Chàng trai 18 tuổi không có giấy tờ lao động hợp pháp và sẽ chỉ bỏ túi được hơn một nửa thu nhập của ngày hôm đó. Arfaoui cho biết mình nhận được công việc vận chuyển đồ ăn từ một người giao hàng khác, người này cho rằng giá cước vận chuyển của ứng dụng Uber Eats là quá rẻ - 3,50 euro (chỉ dưới 4 USD) cho mỗi đơn hàng cộng với một chút phụ phí.
Arfaoui - hiện đang sinh sống trong một chiếc xe bị bỏ hoang suốt một tháng kể từ khi đến Pháp từ quê nhà Tunisia, cho biết: “Tôi kiếm được 17 euro trong suốt 4 giờ đạp xe giao hàng ngày hôm đó”.
Giao đồ ăn đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ euro khi Uber – “gã khổng lồ vận tải” của Mỹ và Deliveroo – nền tảng giao hàng trực tuyến có trụ sở tại Anh, và các đối thủ đầy tham vọng đang chiến đấu để giành giật thị trường và khách hàng ở Pháp.
Chính sự cạnh tranh gay gắt này đã khiến các công ty siết chặt cước phí giao hàng đối với nhiều người vận chuyển, buộc họ tìm tới những lao động bất hợp pháp như Arfaoui.
Ở Pháp, nơi giao hàng thực phẩm đang trở thành xu hướng bùng nổ, một số người giao hàng chỉ việc đăng ký đơn rồi giao cho những người khác đi làm thay mình. Những người thế chỗ thường là người di cư bất hợp pháp, dân tị nạn và thanh thiếu niên chưa tới tuổi lao động, họ sẵn sàng chấp nhận công việc thu nhập thấp này bất kể nắng mưa hay kẹt xe.
Uber Eats có 100 nhân viên kiểm tra danh tính của người giao hàng. |
Những người bán lại đơn hàng thường giao dịch ngay trên đường phố hoặc thông qua các ứng dụng như Facebook, WhatsApp và Telegram và thu về 30-50% giá trị đơn hàng.
Cho đến nay, hoạt động giao dịch ngầm này mới chỉ phát tán ở quy mô nhỏ trong số 20.000 người giao hàng ở Pháp. Các công ty sẽ giảm điểm số của những người giao hàng nếu bị phát giác bán lại đơn hàng. Nhưng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang phải đối mặt với những khiếu nại mới về dấu hiệu lợi dụng trong nền kinh tế gig (các doanh nghiệp và người lao động thực hiện các thỏa thuận ngắn hạn).
Ông Jean-Daniel Zamor, chủ tịch Tổ chức giao hàng độc lập ở Paris, một nhóm giải quyết các vấn đề lao động của người giao hàng, cho biết: "Công việc này ngày càng bấp bênh. Thực tế là các nền tảng giao hàng đang đem lại ít tiền cho những người giao hàng, khiến họ phải thuê những người thậm chí còn nghèo hơn mình".
Công việc vận chuyển đồ ăn trực tuyến tại Pháp đang dần bão hòa sau thời gian bùng nổ. |
Uber Eats và các đối thủ cạnh tranh bao gồm Stuart, một ứng dụng của Pháp và Glovo, có trụ sở tại Tây Ban Nha, cho biết họ đã nhận thức được hành vi sai trái này.
“Chúng tôi rất quan ngại vì đây là những hành vi bất hợp pháp, mọi người đang kiếm lợi từ sự tổn thương của người khác”, ông Nicolas Breuil, giám đốc tiếp thị toàn cầu của Stuart, thừa nhận.
Thanh tra lao động ở Nantes, một trong những thành phố lớn nhất của Pháp, đã mở một cuộc điều tra. Stuart và Deliveryoo cho biết họ đã nói chuyện với các nhà chức trách nhằm theo dõi và loại bỏ hành vi sử dụng lao động trái phép này.
Deliveroo cho biết trong một tuyên bố rằng họ có cách tiếp cận không khoan nhượng đối với vấn nạn này.
Ông Alexandre Fitussi, tổng giám đốc Glovo ở Pháp, cho biết các nhiều người đã tận dụng kẽ hở quản lý để tạo ra hệ thống mang tính bóc lột. “Đây là một vấn đề lớn, ít nhất 5% trong số 1.200 người giao hàng hàng tuần của chúng tôi có giao dịch trái phép”.
Không chỉ ở Pháp, tình trạng này đã lan rộng sang các quốc gia tập trung đông người nhập cư khác như Anh hoặc Tây Ban Nha.
Trước đây, các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hiếm khi được nhìn thấy ở Pháp. Điều này đã thay đổi vào năm 2015, khi Deliveroo bắt đầu cung cấp thực phẩm ngoài thực đơn từ các quán rượu và nhà hàng thức ăn nhanh. Uber Eats và các ứng dụng giao hàng khác nhanh chóng vào cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các nền tảng giao hàng này đã thu hút hàng nghìn người lao động, đặc biệt là từ những vùng ngoại ô vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao của Pháp, cũng như sinh viên. Nhưng tình hình hiện tại đã khác, khi các công ty ngày càng tuyển dụng thêm người còn cước phí vận chuyển ngày càng rẻ. Những người giao hàng được yêu cầu làm việc với tư cách là các đối tác độc lập để các công ty né được các khoản phí và thuế.
