Người ta thấy những ngôi sao giải trí hàng đầu đua nhau làm video clip TikTok. Những câu nói, đoạn nhạc, vũ đạo… từ TikTok đi ra đời sống, len lỏi vào ngôn từ, phục trang và cách ứng xử. Một làn sóng mới đang tràn đến, còn dữ dội và khó cưỡng lại hơn làn sóng Hàn Quốc ngày nào…
________________________
Bomman - caster (1) trẻ và cực nổi tiếng trong cộng đồng game thủ Việt Nam – khi được hỏi rằng ứng dụng mạng xã hội nào có thể sẽ soán ngôi Facebook? Cậu thanh niên đưa ngay cái tên YouTube, rồi suy nghĩ thêm 1 chút và nói cũng có thể là TikTok. Nhiều KOLs đã mở tài khoản TikTok và nhanh chóng có được lượng theo dõi rất cao, nhưng Bomman (tên thật là Hải) không mấy mặn mà với TikTok.
- Em vào TikTok chủ yếu để xem, rảnh thì làm tí thôi – Bomman cười - Những nền tảng mạnh xã hội khác sẽ xác định được tập fan, nhưng TikTok thì gần gũi với nhiều tầng lớp khác nhau, lượng xem đông hơn nhưng cũng loãng hơn.
Có hơn 100 nghìn người theo dõi trên Facebook, mỗi buổi livestream có thể lên tới hàng chục nghìn người xem, Bomman đang là một trong những caster có độ phủ ảnh hưởng thần tốc trong thời gian chỉ khoảng 2 năm. Trở thành đối tác nội dung của Facebook góp phần rất lớn vào sự thành công của Bomman.
Dù TikTok đang là trào lưu cực kỳ thịnh hành, và giới trẻ Việt Nam ồ ạt sử dụng, thì Bomman và nhiều người dùng mạng xã hội khác vẫn chưa thể tin đó sẽ là ứng dụng thay thế được Facebook. Đã từng trải qua các giai đoạn kết nối từ forum, qua blog, rồi tới Facebook, YouTube… họ không ngạc nhiên trước sự thành công thần tốc của TikTok, nhưng cũng rất hoài nghi về sự bền vững của nó.
Sự sáng tạo về nội dung của đại đa số người dùng TikTok quá thấp, bởi lệ thuộc vào các meme (2) về hình ảnh và âm thanh tạo ra một dạng thức nội dung phổ biến nhất trên TikTok đó là nhái lại. Nếu có sử dụng TikTok, bạn hẳn thừa nhận rằng với TikTok - thật kỳ lạ - người ta có thể quệt (3) miệt mài hàng chục, hàng trăm lần, để xem những người khác nhái lại 1 đoạn tấu hài hoặc 1 điệu nhảy.
Bám trend (4) – đó là nguyên tắc tối thượng nếu muốn thành công trên TikTok. Thậm chí, TikTok có cả “Trends Creator Academy” - chương trình dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung.
Bạn rất vất vả ở các mạng xã hội khác để có nhiều người theo dõi? – TikTok cho bạn vô số.
Lượng tương tác của bạn ở các mạng xã hội khác rất thấp? (chẳng hạn, với Facebook thì chỉ có khoảng 5-8% người theo dõi nhìn thấy các nội dung của bạn hiển thị) – TikTok “mở traffic” gấp nhiều lần.
Bạn bị kiểm soát rất chặt ở các mạng xã hội khác về bản quyền? - bạn sẽ gần như không gặp trở ngại gì với TikTok. Ngoài ra kho nhạc do TikTok tạo ra bằng AI (5) cũng là khổng lồ cho nhu cầu sử dụng của người dùng.
TikTok bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2019. Đại diện ứng dụng này cho biết họ có nhân sự trực 24/24 với một lớp kiểm duyệt nội dung bằng máy và hai lớp kiểm duyệt thủ công. Chỉ 1 năm sau, trong đợt cách ly xã hội đầu năm 2020, TikTok bùng phát thành hiện tượng, với vô số ngôi sao giải trí tham gia, qua đó cuốn hút đông đảo thanh thiếu niên. Theo thống kê công bố hồi tháng 6 vừa qua của We are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội), TikTok xếp thứ sáu trong số những mạng xã hội được yêu thích tại Việt Nam.
Thực ra TikTok không phải nền tảng đầu tiên lấy cảm hứng chia sẻ các video tự làm của người dùng để phát triển. Đã từng có 1 ứng dụng được mua đứt với giá 30 triệu đô la, ngay từ khi nó còn... chưa chính thức ra mắt.
