Tiến sĩ dạy toán và tập truyện in hơn vạn bản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tiến sĩ dạy toán Phạm Hồng Danh vừa tái bản lần thứ 16 tập truyện ngắn và tùy bút “Tuyệt vọng và bất tử”, lần tái bản này được in song ngữ Việt - Anh do NXB Hội Nhà văn cấp phép.
Tiến sĩ, thi sĩ Phạm Hồng Danh
Tiến sĩ, thi sĩ Phạm Hồng Danh

Theo thống kê của ngành xuất bản, số lượng sách in trong những năm qua ở nước ta khá nhiều tuy nhiên mỗi tựa sách lại in rất khiêm tốn. Trung bình mỗi tựa sách hiện nay in từ 500-2.000 cuốn, nhất là sách văn học. Những nhà văn chuyên nghiệp vạn bản mỗi lần ra sách như Nguyễn Nhật Ánh là rất hiếm trên thị trường xuất bản và phát hành sách hiện nay. Nhiều tác giả sách văn học in tác phẩm lần đầu 500 cuốn nhưng hy vọng tái bản đứa con tinh thần của mình dường như chỉ có trong mơ.

Vậy nhưng tiến sĩ toán học, nhà thơ Phạm Hồng Danh lại tái bản tác phẩm văn học Tuyệt vọng và bất tử đến 16 lần với mỗi lần in 2.000 cuốn kể từ lần in đầu tiên vào năm 1999. Nếu lấy con số 2.000 nhân với 16 lần thì tác phẩm Tuyệt vọng và bất tử đã lên con số hơn 20 ngàn cuốn, một số lượng sách mà rất nhiều tác giả chuyên nghiệp hiện nay mơ ước. Điều gì khiến một tiến sĩ toán lại in được số lượng sách văn chương nhiều như vậy so với bối cảnh ế ẩm của thị trường sách?

Trong lời tựa Tuyệt vọng và bất tử được viết vào tháng 4/1999, ông Nguyễn Hoàng Năng, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM khi đó, bạn của Phạm Hồng Danh, cho biết: “Những năm tháng sống trong quân đội, gần 20 năm đứng trên giảng đường… anh luôn tự nhận mình là người mắc nợ. Nợ cuộc sống, nợ đồng đội, nợ bạn bè, nợ học sinh – sinh viên. Những quy tắc, nguyên lý và công thức toán học không đủ để anh giãi bày những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về những món nợ đời anh đã vương mang. Anh đã mượn những trang sách để phơi bày một phần “gan ruột” của mình. Nếu không tha thiết yêu thương người thì làm sao anh viết nổi những dòng như thế. Có lẽ anh đã biết yêu người một cách thiết tha”.

Phải chăng văn chương trong Tuyệt vọng và bất tử “biết yêu thương người một cách thiết tha” nên cuốn sách này đã được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận trong một phần tư thế kỷ giúp tác giả tái bản đến 16 lần?

Tiến sĩ toán Phạm Hồng Danh được nhiều thế hệ sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM biết đến khi ông có mấy chục năm giảng dạy môn toán cao cấp tại đây. Những năm tháng còn phong trào luyện thi đại học, nhà giáo Phạm Hồng Danh đã nhanh nhạy kịp thời lập trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn nằm trên đường Vĩnh Viễn, quận 10. Trung tâm này vừa là bài toán kinh tế của riêng nhà giáo Phạm Hồng Danh, đồng thời góp phần giúp đồng nghiệp phát huy sở trường và cải thiện thu nhập khi mà đồng lương nhà giáo vẫn còn eo hẹp. Trung tâm Vĩnh Viễn của nhà giáo Phạm Hồng Danh nổi tiếng đến độ gần như phụ huynh ở các tỉnh xa gần đều gửi con về luyện thi.

Tiến sĩ dạy toán và tập truyện in hơn vạn bản ảnh 1

Ấn bản song ngữ Việt – Anh Tuyệt vọng và bất tử

Nhưng ẩn sâu bên trong nhà giáo Phạm Hồng Danh là một tâm hồn luôn mơ mộng dù ông viết truyện, làm thơ cũng chỉ để “thư giãn” sau những giờ đứng trên giảng đường. Vậy nhưng, sự “thư giãn” này không chỉ là giải trí đơn thuần. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhận xét: “Phạm Hồng Danh viết truyện và làm thơ chỉ để “thư giãn” sau những giờ dạy toán căng thẳng. Nhưng đọc truyện của anh, người đọc chẳng thấy thư giãn chút nào. Anh thường đưa ra những điều nghịch lý, những lời ngụy biện để các nhân vật (và người đọc) lao vào bàn cãi xem ai “trắng” ai “đen”? Và người thắng cuộc là người hiểu rằng: “có hạnh phúc xen lẫn khổ đau, có đức hạnh xen lẫn lỗi lầm”, như trong triết lý Kinh Dịch: Âm trung hữu dương”.

