Truyện ngắn Tết: Dưới bụi mưa Xuân

Truyện ngắn Tết: Dưới bụi mưa Xuân

Xe đến chân đèo Giàng, khí lạnh từ những ngọn núi đẫm sương tràn xuống khiến da thịt thêm giá buốt. Lưu kéo lại cổ áo, ngồi nhích vào sâu hơn phía trong ghế. Anh nhắc cô bé bên cạnh khép lại cửa kính, nàng nhăn nhó, thế thì bí lắm, cháu chịu không nổi, rồi nhắm mắt, gục xuống chiếc túi trên đùi ngủ tiếp. Lưu khẽ lắc đầu mỉm cười.

Con đường dốc quanh co men theo triền núi gợi cảm giác ái ngại. Chỉ cần tài xế sơ sểnh, chiếc xe sẽ bay như chim xuống đáy vực. Khoảng cách đến đó dễ hơn hai trăm mét. Chắc chẳng còn gì nguyên vẹn. Sao bỗng dưng toàn nghĩ những linh tinh. Lẩm cẩm thật rồi. Cuối xe chợt có ai lên tiếng:

- Đến chỗ “giải lao” chưa bác tài ơi?

Tài xế khẽ giọng từ tốn:

- Chị Thắm ơi, cho khách xuống đây “ngắm cảnh” hay thế nào ạ?

Người phụ nữ bịt khăn kín mặt, ngồi bên cửa lên xuống đoán chừng chủ xe, khẽ đáp:

- Đèo Gió đi, đến đấy nghỉ một thể chú ạ.

- Vâng! Hành khách cố nín chút nhá, chục cây nữa là đến rồi

Lưu hơi nhổm người. Cái tên, cả giọng nói vừa cất lên kia nghe quen quen? Nhưng vội gạt đi, ở đời thiếu gì người giống nhau, rồi đưa mắt nhìn ra ngoài. Rừng bên đường loang loáng như trôi lại phía sau. Dưới thung sương mù bị gió thổi thốc đuổi theo xe ùn ùn như bầy ngựa. Lập xuân rồi mà còn rét thế này. Ai đó lẩm bẩm, chưa năm nào rét như năm nay. Tết đến nơi mà đêm nào sương muối cũng phủ trắng. Cây cỏ bỏng lạnh chết khô, trâu bò lên cước phồng vó đổ ngã cả loạt như mắc dịch.

Trước ngày ra Bắc, vợ nhìn Lưu ái ngại, họ hàng ở Mục Mã chẳng còn ai, về thì ở đâu? Tết nhất chẳng lẽ vào nhà trọ hay khách sạn. Bao năm thành người Đăk Lăk, đón Tết Tây Nguyên kể như đã quen nhưng lòng vẫn chưa thôi nhớ về Bắc mỗi độ Xuân về. Cận Tết càng thêm nhớ. Thấy như thiếu thứ gì. Rồi nhận ra thiếu đó là những cơn gió bấc, những bụi mưa phùn nhẹ như sương phủ khắp rừng núi. Nét riêng ấy đã ngấm vào máu thịt. Có tuổi càng nhớ, luôn mong được trở về. Giờ sắp toại nguyện. Đã bắt đầu gặp lại những ngọn gió buốt lạnh, cùng giọng nói người quê nhà.

Xe từ từ tạt vào bên đường, rồi dừng lại.

- Nghỉ giải lao nhá.

Hành khách nối nhau xuống xe. Đèo Gió đây. Vẫn như ngày nào. Một dãy vừa là nhà, vừa là quán mái lợp tranh của đồng bào Dao như những chú gà trụi lông run rẩy trong gió. Khách đến ngồi bên những rổ trứng luộc, có người gọi mì ăn liền. Lưu không thấy đói. Nhìn quanh, chẳng ai quen. Đa phần là sinh viên về nghỉ tết. Hôm nay đã là ngày Táo quân lên trời, giờ mới về là muộn. Khẽ thở dài, quê nhà đây mà hóa như kẻ lạ. Chẳng ai biết mình, mình chẳng biết ai. Thôi, hãy bỏ qua mà tận hưởng đã, Xuân đang đến rồi.

