Đại diện của các bộ, ngành, cơ quan là thành viên của các tiểu ban thuộc Ban Tổ chức Hội nghị GMS-6 và CLV-10 đã rà soát lại các việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp lần trước (ngày 7/3/2018) về chuẩn bị cho sự kiện đa phương được xem là lớn nhất của nước ta trong năm 2018.
Dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu tham dự Hội nghị GMS 6 và CLV 10 diễn ra từ ngày 29- 31/3 tại Hà Nội, bao gồm lãnh đạo các nước GMS; đại diện các tổ chức quốc tế như Chủ tịch ADB, Tổng Giám đốc WB, Tổng Thư ký ASEAN, đại điện AIIB, JICA…; đại diện các đối tác phát triển; đại diện các địa phương GMS; đại diện các tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới...
Đáng chú ý, tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Hội nghị sẽ có các phiên làm việc về các chủ đề: Phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại, trong đó có phiên đối thoại chính sách giữa các nhà lãnh đạo GMS và doanh nghiệp.
Đến nay, hơn 300 phóng viên trong nước và quốc tế đăng ký tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm “Hiệu quả, thiết thực, đoàn kết, an toàn" trong tổ chức Hội nghị GMS-6 và CLV-10, do đó mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cá nhân liên quan phải nâng cao trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về công tác lễ tân, hậu cần, phải đón tiếp thật chu đáo, trọng thị, thể hiện tình cảm của Việt Nam đối với bạn bè các nước đến tham dự. Đây là khâu quan trọng đóng góp vào thành công của Hội nghị.
Tất cả các công việc từ lễ tân, hậu cần, đối ngoại, an ninh an toàn… đều phải có kịch bản cụ thể, chi tiết. Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan, phải bài bản, khoa học.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, TP. Hà Nội có phương án cụ thể, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Từng phương án phải được phê duyệt, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan trong việc phân công nhiệm vụ.
TP. Hà Nội chủ trì việc bảo đảm trật tự xã hội, trang trí các tuyến phố, bảo đảm vệ sinh, sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt đối với bạn bè các nước đến tham dự về một Thủ đô văn minh, trật tự.
Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992. Các nước thành viên của Tiểu vùng Mekong mở rộng gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa Tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực.
Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia (CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, trải rộng trên 13 tỉnh biên giới của 3 nước.