Tiến sĩ toán Phạm Hồng Danh còn có nhiều trò “thư giãn” không giống ai. Nhiều lần ngồi cà phê với ông và ông dành trả tiền nhưng móc túi ra vé số nhiều hơn tiền mặt. Để ý nhiều lần như vậy, tôi hỏi ông thích chơi vé số lắm à? Ông tiến sĩ, thi sĩ Phạm Hồng Danh ngẩn người hồi lâu rồi giải thích: “À, mình vận dụng môn toán xác suất thống kê để tính xem khi nào trúng giải đặc biệt nên mua vé số hơi nhiều”. Lâu sau thấy ông móc ví chỉ còn vài tờ vé số, hỏi ông không tiếp tục tính xác suất nữa à? Lại ngẩn người hồi lâu: “À, mình mua vé số ủng hộ bà con thôi. Trúng độc đắc đều có… số hết, tính toán cũng không được”.

Thôi thư giãn bằng tính xác suất thống kê với các công ty xổ số, tiến sĩ - thi sĩ Phạm Hồng Danh chuyển qua học tiếng Anh. Nhiều lần thấy ông cầm chiếc điện thoại, miệng lẩm nhẩm một mình để học từ vựng tiếng Anh. Tưởng lần này ông chỉ thư giãn với ngoại ngữ nhưng cuốn sách song ngữ Việt – Anh Tuyệt vọng và bất tử tái bản lần thứ 16 lại được chính tác giả tham gia chuyển ngữ đến một phần tư nội dung với sự hỗ trợ của google dịch và công nghệ AI.

Nhà thơ, tiến sĩ dạy toán Phạm Hồng Danh, nói chắc nịch: “Sau khi tham gia dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh, tôi khẳng định một triệu năm nữa AI cũng không thể dịch được tác phẩm văn học. Lý do là muốn dịch phải hiểu được linh hồn của ít nhất hai ngôn ngữ, điều mà cả google và AI thiếu là linh hồn”. Chưa biết trong tương lai “khẳng định” này của ông tiến sĩ, thi sĩ Phạm Hồng Danh có được thế giới công nghệ “lật kèo” hay không nhưng đúng là không có linh hồn của ngôn ngữ thì không thể thành văn chương.

Ở tuổi được nhận sổ hưu, lẽ ra nhà giáo Phạm Hồng Danh có thể nghỉ ngơi nhưng ông vẫn không ngưng làm việc khi tiếp tục điều hành trường tư thục THPT Vĩnh Viễn. Ông muốn gắn bó với bục giảng hay đúng hơn muốn sống mãi với nghề giáo, nghề mà ông tiến sĩ – thi sĩ đã tự vẽ chân dung mình bằng bài thơ “Người suốt đời tập nói”: “Tôi hiểu gì sau bao năm cầm phấn/ Còn lại gì từ dòng chữ tôi ghi/ Gánh trên vai quê hương nhiều lận đận/ Từ nơi này tôi tiễn các em đi/ Chưa nói hết những điều trong ý nghĩ/ Để lòng mình bao ấm ức mang theo/ Ôm khát vọng cùng đi tìm chân lý/ Hạnh phúc tôi đôi mắt ấy trong veo/ Chưa hiểu hết bảng đen cùng phấn trắng/ Dẫu tuổi đời cứ chồng chất trên vai/ Tôi vẫn sống với niềm vui thầm lặng/ Rơi âm thầm như bụi phấn ban mai/ Trái tim tôi bao lần tự hỏi/ Nỗi niềm nào đành giấu kín thôi em/ Cứ như thể suốt đời tôi tập nói/ Trước học trò và phấn trắng bảng đen”.

Sau 15 lần tự phát hành, lần tái bản thứ 16 này tập truyện và tùy bút song ngữ Việt – Anh Tuyệt vọng và bất tử đã được thi sĩ, tiến sĩ Phạm Hồng Danh nhờ Nhà sách Kinh Tế phân phối. Bạn đọc có thể mua sách trực tiếp tại Nhà sách Kinh Tế (490B Nguyễn Thị Minh Khai, P.2, Q.3, TP.HCM) hoặc trên các sàn thương mại điện tử thịnh hành hiện nay.

TIN LIÊN QUAN
Hố lớn trên đường lăn sân bay Miyazaki sau vụ nổ bom. Ảnh: CNN.
Bom từ Thế chiến II phát nổ tại sân bay Nhật Bản
(Ngày Nay) - Một quả bom Mỹ chưa được phát hiện từ Thế chiến II đã phát nổ tại một sân bay của Nhật Bản, khiến cho hơn 80 chuyến bay bị ảnh hưởng và phải hoãn lại. Chính quyền Nhật Bản cho biết vụ việc không gây ra bất kì thương vong nào.
Hình logo OpenAI được chụp vào ngày 20/5/2024. Ảnh: Reuters.
Những tính năng mới của OpenAI nâng cấp quá trình tạo giọng nói
(Ngày Nay) - OpenAI đã hé lộ một loạt các công cụ mới giúp các lập trình viên dễ dàng tạo ra những phần mềm ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là trong bối cảnh khi ChatGPT đang phải cạnh tranh với những “ông lớn công nghệ” khác để theo kịp cuộc đua AI.
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
(Ngày Nay) - Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hoá từ hai công ty Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/10. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm loại bỏ các hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của quốc gia này.