*

Cũng vào những ngày này cách nay hơn ba chục năm. Sớm ấy dưới suối Cun, nàng mải miết đãi đỗ. Đã định gọi nhưng nhìn đôi chân trắng ngần của nàng lấp lóa dưới nước Lưu chợt ngần ngại. Cảm giác có ai phía sau, nàng ngoái lại nhìn, khẽ reo:

- Ôi anh! Sao đứng ngây ra thế kia?

Tai Lưu nóng bừng:

- Anh đến trả sách nhưng bác đi vắng…muốn nhờ Thắm nhận giúp.

- Em xong rồi đây, anh đỡ giúp em với.

Đón dậu đỗ từ tay Thắm, Lưu ái ngại:

- Dưới đó lạnh lắm, sao em có thể…

- Dạ, chỉ lúc mới lội xuống thôi, sau rồi quen anh ạ. Anh thử chút nhé.

Nàng vẩy những ngón tay làm những giọt nước li ti bắn vào Lưu, anh nghiêng đầu tránh. Nàng cười, tiếng cười lan trong sớm mai mù sương.

- Bao giờ anh đi?

- Mùng năm em ạ.

Nàng khẽ thở dài. Anh quen cha nàng trước khi biết nàng. Cha nàng là nhà báo đã nghỉ hưu, ông nổi tiếng bởi có một thư viện nhiều sách quý, được tích luỹ bằng đồng lương ít ỏi suốt bao năm. Biết anh là người ham đọc, ông tỏ ra mến lắm, còn được ông tin tưởng cho mượn nhiều sách quý. Mỗi khi đưa sách cho anh, ông đều nhắc, phải giữ cẩn thận, sách là người bạn lớn, là người thầy… Cứ thế đều đều, cách vài ngày anh lại đến nhà nàng trả sách, rồi lại tiếp tục mượn cuốn khác về đọc. Có lần gặp, ông vui vẻ: “Thôi thì anh chuyển về đây ở hẳn cho tiện, cứ đi lại thế này lối cỏ nhà tôi không kịp mọc mất”. Thoáng ái ngại, lẽ nào ông đã biết tình cảm của anh với con gái ông mà có ý ngầm trách không cho ông biết. Chắc không phải vậy, ông là người hiểu biết, lịch lãm và tế nhị lắm! Anh từ tốn:

- Bác ơi cỏ sẽ sớm xanh lại thôi, cháu sắp chuyển vào Nam rồi.

Quen ngóng bước chân anh mỗi khi chiều xuống để có người chuyện trò vui vẻ, nay nghe sắp phải chia tay ông chợt bần thần. Nàng còn buồn hơn nhưng cố giấu đi nỗi niềm, kể anh nghe tâm sự của cha:

- Pa em bảo, trong những người pa quen biết, anh là người nói chuyện hợp với pa nhất đấy!

Anh khẽ hỏi:

- Còn em thì sao?

- Biết nói thế nào nhỉ… khó quá!

- Ý em là?

- Vài ngày nữa đã xa nhau, em thấy anh vẫn thản nhiên như chẳng có gì bận lòng, em buồn và lo lắm. Chẳng biết lúc xa nhau thật rồi sẽ thế nào?

- Thắm ơi! Anh đâu phải kẻ vô tình! Là chưa thể nói ra với em thôi. Những ngày qua anh đã nghĩ rất nhiều! Bấy lâu mọi việc trong nhà đều trông cả vào anh. Hoàn cảnh lúc này khó khăn lắm! Anh đã quyết định xin thôi việc để vào Tây Nguyên tìm cơ hội giúp gia đình, trong đó người nhà anh đang chờ anh vào. Khi nào ổn định sẽ ra đón mọi người, rồi sẽ đón em, cả pa nữa vào trong đó. Định sẽ như vậy, em thấy có được không?

Nàng im lặng. Mơ hồ, hình như có gì đó thiêng liêng đang dần tuột khỏi tay. Nhưng vẫn tỏ mặt bình thản. Đêm nay là hai mươi chín âm, bên nồi bánh chưng đang sôi trên bếp nhà nàng, nàng ngồi tựa vào vai anh. Ngày kia là mùng một tết, mùng năm anh đã phải xa đây. Anh nắm tay nàng âu yếm. Hai đứa nhìn nhau bồi hồi. Chưa xa mà lòng đã đầy thương nhớ.

