Cuộc đụng độ làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại Thung lũng Galwan vào tối 15/6 cho thấy tình hình biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang nóng lên tới mức độ chưa từng có trong nhiều năm qua.
Hỗn chiến ở Thung lũng Galwan
Theo trang The Diplomat, địa điểm của cuộc hỗn chiến mới nhất là Thung lũng Galwan – một điểm nóng từ cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, đã nổi lên như một điểm bất đồng gay gắt giữa hai bên kể từ tháng 5 năm nay. Nằm ở phía Đông Ladakh, dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ngăn cách các khu vực do Ấn Độ và Trung Quốc nắm giữ, Thung lũng Galwan – giống như hầu hết các địa hình hình dọc theo LAC, nằm ở độ cao lớn và không có người sinh sống.
Mặc dù chi tiết về vụ việc vẫn đang được giữ kín, nhưng con số thương vong nói trên đánh dầu lần đầu tiên xảy ra một cuộc ẩu đả thiệt hại về người lớn như vậy dọc theo biên giới hai nước trong ít nhất 45 năm qua. Cường độ của vụ bạo lực này được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1967.
Cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, mà các báo cáo đầu tiên của Ấn Độ cho rằng không liên quan đến việc sử dụng bất kỳ loại súng ống nào, diễn ra chỉ vài ngày sau khi các báo cáo trên phương tiện truyền thông Ấn Độ cho rằng hai bên đã đi đến một thỏa thuận cho binh sĩ "nghỉ ngơi một phần" và đã di chuyển các lực lượng vũ trang lùi trở lại một số chốt dọc theo biên giới. Quân đội Ấn Độ cho rằng, đụng độ đã xảy ra trong giai đoạn được mô tả là “quá trình giảm leo thang” ở khu vực Thung lũng Galwan.
Binh sĩ Ấn Độ kéo xe chở pháo vào trận địa trên núi cao trong cuộc chiến Trung- Ấn năm 1962. Ảnh: Indiandefencereview |
“Trong quá trình giảm leo thang đang diễn ra ở Thung lũng Galwan, một cuộc đối mặt bạo lực đã diễn ra tối hôm qua, có thương vong”, Quân đội Ấn Độ ghi nhận trong một tuyên bố ban đầu. “Bên phía Ấn Độ tổn thất một sĩ quan và hai binh sĩ. Các quan chức quân sự cấp cao của hai bên hiện đang nhóm họp”, tuyên bố cho biết thêm. Sau đó tuyên bố này được sửa thành “xảy ra thương vong ở cả hai phía”.
Vài giờ sau, một tuyên bố thứ hai của Quân đội Ấn Độ đã sửa đổi con số người chết ở phía nước này lên 20 người, với lý do “thêm 17 binh sĩ bị thương nặng trong vụ đụng độ ban đầu, trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 và ở địa hình độ cao lớn, đã không qua khỏi các vết thương”. Hiện chưa rõ liệu số người chết bên phía Ấn Độ có tiếp tục tăng hay không.
Bổ sung cho tuyên bố của Quân đội Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này ngày 16/6 cũng đưa ra một tuyên bố bình luận về các nguồn gốc của cuộc đụng độ. Mặc dù xác nhận rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm giảm bớt bế tắc đang diễn ra từ đầu tháng 5, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng các cuộc đụng độ bạo lực là kết quả nỗ lực của phía Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng. Tuyên bố cũng nói rằng Ấn Độ ủng hộ “một nghị quyết về sự khác biệt thông qua đối thoại”.
Về phía Trung Quốc, phản ứng chính thức chi tiết nhất được đưa ra từ Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuyên bố này cáo buộc Ấn Độ đã “nuốt lời” và “vi phạm các cam kết” đã được đưa đầu tháng này tại các cuộc đàm phán quân sự ở cấp chỉ huy quân đoàn.
Ông Zhang Shuili, Người phát ngôn Bộ tư lệnh Chiến khu Tây Bộ của PLA, nói thêm rằng "Quân đội Ấn Độ đã vi phạm cam kết của mình, một lần nữa vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và cố tình phát động các cuộc tấn công khiêu khích, gây ra đối đầu gay gắt giữa hai bên, dẫn đến thương vong”.
