Theo kế hoạch, ngoài trục Nguyễn Trãi - Trần Phú, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5 km, các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: tuyến Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7 km; tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km.
Hà Nội tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới xe buýt tới ngoại thành, trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí...). Dự kiến số tuyến buýt mở mới đến năm 2020 khoảng 46-51, trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở 25-30 tuyến.
Nhiều giải pháp khác được thành phố nghiên cứu, như: thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, báo Vn Express đưa tin.
Về việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chuẩn bị đi vào hoạt động, thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT tại điểm đầu, cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng; nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố nhỏ hẹp; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng…
Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, du lịch… Với xe taxi, thành phố phát triển số lượng một cách hợp lý, đảm bảo theo đúng quy hoạch và nhu cầu sử dụng; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe taxi, theo tìm hiểu từ báo Tiền Phong.