Ngày anh đi mưa bụi trắng trời. Gió hun hút lùa đến từ khe sâu. Bóng anh xa dần rồi khuất hẳn sau cánh rừng. Chỉ lời hứa “sẽ trở về đón em, cả pa nữa” ở lại. Nhưng ngày ấy cứ dần xa. Vùng đất mới chẳng dễ làm ăn như tưởng. Cha mẹ đã bán tất cả gia tài chủ động theo xe đò tìm vào trong đó với anh. Cứ nghĩ khó khăn chỉ tạm thời, nhưng thiên tai, dịch bệnh cả sự thiếu kinh nghiệm trong canh tác cây công nghiệp đã đẩy gia đình vào cảnh túng bấn. Vốn liếng cạn dần. Nhưng mất mát lớn nhất, là liên tiếp trong hai năm do ốm đau bệnh tật cha mẹ đã dắt nhau về trời. Khó khăn nhiều lúc muốn đẩy anh ngã gục. Không thể! Gục xuống lúc này sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa. Phải tiếp tục hành trình.

Được tin nàng trúng tuyển Đại học Y Việt Bắc, anh mừng lắm. Vẫn thư đều gửi về động viên, nhưng thư nàng tới ngày một thưa vắng. Nhiều lúc phân vân, rồi lại gạt đi, chắc nàng bận học. Điều lo ngại cuối cùng đã đến. Nàng đã lấy chồng! Cái tin ấy theo toán người di cư từ quê vào, bất ngờ đến tai anh thật. Thực hư ra sao phải về mới biết, nhưng xa cách ngàn trùng, tiền không có, cách nào? Khổ đau, tuyệt vọng làm anh muốn hóa điên. Có người khuyên: “Chim đã về trời, cá đã về sông, đừng tự làm khổ mình nữa, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi”. Còn cách nào hơn. Bao việc ngổn ngang đang đợi phía trước. Phải buông, phải quên đi để tiếp tục sống, tiếp tục gây dựng mới hy vọng đưa gia đình thoát khỏi ngõ cụt đói nghèo.

Quả nhiên thời gian, công việc đã giúp anh vượt qua khủng hoảng, tâm trạng ổn định dần. Sẽ vĩnh viễn quên nàng ư? Chắc không, nhưng anh đã tập cho mình thói quen lao vào công việc chăm sóc rẫy cà phê, những trụ tiêu đang hứa hẹn thành quả. Có lúc nào ký ức thức dậy, cũng chỉ còn như một thoảng gió nhẹ buồn.

Xuân nay nữa đã hơn ba chục năm xa cách. Anh đã có một gia đình, các con đã lớn. Tóc nay đã bạc quá nửa. Đời người nhanh quá! Giờ mới có cơ hội trở về. Có phải chỉ để thăm lại quê nhà, dấu ấn kỷ niệm xưa, hay còn muốn tìm câu trả lời cho mối tình dĩ vãng? Thôi nào, đừng bận lòng. Bao năm rồi mới được tận hưởng cái khí lạnh thấm sâu da thịt. Lưu rời quán, bước ra ngoài. Trước mặt là vực đá thăm thẳm gợi cảm giác rờn rợn. Đang lan man chợt nghe có ai khẽ cất sau lưng.

- Chim lạc bầy trở về có thấy gì quen không?

Là giọng nói đó. Người đàn bà chủ của chiếc xe Limousine mười lăm chỗ đến đứng sau anh từ lúc nào. Anh quay lại. Không còn khăn che mặt. Những nét xưa quen thuộc bỗng hiện ngay trước mắt. Trống tim chợt rộn. Có phải đó không? Đúng là nàng rồi! Hóa ra nàng đã nhận ra anh từ lúc anh lên xe dưới Hà Nội nhưng đã im lặng cho đến lúc này. Anh run run:

- Là em đó sao?

- Còn nhận ra người quen ư?

- Sao có thể quên.

