép em về, khi mà các khu cách ly đã giãn người để có thể đón em.

   Còn Tùng là nhân viên chuyên lắp và sửa máy làm hương. Kể từ khi Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nguyên liệu của Việt Nam, nhiều gia đình làm hương phải bán rẻ hương liệu và cả máy. Em được gia đình phân công đi bán máy vì chỉ em biết lắp máy. Em chẳng biết một từ ngoại ngữ nào. Tất cả đều phải qua dịch Google. Nhà em gọi điện nhờ đưa em về nhưng buồn thay em lại không phải diện ưu tiên theo quy định của Chính phủ.

   Mỗi khi nói chuyện với họ, tôi không dám nói dài vì tôi sợ mình không vượt được một thách thức tưởng chừng như đơn giản nhưng thật sự rất khó với đồng bào của tôi : khuyên họ hãy ở lại vì khẩu hiệu hiện nay là “ở lại là yêu nước”.

   Tôi không muốn nhưng chuông điện thoại cứ đổ đến, danh sách người muốn về cứ kéo dài. Tôi hiểu sức ép sẽ rất nặng nề cho cán bộ phòng Lãnh sự và Bảo hộ công dân nên tôi nói Phòng cho số điện thoại cá nhân của tôi cho bất kỳ bà con nào muốn nói chuyện với Đại sứ để bà con gọi. Tôi cũng chủ động gọi khi thấy có cuộc gọi nhỡ hay có câu hỏi được đưa lên trên FB hay mạng của ĐSQ.

Thư Delhi ảnh 3

Đại sứ Phạm Sanh Châu đón tiếp tăng ni Phật tử đến thăm ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ nhân dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. 

   Hôm nay, một nhóm các cụ bà gần 70 tuổi gọi điện đến xin được ưu tiên về sớm. Hỏi ra các bà cho biết do không biết cách khai đơn trên mạng nên không có tên trong danh sách

   ĐSQ gửi về Chính phủ xin phép cho nhập cảnh. Các cụ lại “cầu cứu” ĐSQ. Tôi đành trả lời sẽ cố gắng thuyết phục ai đó nhường chỗ cho các cụ nhưng chưa thể hứa được gì. Nếu Chính phủ cho phép có chuyến bay thì may mắn cũng chỉ được 1 chuyến vì nghe nói có hàng vạn người ở khắp 50 nước xin về. Mà khu cách ly thì có hạn. Một chuyến A320 chỉ có 220 chỗ, số người trong danh sách chờ đã là 80 người rồi. Vậy tôi phải nói với bao nhiêu người đây để họ nhường 01 chỗ, 01 chỗ thôi nói gì đến 11 chỗ cho các cụ đây ?

   Tôi nhớ đến câu chuyện “Những tấm lòng cao cả” và hình ảnh bộ phim Titanic khi con thuyền sắp chìm và những tấm lòng cao thượng nhường chỗ trên thuyền cứu sinh cho người khác để đón cái chết về mình. Ở đây tình cảnh không bi đát đến thế vì chúng tôi quyết không để bất kỳ ai bị “bỏ lại phía sau” và quyết “đưa họ an toàn chở về”. Thế nhưng khi đối mặt với hiểm nguy trước mắt, con người cảm thấy mỏng manh và bé nhỏ đi rất nhiều.

   Cuộc sống của tôi những ngày này là thế. Giấu trong niềm kiêu hãnh về một Việt Nam giỏi đánh giặc Covid 19, tự hào chia sẻ kinh nghiệm thành công với bạn bè quốc tế, là một nỗi lo canh canh vẫn còn đó. Chắc tôi chỉ ngủ yên khi di hài của Long về với đất mẹ, Huệ về với người chồng mới cưới nhưng chưa biết về căn bệnh của vợ, Tùng sẽ không lạc vì không thể sử dụng tính năng dịch thuật của Google khi không có internet, các cụ bà sẽ an toàn trở về trong sự mong đợi của gia đình. Và đặc biệt các tăng sinh, ni sinh, những người phụ trách phần hồn của các Phật tử trong tương lai sẽ an tâm tiếp tục quá trình nhập đạo.

Như Sca-lét từng nói trong “Cuốn theo chiều gió”: “Ngày mai sẽ khác”! Tôi cũng tin vậy. Tin ở ngày mai sẽ khác, tốt đẹp và bình an!

Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.