Trả lời báo Vietnamnet, GS.TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm định, Phòng Khoa học và Đảm bảo chất lượng của trường đã phát hiện một số giáo trình tiếng Trung Quốc mà Khoa Trung - Nhật đang giảng dạy có chứa nội dung xâm phạm chủ quyền.
Cụ thể, ngoài giáo trình "Developing Chinese" có in đường lưỡi bò chín đoạn còn có giáo trình “Tổng quan về Trung Quốc” (NXB Đại học Bắc Kinh, 2018) lồng vào những hình ảnh ghi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Nam Sa và Tây Sa.
“Đó là sự cố ý, tuyên truyền sai trái của phía Trung Quốc”.
Ông Tiến cho biết, ngay khi phát hiện ra, Ban giám hiệu đã yêu cầu Khoa Trung - Nhật dừng sử dụng các giáo trình đó; thu hồi tất cả những giáo trình có nội dung, hình ảnh xuyên tạc về Biển Đông; rà soát cẩn thận, tỉ mỉ các giáo trình nước ngoài nói chung, của Trung Quốc nói riêng để phát hiện những nội dung, hình ảnh, câu chữ sai sự thật nằm lẫn trong các đoạn, các câu, các ví dụ.
Ngoài ra, mọi giáo trình phải thông qua Hội đồng Khoa học - Đào tạo của trường và báo cáo cho hiệu trưởng trước khi sử dụng.
Riêng với cuốn "Developing Chinese" có in đường lưỡi bò trước đó, đến nay nhà trường đã thu hồi lên đến hơn 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật sẽ phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.
Hình ảnh đường lưỡi bò khá dễ nhìn thấy trong cuốn giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. |
Liên quan đến vấn đề này, Zing.vn đưa tin, ngày 4/11, Bộ GD&ĐT có công văn do Vụ trưởng Vụ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng ký, gửi ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Công văn yêu cầu nhà trường rà soát, báo cáo việc sử dụng giáo trình.
Điểm c, Khoản 2, Điều 36, Luật Giáo dục Đại học quy định: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học.
Bộ GD&DT yêu cầu ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành, đồng thời thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới hoặc có nội dung truyền bá tôn giáo.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường tổ chức rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình tại trường, đảm bảo đúng quy định. Nhà trường báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 5/11.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần khẩn trương làm rõ sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ GD&Đ trước ngày 5/2/2020.
Cũng theo nguồn tin của PV Zing.vn, ông Vũ Văn Hoá, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội, đã làm việc với nhà trường về cuốn giáo trình có in "đường lưỡi bò" phi pháp.
Trước đó, ông Hóa cho rằng để lọt hình ảnh "đường lưỡi bò" trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác. Ông nói cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về nhà nước chứ không phải của trường.
Nhiều giảng viên, chuyên gia cho rằng việc để giáo trình có hình "đường lưỡi bò" phi pháp, lỗi do ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nhà trường không cầu thị và vô trách nhiệm khi đổ lỗi.
Tuy nhiên, dù khoa Tiếng Trung - Nhật nhận lỗi, lãnh đạo ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.