- Vậy sao giờ mới về?

- Chuyện dài lắm Thắm ơi!

Anh kịp ghìm lòng. Những lời định nói có lẽ không còn thích hợp.

- Đã từng hứa sẽ trở về, và em đã đợi. Ngày nào cũng ngóng nhưng càng ngóng càng bặt tin. Cho đến ngày pa mất, anh biết em đã đau khổ thế nào không?

- Chẳng phải ngày đó người ta đã quên nhau để đến với người khác rồi sao?

- Bây giờ có trách nhau thế nào cũng đành chịu thôi! Em đâu ngờ số phận mình lại như vậy. Mãi sau này mới biết nguyên nhân từ đâu. Có người vào Tây Nguyên làm ăn, sau nhiều năm trở về đã tìm đến em thú nhận. Ngày đó chỉ vì túng thiếu đã hồ đồ nhận lời với một người để đưa tin nhảm đến tai anh. Khi biết mình đã tiếp tay gây đau khổ cho người khác thì ân hận vô cùng. Sau này biết anh là người hiền lành, thường giúp đỡ những phận nghèo càng ân hận hơn. Cho đến khi gặp em nói ra được tất cả mới thấy như trút bỏ phần nào tội lỗi.

- Là ai vậy?

- Người bày đặt ra chuyện này ư? Anh có tưởng tượng được không, là chồng em bây giờ đấy! Anh ấy còn đến gặp em nói rằng, có người nhà mới từ Đăk Lăk ra cho biết, trong đó anh đã có người khác, sắp kết hôn rồi. Thoạt đầu hồ nghi, đau khổ rồi oán giận. Nào hay, để đoạt được cái thân này về mình người ta đã thật kỳ công với ý những đồ đầy tính toán. Ngày đó sao có thể ngốc nghếch dễ tin đến vậy? Vào những ngày đó pa em đột ngột ốm nặng, rồi mất. Chỉ còn lại một mình với bao khó khăn chưa từng đối mặt. Nhiều lúc bế tắc chẳng biết chia sẻ cùng ai. Có ai đến thăm hỏi đã thấy ấm lòng và biết ơn lắm. Những ngày đó anh ấy thường lui đến nhà em, quan tâm, chăm sóc như với người ruột thịt. Trong lúc tâm trạng bối rối sao đủ khôn ngoan để nhận biết người ta thành tâm hay có ý. Nước chảy sắt cũng phải mòn, anh ấy đã chọn thời điểm thích hợp, kiên nhẫn với kế hoạch và kết thúc nó. - Nàng khẽ thì thầm - Em chỉ là người phụ nữ bình thường, yếu đuối, cả tin ngốc nghếch nữa. Giờ có oán trách nhau thế nào em cũng đành nhận thôi...

Từng lời nàng tựa lưỡi dao khứa vào tim. Nguyên do là thế đấy, vậy mà ngày đó anh đã nghĩ sai về nàng. Giá không vì nông nổi, hồ đồ, không vì đói nghèo, cách trở. Thôi nào, đừng tự trách mình, cũng đừng oán trách ai. Mọi chuyện đã qua rồi. Hãy để quá khứ ngủ yên như đã bao năm.

- Em đã theo học Đại học y kia mà?

- Chuyện đó xưa rồi! Đành thuận theo số phận thôi. Quên mọi ưu phiền, chấp nhận thực tế là cách em đã lựa chọn. Như cuộc hôn nhân của mình vậy, trót lỡ rồi thì phải gạt bỏ xem thường, khinh bỉ mà lo làm tròn bổn phận. Còn sự nghiệp ư! Nay đang là bác sĩ, mai mốt đã bỏ nghề thành kẻ buôn lậu. Dần mở quầy bán vải ở chợ, rồi tậu xe chở khách kiếm tiền nuôi chồng con. Có đứa con trai duy nhất thì chết vì nghiện ma túy. Chán đời, chồng tối ngày uống rượu. Tiền kiếm nhiều chẳng biết để làm gì. Nhưng cứ ngày ngày ngồi nhà nhìn di ảnh con trên ban thờ, chứng kiến chồng say xỉn sống khác gì chết. Đi thế này cũng là cách tự giải thoát bản thân…