Tháng 6/2012, Colin Kroll, Dom Hofmann và Rus Yusupov đã tạo ra ứng dụng Vine, một nền tảng chia sẻ video ngắn. Điều đặc biệt là Vine cung cấp công cụ để người dùng ghi lại những khoảnh khắc thường ngày và chia sẻ cùng bạn bè, quay và dựng clip chỉ trong 6 giây. Khoảng thời gian này lúc đó được cho là quá ngắn để có thể tạo ra một nội dung có đầu có đũa. Thế nhưng, rất nhanh chóng người ta nhận ra rằng, với sự sáng tạo và logic chặt chẽ, 6 giây là quá đủ để kể một câu chuyện hấp dẫn, mà lại không khiến người xem ngần ngại vì mất thời giờ.
Đánh hơi thấy tiềm năng từ ý tưởng đột phá, Twitter mua lại Vine với giá 30 triệu USD vào tháng 10/2012, rồi chính thức tung ra cho cộng đồng mạng vào đầu năm 2013.
Chỉ trong 8 tháng kể từ khi bắt đầu được đưa ra thị trường, Vine đã đạt tới số lượng 40 triệu người dùng trên toàn thế giới, trở thành một trong những ứng dụng xã hội phổ biến nhất năm 2013. Ở một số thị phần, ví dụ tại Nhật Bản, Vine dẫn đầu ứng dụng được sử dụng trong giới trẻ. Điểm nổi bật của ứng dụng này chính là thời gian 6 giây và chức năng loop (lặp đi lặp lại), khiến các nhãn hàng rất hào hứng rót tiền quảng cáo.
Tờ The New Yorker nhận định: “Trong chớp mắt, với vòng lặp vô tận, Vine vừa rút ngắn thời gian, và cũng vừa kéo dài nó”. Năm 2014, thống kê cho thấy có tới 3,64% người dùng trình duyệt Android cài đặt Vine trong tháng 8. Đó là đỉnh cao của Vine.
Thế nhưng, việc có quá nhiều meme dẫn tới tình trạng có rất nhiều nội dung trùng lặp. Trong khi những người quản lý Vine còn đang đau đầu tìm cách lôi kéo người sử dụng bắt đầu nhàm chán, thì những đối thủ bắt đầu tung ra những đòn chí mạng.
Instagram ra mắt video 15 giây và sau đó là Snapchat cũng cung cấp dịch vụ cắt dựng và chia sẻ video 10 giây. Thế mạnh của các mạng xã hội này là đã có lượng người dùng trung thành, và khi có thêm giải pháp video ngắn tương tự như Vine, thì chính Vine trở thành kẻ lạc lõng.
“Mọi thứ cản trở Vine xuất phát từ một vấn đề, đó là sự thiếu thống nhất và khả năng lãnh đạo trên một tầm nhìn cụ thể”, Ankur Thakkar – người đứng đầu Vine từ 2014 đến 8/2016 chia sẻ. Thực vậy, sự thay đổi để thích ứng của Vine là quá ít ỏi, và người ta so sánh nó với câu chuyện của điện thoại Nokia – hoàng đế băng hà trên đỉnh cao quyền lực.
Ngày 17 tháng 1 năm 2017, Twitter và Vine đã thông báo khai tử Vine - nền tảng chia sẻ video ngắn 6 giây đầu tiên và duy nhất trên thế giới.
Câu chuyện của Vine có thể lặp lại với TikTok không? Dù nhiều điểm giữa 2 nền tảng này giống nhau, thì điểm khác biệt lớn nhất, đó là tiềm lực tài chính dồi dào mà TikTok có được.
Ở Trung Quốc, phiên bản tiếng Trung Douyin đã có gần 315 triệu lượt tải xuống trên toàn thế giới trong quý đầu tiên năm 2020. Tháng 4 vừa qua, TikTok đã vượt qua YouTube để trở thành ứng dụng có doanh thu cao nhất trên thế giới. Theo các báo cáo, ByteDance (công ty sở hữu TikTok và Douyin) đã đạt doanh thu hơn 17 tỷ USD vào năm ngoái (gấp đôi năm 2018), lợi nhuận ròng hơn 3 tỷ USD.
Cần nhớ rằng, ở Trung Quốc các mạng xã hội phổ biến trên thế giới đều bị chặn, và thế độc quyền đó tạo ra một dòng lợi nhuận hết sức ổn định cho ByteDance để thúc đẩy TikTok vào cuộc chinh phục thế giới.
