Điều trị ngày thứ 4 tại Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi, quê Bạc Liêu, thường trú Q.12, TP.HCM) chia sẻ, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, anh về quê đón Tết cùng gia đình.
Ngày 6/2 (mùng 2 Tết) anh bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường anh đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều điều trị. 2 ngày sau dù hết sốt nhưng cơ thể lại xuất hiện những đợt nóng, ớn lạnh bất thường. Đi khám tại bệnh viện địa phương, anh được xác định bị sốt xuất huyết.
Cũng như bệnh nhân Huy, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tâm (47 tuổi, quê Đắc Nông) cho biết, từ ngày 9/2 anh bắt đầu có biểu hiện sốt, tay chân rã rời. Nghĩ mình bị cảm do thời tiết thay đổi thất thường nên anh chỉ ở nhà tự điều trị. Mãi đến khi thấy càng mệt mỏi thêm mới được gia đình đưa đi khám và bác sĩ xác định sốt xuất huyết, phải nhập viện điều trị.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết, thông thường thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D. Riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải.
Trong suốt dịp Tết Nguyên đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải căng mình làm việc. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2019, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 1.690 ca sốt xuất huyết. Cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có 600 ca.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, số ca nặng phải thở máy, lọc máu từ 3-5 ca.
BS Phong cho biết thêm, có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng.
BS Phong khuyến cáo, điều nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện nay đã có test kháng nguyên để phát hiện sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ 1/1/2019 đến ngày 10/2/2019, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018 – 2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018.
Số ca sởi cũng đang có xu hướng tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới. Đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.