Deliveroo đã phải đối mặt với các cuộc đình công ở Pháp sau khi thay đổi tỷ lệ thanh toán trong năm 2017 từ mức cố định theo giờ cộng với hoa hồng thành 5-5,75 euro cho mỗi lần giao hàng. Chuyển phát viên của Uber Eats cũng đã tổ chức các cuộc đình công trong năm ngoái vào dịp diễn ra giải bóng đá World Cup để phản đối tình trạng lương thấp và điều kiện làm việc tệ hại.
Uber Eats cho biết các “đối tác” của mình trung bình thu nhập từ 10 đến 15 euro/giờ vào giờ cao điểm (11:30 sáng đến 2 giờ chiều và từ 7 đến 10 giờ tối). Deliveroo và Stuart cho biết đội ngũ giao hàng của họ kiếm được trung bình 13 euro/giờ. Con số này ở Glovo là 10 euro.
Những người giao hàng cho biết các con số trên không phản ánh đúng số tiền họ được nhận. Hệ thống chi trả của các nền tảng công nghệ đều đã giảm nhiều hơn 25% trong vài năm qua, khiến nhiều người giao hàng phải tìm cách bán đơn hàng của mình cho những người khác.
Mặc dù các công ty đều lên tiếng đảm bảo các trách nhiệm xã hội của mình, thế nhưng lợi nhuận vẫn chỉ chảy vào túi họ, bất kể ai là người giao hàng.
“Mỗi năm, chúng tôi kiếm được ít tiền hơn và giao hàng ít hơn”, Florent, người giao hàng 25 tuổi cho biết. “Họ thay đổi điều kiện bằng cách cắt giảm tiền lương hoặc thay đổi quy tắc thanh toán”.
Florent cho biết anh đã làm việc cho 3 ứng dụng giao thực phẩm và hiện đã cho thuê danh tính của mình trên mỗi ứng dụng cho những người lao động không có giấy tờ và nhận lại 30% thu nhập của họ.
Youssef El Farissi, 18 tuổi, sống tại thành phố Avignon, cho biết mình đã cho nhiều người thuê tài khoản Uber Eats của mình vào tháng trước.
“Nếu thu nhập được trả tương xứng, chẳng ai phải cho thuê danh tính của mình”, El Farissi cho biết.
Khi những người di cư tiếp tục chạy trốn khỏi Châu Phi và Trung Đông, Pháp là một điểm đến lý tưởng, tuy nhiên đã có rất nhiều người tị nạn rơi vào cảnh thất nghiệp do chưa có giấy tờ hợp pháp. Những người di cư như Arfaoui đều cho rằng họ cần việc làm, đạp xe giao hàng, hay thậm chí là các công việc bấp bênh, còn tốt hơn những cách kiếm tiền bất chính như bán ma túy.
Luật lao động của Pháp cho phép người lao động được thuê ngoài các lao động hợp pháp khác, nhưng Uber Eats, Stuart và Glovo cho biết họ đã cấm hành vi này. Trong khi Deliveroo nói rằng người giao hàng của mình có thể bán lại đơn hàng cho những người lao động hợp pháp mà công ty có thể kiểm tra danh tính và dữ liệu.
"Nếu một người giao dịch đơn hàng bất hợp pháp, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng của anh ta ngay lập tức", công ty cho biết.
Uber Eats cho biết họ không dung thứ cho các hoạt động bất hợp pháp hoặc sử dụng lao động chưa đủ tuổi, ngoài ra công ty này còn có 100 nhân viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra người giao hàng. Glovo theo dõi thời gian vận chuyển để xác định hành vi đáng ngờ. Còn Stuart tiến hành kiểm tra người lao động thường xuyên và cho biết họ đã phát hiện ra ít nhất hơn 10 trường hợp vi phạm trong vòng 1 tháng.
Arfaoui cho biết mình còn rất ít lựa chọn để tìm kiếm sinh kế. “Rời khỏi quê nhà Tunisia, tôi đã lên thuyền cùng hàng trăm người khác từ Libya. Sau đó tôi tới Italia và đi lậu tàu để tới được Pháp, hiện tôi vẫn đang chờ để được cấp giấy tị nạn”, chàng trai chia sẻ.
“Tôi đã gặp một người cho thuê tài khoản Uber Eats của anh ta với giá 100 euro một tuần, tôi phải làm việc cật lực 13 giờ mỗi ngày để có được khoản tiền 200 euro”, Arfaoui nói.
Ước mơ của Arfaoui là làm nghề bán cá. “Đây là một công việc ít nguy hiểm so với giao hàng, tôi sẽ không cần phải đạp xe liên tục trong nhiều giờ liền, nhưng việc bán cá cần giấy tờ hợp pháp. Làm người vận chuyển thì dễ hơn nhiều, không ai kiểm tra giấy tờ của tôi và tiền thu về cũng rất nhanh”.