Thổ Hà nằm ven sông Cầu, xưa kia là làng gốm nổi tiếng đất Kinh Bắc. Trong làng còn nhiều ngôi nhà, bờ tường được xây bằng những tiểu sành, mảnh gốm. Đó là những sản phẩm bị lỗi của làng gốm, được người dân tận dụng làm vật liệu xây dựng. Gốm Thổ Hà xưa đã đi vào trong câu ca: Vạn Vân có bến Thổ Hà/ Vạn Vân nấu rượu, Thổ Hà nung vôi/ Tưởng rằng đá nát thì thôi/ Nào ngờ đá nát nung vôi lại nồng. Ngoài những bức tường cũ, ở đây còn tồn tại những ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi, phong cảnh hữu tình với cây đa, bến nước, đình cổ, chùa cổ đậm phong cách đồng bằng Bắc Bộ.
Theo thời gian, nghề gốm xưa dần tàn lụi. Người Thổ Hà giờ chuyển qua nghề thủ công, làm bánh đa nem, bánh đa dừa. Đi dọc đường làng, ngõ xóm, vào mỗi ngôi nhà đều bắt gặp cảnh người dân phơi từng giàng bánh san sát nhau. Họ dậy từ lúc 4h sáng, tráng bánh và đem đi phơi, giữa trưa lại thu về khi bánh đã khô.
Hàng nghìn chiếc bánh qua máy cắt thủ công cho những chiếc bánh đa nem thành phẩm, đóng gói đi khắp mọi nơi. Mùa làm bánh bận rộn nhất từ tháng 9 đến tháng 12 bởi khi đó là thời điểm chuẩn bị cho các mặt hàng vào Tết nguyên đán.
Những mẩu bánh thừa trong quá trình cắt sẽ không vứt đi mà được cho vào chảo, thêm chút tỏi, sa tế và xào giòn lên, làm món đầu nem xào. Mỗi bịch bán chỉ 5.000 đồng, nhấm nháp độ giòn, vị cay cay nơi đầu lưỡi khá thú vị.
Thổ Hà còn có đặc sản là món bánh đa dừa thơm ngọt, được tráng từ gạo, rắc thêm vừng, dừa, lạc lên bề mặt.
Gạo ngon, vừng đãi sạch, hạt lạc mẩy tròn, cùi dừa trắng, đường phèn cùng nắng hè làm chiếc bánh giòn tan khi quạt trên than hồng.
Các tràng bánh đa được gác lên cao giữa hai mái nhà, che mát cho từng con ngõ. Chiếc bánh vì thế mà đón được nắng hè nhiều hơn, nhanh khô và giòn hơn khi quạt.
Bánh đa Thổ Hà không phải mang đi rao bán mà có người đến mua tận nơi. Bánh đa bán 15.000 đồng/chiếc nhưng thực khách có thể cảm nhận được vị bùi của lạc, vị ngọt của dừa, đường phèn, thơm của gạo, của vừng trong miếng bánh giòn tan khi cầm trên tay. Trong mỗi chồng bánh bọc vào túi nilon đều có tên, số điện thoại, của chủ sản xuất và xuất xứ của chiếc bánh đa.
Nghề làm bánh đa nem, bánh đa dừa phát triển kéo theo các nghề khác cũng có việc làm, như đúc than bùn để bán cho các cơ sở làm bánh.
Mẩu bánh đa thừa, bột gạo... được tận dụng để nuôi lợn, nuôi gà. Đất chật, người đông nên chuồng chăn nuôi cũng được làm giáp ngõ, thành ra nhà nào có bao nhiêu lợn, bao nhiêu gà thì người trong làng cũng có thể đếm được hết.
Ngày hè được nghỉ học, các cậu bé trong làng thích thú bắt gà tre mang đi chọi.
Chiều hè, trẻ con và cả người lớn trong làng lại ra bến nước đầu làng, vùng vẫy thỏa thê trong làn nước mát của sông Cầu. Cạnh gốc đa, người lớn ngồi nói chuyện, chơi cờ... tạo nên một khung cảnh bình yên.
Xuất phát từ Hà Nội bằng xe máy, bạn có thể đi thẳng qua cầu Thanh Trì, lên đê Phù Đổng, đi đường Quốc lộ 1A. Đi tới thành phố Bắc Ninh, qua thành cổ Bắc Ninh, thẳng đường Thiên Đức, lên đê là tới nơi. Thổ Hà được bao quanh là sông nên muốn đặt chân lên đây chỉ có cách qua phà, mất 5.000 đồng cho cả người và xe qua sông.