Banner với dòng chữ "Chiến đấu để thắng" dựng bên một con đường ở Ladakh, Ấn Độ năm 2012. Ảnh: CNN |
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh đã hành động và “đưa ra sự phản đối mạnh mẽ với phía Ấn Độ”. Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cũng đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy ngày 16/6. Bắc Kinh không đưa ra tuyên bố nào chính thức xác nhận có hứng chịu thương vong hay không, trong khi phía Ấn Độ dẫn các nguồn tin ẩn danh, lưu ý rằng PLA có thương vong trong các cuộc đụng độ vừa qua.
Khi các thỏa thuận hòa bình giảm hiệu lực
Báo cáo về con số tử vong cho thấy đây là sự cố nghiêm trọng nhất dọc theo biên giới Trung - Ấn kể từ năm 1967, khi hai bên xảy ra giao tranh lớn gây nhiều thương vong. Hiện chưa rõ hai bên có sử dụng súng trong vụ đụng độ này hay không, nhưng các đơn vị tuần tra dọc theo LAC không sử dụng súng và hai bên thường chỉ xảy ra các trận ẩu đả, sử dụng đá để ném. Lần cuối cùng súng được sử dụng dọc biên giới là vào tháng 10/1975, trong một sự cố ít được nhớ đến dọc theo biên giới Trung - Ấn.
Điều đó đủ để nói rằng vụ đụng độ mùa hè năm 2020 này đang vượt xa về mức độ nghiêm trọng so với vụ đụng độ tại Doklam năm 2017. Trước đó, các chuyên gia cũng cho rằng bế tắc kéo dài 73 ngày tại Doklam đã chứng minh các cơ chế tồn tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ trở lại đây, trong đó có Thỏa thuận Hòa bình và Yên bình dọc theo Đường Kiểm soát LAC, đã bị xói mòn.
Hình ảnh về cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962. |
Sau vụ Doklam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai cuộc hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên cuộc đụng độ biên giới mới nhất một lần nữa lại nâng hồ sơ biên giới Trung - Ấn lên đầu chương trình nghị sự.
Các nhà phân tích cho rằng vụ bạo lực ở Thung lũng Galwan có thể đánh dấu một điểm bùng phát căng thẳng Trung - Ấn trong thế kỷ 21, đòi hỏi hai bên phải xem xét lại các thỏa thuận hiện có và đi đến thiết lập một hiểu biết mới về tranh chấp.
Trong những giờ tới, có khả năng nhiều chi tiết hơn sẽ xuất hiện về mức độ nghiêm trọng của cuộc đụng độ Thung lũng Galwan, với những thay đổi về con số thương vong bên phía Ấn Độ cũng như con số cụ thể hơn bên phía Trung Quốc.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đụng độ lẻ tẻ bằng vũ khí thô sơ dọc theo ranh giới ở Ladakh. Ảnh: AP |
Trong khi đó, một trong những tác động chính của cuộc đụng độ này là những biến đổi trong nước tại Ấn Độ. Nhiều tuần qua, giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ đã tìm cách đưa ra những thông điệp trấn an và giảm bớt mức độ nghiêm trọng của tình trạng đối đầu ở biên giới. Tuy nhiên điều này có thể sẽ không thể tiếp diễn trong những ngày tới.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng có thể xem xét một vài lựa chọn, hoặc mong muốn, để trả đũa Trung Quốc. Mặc dù đã tạo dựng được tiếng tăm trong việc giải quyết mâu thuẫn với một đối thủ lớn khác là Pakistan (sau khi New Delhi cho phép một cuộc tấn công xuyên biên giới vào năm 2016 và cuộc không kích năm 2019), nguy cơ leo thang xung đột là rất lớn với Trung Quốc.
Hai bên đã sớm nối lại đối thoại qua các kênh quân sự. Tuy nhiên, không thể bảo đảm rằng những vấn đề chiến lược lớn hơn dẫn đến tranh chấp, trong đó có những động thái của PLA nhằm giành lấy 60km2 vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát trước đây, sẽ được giải quyết. Các cuộc đối thoại chỉ có thể cho thấy không bên nào đang tìm kiếm một cái cớ để lặp lại những cuộc đụng độ như vậy. Như một báo cáo của Ấn Độ lưu ý rằng, mặc dù Trung Quốc có sẵn pháo và súng ở khu vực LAC, nhưng binh sĩ PLA tham gia đụng độ chỉ mang theo những thanh sắt và đá. Phía Ấn Độ cũng vũ trang thô sơ như vậy.