Đó là những gì nàng đã phải trải qua đó ư. Hỡi ôi, toàn những bất hạnh nào hay biết. Vậy mà có lúc anh đã trách nàng. Thật ích kỷ nhỏ nhen. Nàng không đáng bị như vậy, cả trong ý nghĩ cũng không được phép nghĩ xấu về nàng. Nàng nhìn về dãy núi xa. Những điều vừa nói ra như khối đá bao năm đè nặng trong ngực vừa được gỡ bỏ. Nàng đứng kia, gần lắm, chỉ một với tay là tới. Nhưng không thể, tất cả đã khác xưa rồi. Giờ nàng không còn trẻ đẹp như ngày nào nhưng nét đằm thắm, dịu dàng vẫn đó. Anh thấy tình cảm với nàng giờ cũng đã khác. Yêu ư? Hẳn nhiên rồi. Nhưng đó là tình cảm yêu thương của một người anh với người em gái đã chịu nhiều mất mát thiệt thòi. Anh nắm tay nàng, run run:

- Thắm ơi, hãy tha lỗi cho anh.

- Không sao đâu, quá khứ rồi mà anh! Ta nói chuyện khác đi.

Anh gật đầu, âu yếm nhìn nàng.

-Anh biết không trước lúc mất pa vẫn nhắc anh đấy! Pa bảo, pa thấy nhớ thằng Lưu! Giá lúc này nó ở đây. Khi nào nó về con phải nói cho nó biết, pa nhớ và quý nó thế nào…

Lòng chợt ngẹn ngào. Dưới thung chợt vọng lên tiếng gió lùa qua rừng cây nghe như tiếng thở dài. Nàng nhìn anh, chân thành:

- Về trên đó anh đến ở nhà em nhé…

- Không tiện đâu em.

- Anh đừng ngại. Là căn nhà cũ của gia đình em bên suối Cun kia. Từ sau ngày lấy chồng em vẫn giữ lại ngôi nhà đó. Hàng ngày vẫn cho người đến trông nom, quét dọn. Em nghĩ ở đấy chắc sẽ hợp với thú mê đọc sách của anh. Với lại cũng phải có chỗ để còn đón bạn bè đến chúc tết nữa chứ.

- Biết thế đã, anh sẽ nghĩ thêm rồi tính nhé.

- Về nhà rồi mà anh! – Như đoán được điều làm anh đắn đo, nàng bảo – Nhà vợ chồng em cũng gần đó, anh ấy giờ chỉ còn biết nằm một chỗ thôi, mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Tội nghiệp lắm! Tết nhất đến nơi, giá nhà không có người ốm đau có phải hơn không.

- Chỉ e sẽ làm phiền em và mọi người.

- Trời ạ, có gì mà phiền! Biết anh về bạn bè chắc vui lắm. Anh đồng ý rồi nhá, không thay đổi nữa đâu đấy!

Nàng trở nên vui vẻ khác thường. Cùng lúc không gian chợt hửng lên. Tài xế mở cửa xe:

- Mời mọi người lên xe tiếp tục hành trình nào.

Chiếc xe từ từ trườn xuống dốc Ngân Sơn. Lưu nhìn sang Thắm. Vẻ mặt nàng lúc này thật thư thái, có gì đó như niềm vui lấp lánh trong đôi mắt dịu hiền. Trên cao mưa vẫn rơi rơi như bụi phủ kín bầu trời, che lấp cả những tia nắng yếu ớt lấp ló sau rặng núi phía Tây. Lưu chợt tự hỏi, mình đang mơ? Không! Đã trở về thật rồi. Nàng đang phía trước kia. Quê nhà đang ngay dưới chân. Cả mùa xuân với khí lạnh cùng những bụi mưa như phấn đang tràn ngập không gian kia nữa. Anh chợt thấy mình như trẻ lại, đang trôi đi trên con đường xưa với bao niềm vui, nỗi buồn của một thời. Một thời dẫu đã qua nhưng sẽ còn mãi trong tâm tưởng.

Hà Nội tháng 11 năm 2021

Truyện ngắn CAO DUY SƠN

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.