Công ty chuyên điều tra và phân tích số liệu Sensor Tower đã phát hành một báo cáo chi tiết cho thấy ứng dụng TikTok là app (không phải game) được tải xuống nhiều nhất thế giới vào tháng 5 năm 2020, gấp đôi so với con số 111,9 triệu lượt tải vào cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, những cáo buộc TikTok đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng ngày càng nhiều. Đỉnh điểm, ngày 29/6/2020, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ tuyên bố cấm 59 ứng dụng di động chủ yếu là của Trung Quốc, bao gồm Tik Tok, WeChat, trình duyệt web UC Browser, vì các ứng dụng này “gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ”. Theo Bộ này, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ. Sau tuyến bố trên, 59 ứng dụng di động, trong đó có TikTok bị cấm trên cả các thiết bị sử dụng Internet di động và không di động ở Ấn Độ.
Chỉ sau lệnh cấm của Ấn Độ ít ngày, 3/7/2020 đến lượt nhóm hacker lớn nhất thế giới Anonymous cáo buộcTiktok là “phần mềm gián điệp của Trung Quốc” và khuyên người dùng nên xóa ngay. “Hãy xóa TikTok ngay bây giờ”, @YourAnonCentral - một trong những tài khoản được cho là của nhóm Anonymous viết trên Twitter - “Nếu bạn biết ai đó đang sử dụng nó, hãy giải thích cho họ rằng nó cơ bản là phần mềm độc hại được điều hành bởi chính phủ Trung Quốc đang chạy một hoạt động gián điệp khổng lồ”.
Như để hưởng ứng, đúng 1 tuần sau đó, streamer Tyler “Ninja” Belvins đã tuyên bố xóa tài khoản TikTok của mình vì lý do liên quan đến bảo mật và quyền lợi người dùng. Chia sẻ trên tài khoản Twitter sở hữu hơn 6 triệu lượt theo dõi, Ninja cho biết: “Tôi đã xóa ứng dụng TikTok khỏi toàn bộ thiết bị của mình. Hy vọng rằng công ty khác ít can thiệp vào dữ liệu người dùng hơn và không thuộc sở hữu của Trung Quốc, có thể tái tạo lại concept chia sẻ video này. Đây là cách tuyệt vời để các influencer chia sẻ những nội dung hài hước và độc đáo của mình”.
Trung tuần tháng 7, chính phủ Mỹ cũng đã tuyên bố họ đang xem xét đến khả năng cấm TikTok tại quốc gia này, giống như những gì Ấn Độ đã thực hiện.
Tương tự như Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ sự lo ngại những mối đe dọa liên quan đến an ninh quốc gia mà hàng triệu tài khoản TikTok tại Hoa Kỳ có thể vô tình gây ra. Ông cũng cảnh báo người dân nên thận trọng khi tải về và sử dụng ứng dụng này, bởi dữ liệu của họ hoàn toàn có thể bị Trung Quốc thu thập và theo dõi.
Đại diện của TikTok chống chế: “TikTok được dẫn dắt bởi CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên, lãnh đạo luôn tuân thủ các quy tắc bảo mật, sản phẩm và chính sách công cộng tại quốc gia này. Mục tiêu tối cao của chúng tôi là tạo ra môi trường, trải nghiệm an toàn cho người dùng. Chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu của họ cho chính phủ Trung Quốc, ngay cả khi họ có yêu cầu chúng tôi làm vậy”.
Chính phủ Trung Quốc giữ thái độ im lặng trong những tranh luận này.
Làn sóng tái bùng phát COVID-19 đang lan rộng trên thế giới, và tương tự như lần đầu, sự cách ly khiến con người nhàm chán và buộc phải tìm đến những ứng dụng giải trí sinh động như TikTok. Bởi vậy, bất chấp sự cảnh báo thậm chí ngăn cấm của các chính phủ, TikTok vẫn đang bành chướng thế lực của mình từng giây từng phút. Chiếc đồng hồ made in China vẫn điểm đều đều trên tất cả các múi giờ, và không ai dám chắc tiếng “tik-tok” ấy đang đếm thứ gì.
________________________________
(1) Caster: Người bình luận games theo hình thức livestream.
(2) Meme: Một biểu tượng về mặt văn hóa hoặc một ý tưởng nào đó được lan truyền trên mạng Internet, trở thành hình mẫu để nhiều người nhái theo.
(3) Quệt: Với ứng dụng TikTok, mỗi lần quệt trên smartphone sẽ đưa đến 1 nội dung video mới.
(4) Trend: Xu hướng, trào lưu đang thịnh hành.
(5) AI (Artificial Intelligence): Trí tuệ nhân tạo.
Bài: Phạm Gia Hiền
Thiết kế: Mẫn San